Petrovietnam/PTSC sẽ đảm nhận tốt vai trò đầu tàu trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài tại Tọa đàm về công tác chế tạo thiết bị điện gió ngoài khơi diễn ra tại Vũng Tàu, ngày 9/1/2025.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm.

Tọa đàm do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài chủ trì, với sự tham gia của các bộ, ban, ngành Trung ương, Petrovietnam, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và các đơn vị sản xuất, cung cấp dịch vụ kỹ thuật.

Tại Tọa đàm, Tổng Giám đốc PTSC Trần Hồ Bắc đã trình bày tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển hơn 30 năm của Tổng công ty, mạng lưới, cơ cấu nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng, năng lực tài chính và các dịch vụ kinh doanh cốt lõi của PTSC.

Ông Trần Hồ Bắc nhấn mạnh, về năng lực chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi (ĐGNK), PTSC sẽ vừa đóng vai trò là nhà đầu tư, vừa là nhà thầu cung cấp dịch vụ các dự án tiêu biểu. Thời gian vừa qua, PTSC đã hạ thủy và bàn giao 33 chân đế ĐGNK thuộc dự án Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) cho khách hàng Orsted (Đan Mạch). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực rất mới là năng lượng tái tạo ngoài khơi, ghi danh Việt Nam trên bản đồ năng lượng tái tạo ngoài khơi thế giới. Tiếp theo thành công tại dự án ĐGNK CHW2204, PTSC đã tiếp tục đấu thầu và trúng thầu cung cấp chân đế trụ điện gió cho dự án ĐGNK (quy mô lớn hơn dự án CHW2204) của khách hàng quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng Giám đốc PTSC Trần Hồ Bắc vui mừng báo cáo với Thứ trưởng Trương Thanh Hoài và đoàn công tác về những thành tựu mà PTSC đã đạt được trong lĩnh vực ĐGNK ngay từ những bước đi đầu tiên.

Tổng Giám đốc PTSC Trần Hồ Bắc vui mừng báo cáo với Thứ trưởng Trương Thanh Hoài và đoàn công tác về những thành tựu mà PTSC đã đạt được trong lĩnh vực ĐGNK ngay từ những bước đi đầu tiên.

Bên cạnh đó, PTSC cũng bắt đầu bước vào giai đoạn khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án ĐGNK Baltica 02 tại biển Baltic - một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu và xuất khẩu các trạm biến áp ĐGNK sang châu Âu - thị trường hàng đầu thế giới về ĐGNK, bên cạnh 5 trạm biến áp khác đã và đang xuất khẩu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Để minh họa về năng lực chuỗi cung ứng ĐGNK tại Việt Nam, ông Trần Hồ Bắc đã nêu tổng quan hiện trạng chuỗi cung ứng EPC (thiết kế, mua sắm, chế tạo), tỷ lệ nội địa hóa ở một số thị trường quốc tế như Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Nhật Bản,... Tổng Giám đốc PTSC Trần Hồ Bắc khẳng định: “Trong phát triển ĐGNK, tất cả các nước trên thế giới đều trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm, Nhà nước sẽ bao tiêu toàn bộ thời gian dự án, xác định một mức lợi nhuận định biên, quy mô thí điểm để đánh giá tiềm năng, thiết kế phù hợp với vùng biển, đánh giá tác động đến môi trường; Giai đoạn 2 là phát triển có điều kiện, tức là có sự hỗ trợ của Nhà nước, bao tiêu trong thời gian nhất định và có hỗ trợ giá; Giai đoạn 3 là giai đoạn phát triển, tổ chức đấu thầu giá”.

Bên cạnh đó, cần xem xét chính sách nội địa hóa như các quốc gia trên thế giới. “Với chuỗi cung ứng dịch vụ kỹ thuật cho ĐGNK, các nước trên thế giới đều yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa để nâng cao năng lực, trình độ khoa học - kỹ thuật của nước sở tại. Do đó, để phát triển năng lực trong nước, cần luật hóa chính sách về nội địa hóa với ĐGNK”, ông Trần Hồ Bắc nhấn mạnh.

Việt Nam có tiềm năng đáng kể trong việc nội địa hóa các thành phần chính của dự án ĐGNK, đặc biệt là chế tạo chân đế, lắp ráp vỏ bọc và cung cấp tháp gió. Các nhà cung ứng trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành Dầu khí cần thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ và có kế hoạch tham gia thị trường ĐGNK. Cùng với đó, ngành ĐGNK có thể tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Ông Trần Hồ Bắc khẳng định, vị trí trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi (HUB) phù hợp nhất ở Việt Nam là Vũng Tàu và Thanh Hóa.

Tổng Giám đốc PTSC kiến nghị với Thứ trưởng Bộ Công Thương và Chính phủ xem xét việc quy định rõ về tỷ lệ nội địa hóa cho từng hạng mục công việc chi tiết và lộ trình áp dụng cụ thể; quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ lõi và lộ trình áp dụng cụ thể; cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Ông Lê Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam phát biểu tại Tọa đàm.

Ông Lê Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam phát biểu tại Tọa đàm.

Trao đổi tại Tọa đàm, ông Lê Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam mong muốn được các bộ, ban, ngành, Chính phủ xem xét về quy định tỷ lệ nội địa kết hợp với hỗ trợ về nâng cấp cơ sở hạ tầng để sớm hình thành trung tâm năng lượng tái tạo tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. “Đây chính là cách để có thể triển khai dự án một cách nhanh và thuận lợi nhất, từ đó sẽ thu hút đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển những sản phẩm điện gió cần thiết. Qua đó sẽ tạo được hiệu ứng lan tỏa và kết nối, góp phần hoàn thành mục tiêu 6.000 MW công suất ĐGNK vào năm 2030; đồng thời giúp nền kinh tế đất nước nâng hạng về công nghệ và chất lượng, giải quyết được bài toán tăng trưởng chung”, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam nhấn mạnh.

Tại Tọa đàm, các đại biểu tham gia đã có những trao đổi sôi nổi, trong đó nhấn mạnh và đồng tình ý kiến, cần triển khai ĐGNK càng sớm càng tốt, muốn triển khai ĐGNK tại Việt Nam thì phải có hệ thống phụ trợ, hệ thống nhà cung cấp đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của ĐGNK. Đặc trưng của ĐGNK là sản xuất hàng loạt công suất lớn, thời gian ngắn, như vậy nếu không có cơ sở sản xuất nội địa mà nhập khẩu thì không đáp ứng yêu cầu nhanh và rẻ được.

Việc phát triển ĐGNK không chỉ là giải pháp năng lượng cho tương lai, mà còn là cơ hội vàng để Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp tái tạo bền vững, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế. Để biến những mục tiêu đầy tham vọng này thành hiện thực, Việt Nam cần một kế hoạch hành động rõ ràng, các cơ chế pháp lý nhất quán, cùng sự tham gia của các đối tác có kinh nghiệm từ quốc tế.

PTSC với kinh nghiệm dày dặn trong việc triển khai các dự án dầu khí, hiện đang tích cực tham gia vào các dự án ĐGNK, đồng thời nỗ lực phát triển và cải tiến các dịch vụ kỹ thuật tại chỗ nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Quang cảnh chung của buổi Tọa đàm.

Quang cảnh chung của buổi Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đánh giá cao việc đi đầu trong phát triển ĐGNK của Petrovietnam/PTSC trong thời gian qua. Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, ĐGNK đang là nhu cầu rất cấp bách để đảm ảo an ninh năng lượng, an ninh chủ quyền quốc gia, đồng thời mở ra không gian phát triển lớn về kinh tế và năng lượng cho đất nước. Để nhanh chóng hoàn thiện đề án điện gió, Bộ Công Thương sẽ xem xét và sớm ban hành các quy định về tỷ lệ nội địa hóa, về chuyển giao công nghệ và các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển, đồng thời đề nghị Petrovietnam/PTSC xây dựng chương trình chi tiết để Bộ Công Thương và các bộ, ban, ngành phối hợp hỗ trợ triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ.

“Petrovietnam/PTSC có nền tảng và kinh nghiệm truyền thống lâu đời trong lĩnh vực dầu khí. Trong xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu hiện nay, đề án ĐGNK đã một lần nữa khẳng định lịch sử lựa chọn Petrovietnam/PTSC đi đầu, dẫn dắt, tiên phong trong ngành năng lượng tái tạo. Tin tưởng rằng, bằng ý chí kiên cường, Petrovietnam/PTSC sẽ đảm nhận tốt vai trò đầu tàu trong chuỗi cung ứng ĐGNK tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để đất nước bứt phá trong giai đoạn tới, giai đoạn vươn mình của dân tộc”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài khẳng định.

Các đại biểu trao đổi sôi nổi tại Tọa đàm

Các đại biểu trao đổi sôi nổi tại Tọa đàm

Tọa đàm đã tạo ra một diễn đàn để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các thách thức và cơ hội trong việc phát triển lĩnh vực ĐGNK tại Việt Nam. Những trao đổi và giải pháp được chia sẻ tại Tọa đàm sẽ góp phần cho sự phát triển của ngành ĐGNK trong tương lai; đồng thời mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành năng lượng tái tạo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cùng đoàn công tác đến tham quan khu chế tạo chân đế ĐGNK của Petrovietnam/PTSC.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cùng đoàn công tác đến tham quan khu chế tạo chân đế ĐGNK của Petrovietnam/PTSC.

Khu chế tạo chân đế ĐGNK của Petrovietnam/PTSC.

Khu chế tạo chân đế ĐGNK của Petrovietnam/PTSC.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cùng đoàn công tác đã đến tham quan khu chế tạo chân đế ĐGNK của Petrovietnam tại Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC (TP. Vũng Tàu).

An Nhiên - Hoàng Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/petrovietnamptsc-se-dam-nhan-tot-vai-tro-dau-tau-trong-chuoi-cung-ung-dien-gio-ngoai-khoi-tai-viet-nam-722996.html