Petrovietnam tiên phong trong chuyển dịch năng lượng và tăng trưởng xanh bền vững

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cam kết trung hòa carbon đang trở thành xu thế toàn cầu, Việt Nam đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tái cấu trúc mô hình năng lượng theo hướng bền vững, xanh và ít phát thải. Với vai trò là tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia, Petrovietnam không chỉ giữ trọng trách bảo đảm an ninh năng lượng, mà còn tiên phong dẫn dắt quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước.

Petrovietnam từng bước xây dựng nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển dịch năng lượng

Petrovietnam từng bước xây dựng nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển dịch năng lượng

Nền tảng chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam

Với vị thế "đầu tàu" trong ngành công nghiệp - năng lượng, Petrovietnam đã xây dựng nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển dịch năng lượng, gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Nền tảng này được hình thành từ 3 trụ cột chính: năng lực công nghệ - kỹ thuật; hệ sinh thái công nghiệp dầu khí tích hợp; và năng lực tài chính - quản trị - nhân lực quy mô lớn.

Trước hết, Petrovietnam sở hữu chuỗi giá trị đồng bộ từ thăm dò - khai thác, vận chuyển - tồn trữ, chế biến - phân phối năng lượng, tạo điều kiện để tích hợp các nguồn năng lượng mới vào hệ thống hiện hữu. Năng lực này đặc biệt phù hợp với các mô hình hybrid như: kết hợp LNG - điện tái tạo, điện khí linh hoạt, hoặc chuyển đổi hạ tầng để sử dụng hydrogen/ammonia trong tương lai.

Song song với đó, Petrovietnam đã chủ động tái cơ cấu chiến lược, dịch chuyển trọng tâm đầu tư từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch - xanh - thông minh. Các dự án tiên phong như Nhơn Trạch 3 và 4 (điện khí LNG), điện gió ngoài khơi, điện rác, phát triển trạm sạc EV, nghiên cứu sản xuất hydro… là minh chứng cho hướng đi chiến lược và bài bản.

Bên cạnh đó, nền tảng chuyển đổi của Petrovietnam được hỗ trợ bởi hệ thống nghiên cứu - đổi mới sáng tạo hiện đại, cùng với các cam kết hội nhập quốc tế, qua đó khẳng định vai trò dẫn dắt xu thế phát triển năng lượng tương lai của Việt Nam.

Tái định vị chiến lược - Khẳng định vai trò "đầu tàu" trong chuyển dịch năng lượng

Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cam kết này đòi hỏi không chỉ sự điều chỉnh về chính sách, mà còn cần những doanh nghiệp đầu tàu sẵn sàng đương đầu với thách thức, tạo đột phá trong triển khai. Trong bối cảnh đó, Petrovietnam - với vai trò là tập đoàn kinh tế kỹ thuật trụ cột của đất nước - đã thể hiện rõ tinh thần tiên phong khi định vị chuyển dịch năng lượng trở thành định hướng chiến lược trung tâm trong dài hạn.

Kho cảng LNG Thị Vải đánh dấu việc hình thành chuỗi giá trị LNG khép kín đầu tiên tại Việt Nam

Kho cảng LNG Thị Vải đánh dấu việc hình thành chuỗi giá trị LNG khép kín đầu tiên tại Việt Nam

Từ chủ trương lớn đến hành động cụ thể, Petrovietnam đang từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển xanh và bền vững, thông qua việc chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và Quy hoạch điện VIII. Các mục tiêu phát triển mới không chỉ tập trung duy trì vai trò chủ đạo trong lĩnh vực dầu khí, mà còn mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện khí LNG, hydro xanh, dịch vụ carbon và hạ tầng năng lượng mới.

Một trong những bước chuyển căn bản của Petrovietnam là chuyển đổi từ mô hình “tập đoàn dầu khí” truyền thống sang “tập đoàn công nghiệp - năng lượng”. Điều này không chỉ thể hiện qua việc thay đổi cơ cấu đầu tư, mà còn được cụ thể hóa trong chiến lược chuyển đổi danh mục sản phẩm, công nghệ và mô hình vận hành. Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị đã định hướng phát triển Petrovietnam trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam với 3 trụ cột chiến lược: Năng lượng - Công nghiệp - Dịch vụ, trong đó, "Năng lượng" là trụ cột cốt lõi, giữ mối quan hệ tương hỗ giữa 3 trụ cột, giữ vai trò tiên phong phát triển các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, năng lượng mới; đồng thời xác định nhiệm vụ và trách nhiệm của Petrovietnam trong việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị phục vụ ngành năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

Từ sự dịch chuyển này, Tập đoàn đã xây dựng Chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, tập trung vào các ngành chuyển dịch năng lượng, bên cạnh các ngành truyền thống. Trong đó xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp của từng đơn vị thành viên, các bước đi trong ứng dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đầu tư hạ tầng năng lượng mới. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ mới về thu giữ, lưu trữ carbon (CCUS), hydro xanh, nhiên liệu sinh học, các mô hình điện gió ngoài khơi…

Tiên phong trong chuỗi dự án LNG và điện khí

Một trong những lĩnh vực Petrovietnam đã tích lũy được bề dày kinh nghiệm và hiện đang dẫn đầu là phát triển các dự án điện khí LNG tại Việt Nam. Hai dự án trọng điểm là Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 có tổng công suất khoảng 1.500 MW, do PV Power - đơn vị thành viên của Petrovietnam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD. Đây là các nhà máy điện khí LNG đầu tiên tại Việt Nam, góp phần tăng cường nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh phụ tải tăng cao, đồng thời mở ra hướng phát triển mới cho ngành năng lượng, theo đúng định hướng phát triển điện khí LNG trong Quy hoạch điện VIII được Chính phủ phê duyệt.

PV Power đang tích cực tái định hình mô hình phát điện theo hướng xanh hóa, thông qua việc trở thành đơn vị đầu tiên thử nghiệm phối trộn sinh khối tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1

PV Power đang tích cực tái định hình mô hình phát điện theo hướng xanh hóa, thông qua việc trở thành đơn vị đầu tiên thử nghiệm phối trộn sinh khối tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1

PV Power đang tích cực tái định hình mô hình phát điện theo hướng xanh hóa, thông qua việc tiên phong thử nghiệm phối trộn sinh khối tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1; chuẩn bị điều kiện kỹ thuật để thực hiện đồng đốt amoniac xanh sau năm 2030 - một bước đi chiến lược nhằm giảm phát thải CO₂ từ các tổ máy hiện hữu. Cùng với đó, hệ thống điện mặt trời áp mái tại các nhà máy điện như Nhơn Trạch 2, Cà Mau… đã được đưa vào vận hành, vừa tận dụng hiệu quả hạ tầng sẵn có, vừa tạo nguồn điện sạch phục vụ nhu cầu nội bội.

Cùng với đó, PV GAS cũng đã hoàn thành và vận hành Kho cảng LNG Thị Vải, đánh dấu việc hình thành chuỗi giá trị LNG khép kín đầu tiên tại Việt Nam - từ nhập khẩu, tồn trữ, đến phân phối khí LNG cho các nhà máy điện. Đây là nền tảng quan trọng để triển khai các dự án điện khí LNG quy mô lớn, tạo ra bước nhảy vọt trong cơ cấu nguồn điện sạch thay thế điện than. Mô hình “Trung tâm LNG” (LNG hub) thay vì các kho nhỏ lẻ được Petrovietnam định hướng phát triển, nhằm tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả điều phối và đảm bảo an ninh cung ứng cho các nhà máy điện khí trên phạm vi rộng.

Song song với LNG, mạng lưới phân phối khí thấp áp, CNG và LNG cho ngành công nghiệp và giao thông cũng được PV GAS mở rộng. Nhiều nhà máy, khu công nghiệp và phương tiện giao thông công cộng như xe buýt đã sử dụng khí sạch thay thế nhiên liệu truyền thống, góp phần giảm thiểu đáng kể phát thải SO₂, NOₓ và bụi mịn - từng bước hình thành hệ sinh thái khí xanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Mở rộng đầu tư năng lượng tái tạo

Không dừng lại ở đó, Petrovietnam đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Giai đoạn 2023-2025, nhiều đơn vị thành viên như PV Power, PVEP, PTSC… đã phối hợp khảo sát và xúc tiến đầu tư hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời trên phạm vi cả nước.

Đặc biệt, Petrovietnam đang triển khai nghiên cứu chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó có hợp tác với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, JICA, ADB… nhằm tham khảo kinh nghiệm quốc tế và xây dựng cơ sở dữ liệu về tiềm năng gió biển và mô hình tài chính phù hợp tại các khu vực có triển vọng phát triển.

PVOIL đang thúc đẩy mô hình cửa hàng xăng dầu kết hợp trạm sạc xe điện

PVOIL đang thúc đẩy mô hình cửa hàng xăng dầu kết hợp trạm sạc xe điện

Trong khi đó, các mô hình năng lượng phân tán như điện mặt trời áp mái, điện sinh khối, đồng phát tại các nhà máy lọc dầu, khí - điện - đạm… cũng được đẩy mạnh với mục tiêu vừa giảm phát thải, vừa giảm chi phí vận hành. Nhiều công ty thành viên đã đưa điện mặt trời áp mái vào sử dụng như PVFCCo, PV Power NT...

Song song đó, Petrovietnam tích cực nghiên cứu mô hình nhà máy trung hòa carbon (Net-zero plant) thông qua các công cụ như tín chỉ carbon, công nghệ thu giữ và lưu trữ CO2 (CCUS), đồng thời tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) vào hệ thống quản lý năng lượng.

Petrovietnam là một trong số ít doanh nghiệp tại Việt Nam có tiềm năng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng để phát triển hydro xanh và amoniac xanh, khẳng định vai trò tiên phong của Tập đoàn trong sản xuất, lưu trữ và phân phối hydro xanh, tích hợp vào chuỗi cung ứng năng lượng mới và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực cung cấp năng lượng cho giao thông xanh, PVOIL đã tiên phong hợp tác với VinFast/V-Green triển khai các trạm sạc xe điện tại hệ thống cửa hàng xăng dầu. Đây là hướng đi mới, kết hợp giữa nhiên liệu truyền thống và năng lượng điện sạch, tạo tiền đề cho quá trình chuyển đổi toàn diện trong ngành vận tải. Cùng với đó, PV Power cũng tích cực đẩy mạnh đầu tư các dự án trạm sạc xe điện, hướng tới mục tiêu hình thành mạng lưới 1.000 trạm trên toàn quốc vào năm 2035.

Petrovietnam xác định, chuyển dịch năng lượng không chỉ là mục tiêu chính trị mà phải là một quá trình đổi mới thực chất, tạo ra giá trị gia tăng bền vững. Do đó, thay vì phát triển đơn lẻ từng dự án, Tập đoàn đang hướng đến mô hình hệ sinh thái các trung tâm công nghiệp năng lượng tích hợp, sẽ được xây dựng trong thời gian tới. Cùng với đó, Petrovietnam cũng tích cực tham gia các diễn đàn năng lượng quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược, tổ chức tài chính khí hậu..., qua đó tranh thủ nguồn vốn xanh, công nghệ tiên tiến, góp phần đẩy nhanh quá trình dịch chuyển năng lượng quốc gia.

Ngày 28/7/2025, Hội Dầu khí Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Diễn đàn Dầu khí - Năng lượng thường niên với chủ đề: “Chuyển dịch năng lượng - Tầm nhìn và hành động”. Sự kiện là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi quan điểm, cập nhật xu hướng, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các giải pháp thực tiễn nhằm tháo gỡ rào cản trong chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Phương Thảo

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/petrovietnam-tien-phong-trong-chuyen-dich-nang-luong-va-tang-truong-xanh-ben-vung-730431-730431.html