Petrovietnam vượt qua các tác động tiêu cực
Trong quý I/2023, với quyết tâm cao, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) duy trì nhịp độ sản xuất, kinh doanh (SXKD) ổn định, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao, nộp ngân sách Nhà nước hơn 29.800 tỷ đồng.
Kết quả khả quan
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, những khó khăn của tình hình thế giới đã khiến hàng loạt chỉ số như xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%, sản xuất công nghiệp (IIP) suy giảm, tăng trưởng tín dụng khó khăn, nhiều địa phương tăng trưởng âm, nhu cầu các sản phẩm thiết yếu cho sản xuất, thép, than đá… cũng sụt giảm.
Tuy nhiên, với việc tiếp tục bám sát tình hình vĩ mô, thị trường, điều hành SXKD hợp lý, kịp thời, nỗ lực quản trị rủi ro, kiểm soát, giảm thiểu thiệt hại từ các tác động tiêu cực, biến động giá, sản lượng, nhu cầu thị trường… và nỗ lực tận dụng tốt các cơ hội, dư địa để tăng trưởng. Petrovietnam tiếp tục giữ vững nhịp độ SXKD ổn định, duy trì sản lượng sản xuất ở mức cao. Nhiều chỉ tiêu sản xuất vượt kế hoạch và tăng trưởng so với cùng kỳ.
Trong quý I/2023, sản lượng khai thác dầu đạt 2,60 triệu tấn, vượt 12,6% kế hoạch quý; bằng 28% kế hoạch năm, sản lượng khai thác khí đạt 1,97 tỷ mét khối, vượt 17,6% kế hoạch quý, bằng 33% kế hoạch năm; sản xuất điện đạt 5,65 tỷ kWh, vượt 6,3% kế hoạch quý, bằng 23,5% kế hoạch năm, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2022; sản xuất đạm đạt 461.000 tấn, vượt 12% kế hoạch quý, bằng 29% kế hoạch năm; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 1,74 triệu tấn, vượt 11,3 % kế hoạch quý, bằng 31,5% kế hoạch năm, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2022.
Với nỗ lực sản xuất tối đa, tối ưu và nâng cao hiệu quả SXKD, Petrovietnam đạt được các chỉ tiêu tài chính khả quan, vượt so với kế hoạch, tích cực hơn so với đà suy giảm của giá dầu và các biến động bất lợi của thị trường (trong quý I/2023 giá dầu xuất bán trung bình giảm 15% so với cùng kỳ).
Quý I/2023, tổng doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 193,7 nghìn tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch quý và đạt 29% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước đạt 29,8 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch quý và đạt 38% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 13,6 nghìn tỷ đồng, vượt 67% kế hoạch quý, bằng 39% kế hoạch năm.
Đồng bộ các giải pháp
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết, tập đoàn sẽ tăng cường sự phối hợp, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị trong toàn tập đoàn; phát huy và củng cố hệ sinh thái Petrovietnam và xây dựng hệ sinh thái mở với các địa phương trên cơ sở tích hợp chiến lược phát triển ngành dầu khí với chiến lược phát triển kinh tế địa phương, tận dụng cơ hội phối hợp với các tỉnh, thành để đẩy mạnh hoạt động SXKD; rà soát tổng thể các nguồn lực liên quan đến hoạch định chiến lược, kết hợp, làm việc với từng địa phương để hỗ trợ đơn vị trong việc sử dụng nguồn lực đất đai.
Trong thời gian tới, Petrovietnam sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đề xuất cập nhật sửa đổi Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; góp ý xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Dầu khí năm 2022, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 124/2017/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí…
Trong hoạt động SXKD, các đơn vị tăng cường cập nhật biến động thị trường, chính sách tài khóa, tiền tệ làm cơ sở điều hành trong các lĩnh vực; nâng cao công suất, hiệu suất, tối ưu vận hành của các nhà máy; triển khai các giải pháp để thúc đẩy và kiểm soát các hoạt động đầu tư của tập đoàn.
Từ nay đến cuối năm, Petrovietnam sẽ triển khai các giải pháp để duy trì sản lượng khai thác dầu khí, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế đất nước; tận dụng thời điểm thị trường điện mùa khô, từ nay đến tháng 6/2023 các nhà máy điện duy trì trong tập đoàn tính khả dụng cao, sẵn sàng cung ứng; nỗ lực đảm bảo các mốc tiến độ quan trọng tiếp theo của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/petrovietnam-vuot-qua-cac-tac-dong-tieu-cuc.html