Rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp thực tiễn và khả năng đáp ứng của nguồn vốn
Chiều 8.11, thảo luận tại Tổ 9 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Yên và Bến Tre) về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, các đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục đánh giá, rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu sát với nhiệm vụ trọng tâm và khả năng đáp ứng của nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án. Ngoài ra, để bảo đảm nguồn vốn kịp thời, hiệu quả thực hiện Chương trình cần có kế hoạch phân kỳ đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp theo thứ tự ưu tiên cho những địa bàn khó khăn, trọng điểm.
Có kế hoạch phân kỳ, sử dụng hiệu quả nguồn lực
Đóng góp ý kiến về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, các đại biểu cho rằng, việc dành năm 2025 chuẩn bị khung pháp lý, cơ chế chỉ đạo, điều phối, vận hành, chuẩn bị các nguồn lực đầu tư, tiêu chí và phương pháp quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình là cần thiết để bảo đảm việc triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả trong giai đoạn 2026 - 2030.
Theo ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 đã đề ra các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và 20 chỉ tiêu, bảo đảm tính bao quát toàn diện, thực hiện trên phạm vi cả nước. Tuy vậy, một số chỉ tiêu đưa ra còn cao như: kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1%/năm. Do vậy, cần phải rà soát lại để bảo đảm phù hợp, khả thi. Ngoài ra, Chương trình cần có kế hoạch phân kỳ đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp theo thứ tự ưu tiên cho những địa bàn khó khăn, trọng điểm. Đồng thời, nên bố trí vốn cho các tổ chức chính trị - xã hội để các tổ chức này tham gia phòng chống ma túy có hiệu quả.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, cần bổ sung thêm giải pháp về hoàn thiện thể chế trong triển khai thực hiện chương trình. Trong đó, cần rà soát các văn bản chi tiết thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đến nay không còn phù hợp; bổ sung giải pháp nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy và giải pháp giải quyết việc làm hỗ trợ cho người sau cai nghiện…
Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) đề nghị, Chính phủ bám sát 6 giải pháp đã đặt ra và các nhiệm vụ từ các dự án. Đồng thời, tiếp tục đánh giá các nội dung dự án và tiểu dự án có phù hợp với tình hình hiện nay hay không? Bởi, tình hình ma túy luôn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, cần rà soát để bảo đảm không trùng lắp giữa nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cơ quan.
Tại tổ thảo luận, một số đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ, kinh phí, tăng cường vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; đặc biệt, là Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong công tác phòng, chống ma túy.
Liên quan đến cơ chế quản lý, tổ chức và cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình, một số đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình tiếp tục nghiên cứu, rà soát các cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi; nghiên cứu xác định kỹ về nội dung, thời gian thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện và thể hiện thẩm quyền ban hành trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Quy định về quảng cáo cần bao quát, rõ ràng, phù hợp thực tiễn
Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho rằng: Quy định “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội” còn chung chung, chưa cụ thể. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”, bảo đảm bao quát, rõ ràng, phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Tại Điều 19 về yêu cầu nội dung quảng cáo, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị, cần quy định kĩ và rõ hơn từ giọng đọc đến chữ viết và phải quy định chung cho tất cả các sản phẩm. Đối với vấn đề quảng cáo trên báo chí, theo đại biểu, trước sự phát triển của quảng cáo trên mạng hiện nay, thị phần quảng cáo báo in đã giảm mạnh. Đặc biệt, vấn đề khó khăn của báo chí không phải diện tích quảng cáo mà chính là không có quảng cáo. Do vậy, việc nới quy định giới hạn về tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống là chưa sát thực tế.
ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa khẳng định, điều quan trọng nhất phải coi quảng cáo là ngành “công nghiệp văn hóa”, cần quan tâm đến lĩnh vực đào tạo cho nhân lực quảng cáo, thúc đẩy dịch vụ này phát triển.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc thêm việc quảng cáo bằng những tờ rơi rao vặt để bổ sung cho phù hợp. Về yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thì những nội dung đã được quy định trong luật chuyên ngành không nên quy định lại. Đồng thời, giao Chính phủ quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác khi có phát sinh trên thực tế...