Pfizer, BioNTech tìm cách tăng nguồn cung vắcxin để đáp ứng nhu cầu

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho người dân tại Bristton, Anh - Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi Cơ quan quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắcxin do công ty Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp phát triển, Giám đốc điều hành BioNTech, ông Ugur Sahin ngày 11/12 cho biết thách thức lớn nhất đối với hai công ty này giờ đây là phải sản xuất đủ vắcxin để đáp ứng nhu cầu rất lớn.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, ông Sahin cho biết: "Chúng tôi cần giải quyết thách thức về sản xuất. Chắc chắn cần nhiều vắcxin hơn và chúng tôi đang đối mặt với vấn đề làm thế nào để sản xuất nhiều hơn”. Ông cho biết thêm hai công ty sẽ thảo luận việc nghiên cứu để vắcxin này chỉ cần tiêm một mũi duy nhất, thay vì hai mũi như hiện nay.

Trước đó, Pfizer và BioNTech cho biết sẽ sản xuất tới 1,3 tỉ liều vắcxin năm tới. Ông Sahin dự kiến vắcxin của hai công ty sẽ được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt vào cuối tháng này và có thể bắt đầu cung cấp vắcxin cho các nước châu Âu từ đầu năm tới.

Theo ông Sahin, có thể tăng nguồn cung vắcxin bằng cách đẩy nhanh việc triển khai nhà máy có công 750 triệu liều/năm mà BioNTech mua của Novartis AG ở Marburg, Đức. Trước đây, BioNTech cho biết sẽ bắt đầu sản xuất vắcxin ở nhà máy này từ nửa đầu năm 2021. Ông Sahin cho biết công ty đang xúc tiến triển khai nhà máy này sớm hơn.

Sau khi FDA của Mỹ tối 11/12 cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắcxin của Pfizer/BioNTech, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ bắt đầu triển khai cho tiêm vắcxin này "trong vòng chưa đầy 24 giờ tới”. Theo FDA, vắcxin trên có thể sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên; đợt đầu tiên có khoảng 2,9 triệu liều vắcxin. Chính phủ Mỹ đã đặt mua 100 triệu liều và có thể thương lượng thêm. FDA cũng đang xem xét cấp phép cho vắcxin ngừa COVID-19 của công ty Moderna.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) ngày 11/12 cho biết chính quyền Tổng thống Trump sẽ mua thêm 100 triệu liều vắcxin của công ty Moderna. Đây là lô hàng thứ hai mà Mỹ mua của Moderna, và sẽ được giao vào quý 2/2021. Đầu năm nay, Mỹ đã đặt hàng 100 triệu liều, dự kiến 20 triệu liều sẽ được cung cấp vào cuối tháng 12 này sau khi được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Bộ trưởng HHS Alex Azar cho biết việc mua thêm 100 triệu liều vắcxin của Moderna vào tháng 6/2021 sẽ giúp mở rộng việc cung cấp vắcxin theo chương trình Warp Speed, qua đó mang lại cho người Mỹ niềm tin lớn hơn nữa về việc Mỹ có khả năng cung cấp đủ vắcxin cho tất cả những người Mỹ muốn tiêm chủng vào quý 2/2021.

Cùng ngày 11/12, Ủy ban Liên bang về phòng chống các nguy cơ y tế của Mexico (Cofepris) đã phê duyệt vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Thứ trưởng Y tế Hugo López Gatell cho biết Cofepris đã hoàn tất quá trình đánh giá, kiểm định vắcxin của Pfizer-BioNTech và cấp phép sử dụng loại vắcxin này.

Như vậy, Mexico đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới phê duyệt vắcxin của Pfizer sau Anh, Cộng hòa Bahrain và Canada. Mỹ là quốc gia thứ 5 phê duyệt vắcxin này. Bộ Y tế Mexico thông báo sẽ tiếp nhận lô vắcxin đầu tiên 250.000 liều trong tháng 12 này. Mexico đã ký thỏa thuận mua 34,4 triệu liều vắcxin của Pfizer-BioNTech và 35 triệu liều vắcxin của hãng dược phẩm CanSino Biologics của Trung Quốc.

Các thỏa thuận này nằm trong gói thỏa thuận mua 146,8 triệu liều vắcxin của AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và CanSino Biologics. Chính phủ Mexico cho biết kế hoạch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 này và ưu tiên số 1 là dành cho các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia, ông Terawan Agus Putranto cho biết, Cơ quan ngân sách của Bộ Tài chính đã đề nghị Tổng thủ quỹ Nhà nước chuẩn bị sẵn sàng khoản ngân sách 3637,3 tỉ rupiah (45,4 triệu USD) để mua 3 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19.

Theo Bộ trưởng Terawan Agus Putranto, Indonesia đã nhận được 1,2 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 trong đợt giao hàng đầu tiên từ phía Trung Quốc. Số lượng của đợt tiếp theo là 1,8 triệu liều và dự kiến sẽ được giao cho Indonesia trong tháng 1/2021. Nhân viên y tế Indonesia sẽ là nhóm đối tượng đầu tiên được tiêm phòng.

Bộ Y tế Indonesia đã dự kiến sẽ sử dụng 1,2 triệu liều vắcxin đầu tiên đến tiêm cho các nhân viên y tế tại khu vực đảo Java và Bali. Số nhân viên y tế còn lại sẽ được tiêm phòng trong nhập lô vắcxin thứ hai ngay sau khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Indonesia cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp. Cũng theo Bộ trưởng Terawan Agus Putranto, việc tiêm chủng trên toàn quốc sẽ được Indonesia thực hiện dần dần và theo từng giai đoạn, căn cứ vào tình trạng sẵn có của vắcxin.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/249925/pfizer-biontech-tim-cach-tang-nguon-cung-vacxin-de-dap-ung-nhu-cau.html