PGBank: Thành viên HĐQT từ nhiệm, chờ sáp nhập, kinh doanh vẫn khả quan
Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2021, PG Bank đưa ra hàng loạt kế hoạch: chỉ tiêu kinh doanh khả quan, muốn dừng sáp nhập và bổ sung thành viên HĐQT...
Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2021, PG Bank đưa ra hàng loạt kế hoạch: chỉ tiêu kinh doanh khả quan, muốn dừng sáp nhập và bổ sung thành viên HĐQT.
PETROLIMEX CÓ THOÁI HẾT VỐN TẠI PG BANK?
Ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2021 của ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex, ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT của ngân hàng này đã có đơn xin từ nhiệm kể từ ngày 8/3/2021 vì lý do cá nhân. Trong nội dung đại hội sắp tới, ngân hàng này cũng sẽ trình cổ đông về việc bầu thay thế 2 thành viên HĐQT và bầu bổ sung 1 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025.
Mới đây, ban lãnh đạo PG Bank cũng lên tiếng mong muốn dừng sáp nhập vì cho rằng thời gian sáp nhập kéo dài ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng này.
Ngược thời gian hơn 02 năm về trước, tại Đề án tóm tắt sáp nhập PG Bank vào HDBank, thương vụ này sẽ hoàn tất vào tháng 8/2018. Theo đó, PG Bank sẽ bị rút giấy phép thành lập và hoạt động và HDBank tiếp nhận toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của PG Bank.
Tuy nhiên, đến nay việc sáp nhập vẫn chưa có chuyển biến mới khi vướng mắc lớn nhất là Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thông qua đề án cuối cùng, dù trước đó, cơ quan quản lý đã chấp thuận về mặt nguyên tắc từ tháng 9/2018, ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch PG Bank, cho biết.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của PG Bank (ngày 24/6), ông Trần Ngọc Năm, thành viên HĐQT PG Bank (đại diện 40% vốn sở hữu của Petrolimex tại PG Bank), cho biết Petrolimex đang phải chịu áp lực thoái hết vốn góp tại ngân hàng này, không chỉ thoái xuống mức 15%, do vượt quá tỷ lệ theo quy định. Nếu đến 31/8/2020, việc sáp nhập PG Bank vào ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) chưa thể hoàn tất, Petrolimex sẽ lên kế hoạch bán 40% cổ phần cho nhà đầu tư khác. Điều này có nghĩa sẽ không thực hiện sáp nhập nữa. Nếu 60% cổ phần của cổ đông khác vẫn quyết định sáp nhập thì đó là quyền của các cổ đông khác.
Dù trong trạng thái luôn chờ sáp nhập, nhưng với tình hình kinh doanh đang có nhiều khả quan, HĐQT của PG Bank đã quyết định đưa 300 triệu cổ phần của PG Bank với mã chứng khoán PGB giao dịch trên sàn UPCoM ngày 24/12/2020.
"DÍNH ÁN" SÁP NHẬP, PG BANK VẪN KINH DOANH HIỆU QUẢ
Điều đáng nói là sau khi có quyết định sáp nhập, PG Bank lại hoạt động kinh doanh hiệu quả.
Theo báo cáo tóm tắt của PG Bank, xét về hoạt động kinh doanh của PG Bank từ năm 2018 khi có quyết định sáp nhập đến nay, ngân hàng này vẫn thu hút tốt nguồn tiền gửi của khách hàng tổ chức kinh tế và dân cư. Đây cũng là nguồn tiền chủ yếu để cho vay ra.
Cụ thể, trong tổng tiền gửi vào PG Bank từ năm 2018 – nay, có đến 90,6% – 93% là tiền của các tổ chức kinh tế và dân cư.
Dư nợ cho vay của ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt từ mức 22.051 tỷ đồng năm 2018 lên mức 23.696 tỷ đồng năm 2019 (mức tăng 7,5%). Trong năm 2020, cho vay tăng trưởng 8,4% lên mức 25.675 tỷ đồng.
Cơ cấu khách hàng của PG Bank có xu hướng gia tăng cho vay khách hàng cá nhân, khi tỷ trọng cho vay cá nhân tăng từ 36% (7.956 tỷ đồng) năm 2018 lên 38% (9.465 tỷ đồng) và năm 2020 tăng lên mức gần 40%. Do đó, tỷ trọng cho vay tổ chức kinh tế giảm từ mức gần 64% năm 2018 còn khoảng 60% năm 2020.
Tăng trưởng cho vay tốt, nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2019 lại giảm 43% so với năm 2018, từ mức 158,5 tỷ đồng giảm còn gần 89,6 tỷ đồng. Theo PG Bank, do ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu và chi phí hoạt động tăng làm giảm lợi nhuận.
Dù vậy, năm 2020, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, PG Bank vẫn đạt con số lợi nhuận trước thuế gấp 2,2 lần năm trước, lên mức 212 tỷ đồng, khi giảm chi phí dự phòng 51% còn 281 tỷ đồng so với mức 546 tỷ đồng năm trước đó.
Nối tiếp đà tăng trưởng, năm 2021, ngân hàng đặt mức lợi nhuận trước thuế 310 tỷ đồng, tăng tới 46% so với năm 2020. Mức trích lập dự phòng rủi ro cũng giảm 55%, còn 124 tỷ đồng.
Về chất lượng cho vay, tỷ lệ nợ quá hạn của PG Bank cao hơn so với trung bình ngành (dưới 2%), cụ thể, năm 2018 tỷ lệ này là 3,3%, năm 2019 là 1,8%, năm 2020 là 2,44%, năm 2021, dự kiến tỷ lệ nợ xấu được giữ mở mức 2,5, nhưng ngân hàng này lại có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) khá cao so với mức trung bình toàn ngành ngân hàng (11,5%), cụ thể, năm 2018 tỷ lệ này là 14,5%, năm 2019 là 13,8%, 9 tháng đầu năm 2020 là 12,7%.
PG Bank cũng cho biết thêm, để đạt được kế hoạch sản xuất kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ như đã đề ra, ngân hàng sẽ hướng tới chuyển đổi cơ cấu thu nhập từ nguồn thu lãi chiếm 70% trở thành một ngân hàng đa dịch vụ. Trong đó, áp dụng các gói chính sách cho các thị trường ngách, như: làng nghề, đầu kéo, nông nghiệp nông thôn, liên kết cho vay dự án, ô tô… Bổ sung dịch vụ ngân hàng đầu tư, như: dịch vụ tư vấn quản lý tài chính, tư vấn đầu tư, phát hành trái phiếu, mua bán sáp nhập doanh nghiệp…