PGĐ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố: Trẻ hút ma túy có thể ngưng thở, nguy kịch đến tính mạng
'Não của trẻ chưa hoàn thiện, chưa ổn định nên khi sử dụng ma túy với liều lượng không được kiểm soát, đo lường thì rất nguy hiểm, gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thống tế bào thần kinh, nghiêm trọng hơn có thể gây nên tình trạng quá mức độ ức chế não, khiến trẻ ngưng thở, nguy kịch đến tính mạng
Vụ việc bé trai nghi bị cha dượng bạo hành, ép hút ma túy tại TP.HCM thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua, mọi người đều bày tỏ sự phẫn nộ về hành vi tàn nhẫn của cha dượng cũng như mẹ ruột đang nuôi dưỡng bé.
Chia sẻ về vụ việc này, BS CKII Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố bày tỏ lo ngại vì không biết đây là lần thứ mấy em bé bị ép sử dụng ma túy. Bởi nếu sử dụng nhiều sẽ có tác động nghiêm trọng lên não, có thể thay đổi cả tình trạng tri thức, ý thức, tri giác.
Đối với trẻ em, do não chưa hoàn thiện, ổn định nên khi sử dụng ma túy với liều lượng không được kiểm soát, đo lường thì rất nguy hiểm, gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thống, tế bào thần kinh, nghiêm trọng hơn có thể gây nên tình trạng quá mức độ ức chế não, khiến trẻ ngưng thở, nguy kịch đến tính mạng. Đó là những tổn thương khó hồi phục, chưa kể các em có nguy cơ lạm dụng thuốc, nhất là đối với trẻ tuổi vị thành niên.
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố nhìn nhận, em bé trong vụ việc mới 3 tuổi, còn cả tương lai phía trước, do đó cần được đưa đến bệnh viện để theo dõi sức khỏe thường xuyên.
“Khi gia đình cần, bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ khám, chăm sóc, điều trị nếu em bé có những vấn đề về sức khỏe. Trường hợp em bé ổn định, bệnh viện sẽ chung tay với bên nuôi dưỡng tiếp tục theo dõi quá trình lớn lên và tác hại từ thuốc ảnh hưởng đến em bé về sau”, bác sĩ Nam cho biết.
Từ vụ việc trên, bác sĩ Nam cho rằng cần chú trọng công tác cảnh báo, truyền thông ở những nơi có liên quan đến trẻ như gia đình, trường học… về việc không được sử dụng chất cấm.
Đối với trường hợp em bé 3 tuổi cần có những can thiệp để cách ly kịp thời, hỗ trợ về sức khỏe, tinh thần cũng như vấn đề nuôi dưỡng.
Đặc biệt sự chung tay của các cơ quan, đoàn thể, xã hội cũng là điều cần thiết, trong trường hợp phát hiện hoặc có nghi ngờ, người dân nên chủ động báo đến những cơ quan có thẩm quyền để can thiệp, hỗ trợ.
“Đây không phải một em bé mà là vấn đề của cả xã hội, không chỉ một gia đình mà còn nhiều gia đình khác chưa biết đến, vì vậy cần nâng cao ý thức, giúp mọi người hiểu được tác hại của những chất gây nghiện vì nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai của trẻ”, bác sĩ Nam nhấn mạnh.
Nhiều năm qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận những trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng sốc thuốc. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều loại ma túy tổng hợp nên đôi lúc nhập viện không khai thác được thông tin bệnh nhân có sử dụng thuốc không, có những trường hợp khai thác được nhưng có những trường hợp nghi ngờ. Do đó, đầu tiên bệnh viện phải xét nghiệm để xác định bệnh nhân có liên quan đến các chất gây nghiện hay không; tiếp đó sẽ hỗ trợ, điều trị về sức khỏe, tinh thần cho bệnh nhân.
Ma túy có thể giết chết tương lai con trẻ, do đó các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm, theo sát, tránh để xảy ra trường hợp đáng tiếc xảy ra.