PGII: Sáng kiến làm thay đổi 'cuộc chơi' ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Đại dịch COVID-19, tình trạng biến đổi khí hậu, sự chuyển đổi của công nghệ và những căng thẳng địa chính trị đã tạo ra thách thức kinh tế mới đáng kể cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo bài viết đăng trên báo The Straits Times, với sự hỗ trợ từ khu vực tư nhân của Mỹ, Hiệp định Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu (PGII) của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có thể thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, cũng như làm sâu sắc quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia trong khu vực.
Đại dịch COVID-19, tình trạng biến đổi khí hậu, sự chuyển đổi của công nghệ và những căng thẳng địa chính trị đã tạo ra những thách thức kinh tế mới đáng kể cho các nước ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh này, tháng 5/2022, Mỹ đã đề xuất và 13 quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã nhất trí phát động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF).
Sáng kiến này nhằm mục đích tăng cường sự can dự của Mỹ trong khu vực mà không thông qua một hiệp định thương mại truyền thống – điều mà nhiều đối tác khu vực ưa thích – mà thông qua một hiệp định kinh tế. Bốn trụ cột của IPEF là thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng.
Với khả năng tiếp cận thị trường đã bị loại bỏ, ít nhất ở thời điểm hiện tại, các nước đối tác đã đặt câu hỏi một cách đúng đắn là IPEF sẽ đem lại những lợi ích cụ thể gì? Mỹ hứa hẹn 2 lợi ích lớn.
Thứ nhất, IPEF sẽ làm sâu sắc các mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và các đối tác IPEF thông qua các luật lệ, tiêu chuẩn và nguyên tắc chung của khu vực, từ đó sẽ thúc đẩy chuyển đổi số, sự phục hồi của chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng và quản trị tốt đẹp. Thứ hai, IPEF sẽ đem lại một môi trường thuận lợi cho đầu tư của Mỹ trong khu vực.
Mặc dù có khả năng kéo theo một sự thay đổi chính trị, nhưng các quốc gia IPEF thừa nhận rằng hiệp định về các nguyên tắc và tiêu chuẩn số, nếu vững chắc và có tính ràng buộc, sẽ tăng cường an ninh mạng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, luồng dữ liệu đáng tin cậy và sự hòa nhập kỹ thuật số; và hỗ trợ việc làm trên tất cả các lĩnh vực.
Những quy định cụ thể, tiêu chuẩn chung và sự phối hợp gia tăng trên các chuỗi cung ứng sẽ tăng cường khả năng phục hồi kinh tế. Các tiêu chuẩn và cách tiếp cận đã được thống nhất về năng lượng sạch và phi carbon hóa sẽ hỗ trợ các mục tiêu khí hậu của họ.
Các đối tác IPEF cũng biết rằng sự chuyển đổi kinh tế này sẽ không hề rẻ, và họ kỳ vọng Mỹ sẽ hỗ trợ họ. Mỹ đã là nhà đầu tư lớn nhất trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong một thời gian.
Với gần 1.000 tỷ USD, đầu tư của Mỹ vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác, và nó đã tăng lên ở mọi nền kinh tế lớn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, khi các quốc gia tìm cách chuyển đổi nền kinh tế của mình, họ mong muốn đầu tư nước ngoài sẽ chỉ tăng lên.
Nhiều nền kinh tế lớn nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải đối mặt với khoảng cách cấp vốn rất lớn cho cơ sở hạ tầng. Ví dụ, Liên hợp quốc (LHQ) ước tính rằng chỉ riêng các quốc gia Đông Nam Á sẽ cần chi khoảng 110 tỷ USD một năm cho cơ sở hạ tầng trong thập kỷ tới để đáp ứng nhu cầu của họ - những nhu cầu mà nguồn tài chính công không thể đáp ứng được. Việc lấp vào khoảng trống này sẽ đòi hỏi sự tham gia của khu vực tư nhân của Mỹ.
PGII có thể giúp ích trong vấn đề này. Được công bố vào cuối tháng Năm tại Hội nghị thượng đỉnh G7, sáng kiến này nhằm huy động 600 tỷ USD đến năm 2027, với 200 tỷ USD từ các lĩnh vực công và tư của Mỹ, cho cơ sở hạ tầng chất lượng, tiêu chuẩn cao, bền vững và tập trung vào vấn đề khí hậu, y tế, kỹ thuật số và bình đẳng giới.
Như Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu khi công bố PGII: "Đây không phải là viện trợ hay từ thiện; đó là một khoản đầu tư sẽ đem lại lợi nhuận cho tất cả mọi người. Nó sẽ thúc đẩy tất cả các nền kinh tế của chúng ta, và nó là cơ hội để chúng ta chia sẻ tầm nhìn tích cực cho tương lai, để các cộng đồng trên toàn thế giới nhìn thấy chính họ - và tự họ thấy được những lợi ích cụ thể của việc hợp tác".
Tuy nhiên, việc biến tầm nhìn này thành hiện thực sẽ đòi hỏi phải có sự liên kết tốt hơn giữa lợi ích của các chính phủ khu vực và các nhà đầu tư tiềm năng, trong đó có khu vực tư nhân của Mỹ.
Để đạt được mục tiêu này, Hiệp hội Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (AAIP), một tổ chức mới hỗ trợ cho các doanh nghiệp đặt trụ sở tại Mỹ có lợi ích quan trọng trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã phát triển các khuyến nghị kêu gọi thành lập các cơ cấu hỗ trợ. Cụ thể là một hội đồng PGII khu vực mới để huy động, điều phối và kết nối vốn của khu vực tư nhân của Mỹ với các dự án có ảnh hưởng hỗ trợ các mục tiêu của IPEF cũng như tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, AAIP đề xuất một ban thư ký khu vực đặt trụ sở tại Singapore sẽ điều phối công việc và giúp xác định các dự án khả thi, tư vấn về việc triển khai chiến lược các quỹ, bảo lãnh và hỗ trợ kỹ thuật để tối đa hóa tác động phát triển.
Theo AAIP, nên có một hội đồng cố vấn PGII sẽ cung cấp cho các chính phủ kiến thức chuyên môn từ cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, cũng như đưa ra sự tư vấn và đề xuất chi tiết, trong đó có các điều khoản PGII, cấu trúc, ưu tiên dự án và vai trò của chính phủ Mỹ và chính phủ các quốc gia IPEF khác để thu hút tốt nhất sự quan tâm của nhà đầu tư. Ngoài ra, một hội nghị thượng đỉnh đều đặn nên được tổ chức để các chính phủ đánh giá tiến trình và thảo luận về các bước tiếp theo.
Với sự hỗ trợ của khu vực tư nhân của Mỹ vốn luôn sẵn sàng trợ giúp, PGII có tiềm năng trở thành một sáng kiến làm thay đổi "cuộc chơi", đặc biệt là nếu cơ cấu hỗ trợ như AAIP đề xuất được thực hiện. Sự thành công của sáng kiến này sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của khu vực, làm sâu sắc quan hệ giữa Mỹ và các nước IPEF, đồng thời tăng cường lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ trong khu vực./.