PGS.Nguyễn Huy Nga: Hà Nội nên cho F0 không triệu chứng cách ly tại nhà

Phó Giáo sư Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế còn cho rằng, Hà Nội nên chuẩn bị sẵn hậu cần để phòng dịch bùng phát diện rộng.

Trong mấy ngày gần đây, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Hà Nội phức tạp lên khi có nhiều ca mắc trong cộng đồng.

Trong ngày 9/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận tổng số 222 ca bệnh dương tính, trong đó cộng đồng 105 ca, khu cách ly 97, khu phong tỏa 20.

Xung quanh việc phòng chống dịch tại Hà Nội, phóng viên báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với Phó Giáo sư Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Ông Nguyên Huy Nga cho rằng, dịch Hà Nội hiện nay phức tạp hơn.

Việc có nhiều ca dương tính với COVID-19 tăng lên trong mấy ngày qua chứng tỏ dịch đang lây lan mạnh trong cộng đồng.

Việc cách ly y tế tại nhà giúp bớp áp lực lên bệnh viện để tập trung điều trị cho bệnh nhân nặng.

“Nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch cá nhân thì dịch lây lan mọi nơi, sẽ xuất hiện nhiều ca hơn và nhiều người sẽ nằm viện hơn, sẽ gây khó khăn cho công tác chống dịch” – ông Nga nhấn mạnh.

Tuy nhiên ông Nga băn khoăn: “Hiện có số liệu các ca dương tính của Hà Nội nhưng không nêu rõ các ca bệnh này nặng hay chỉ có triệu chứng bình thường.

Để đánh giá được, Hà Nội phải công bố rõ hơn về số người bị bệnh nặng, số người tử vong”.

Theo chuyên gia này, việc cho đi lại, không giãn cách nên vi rút phát tán từ người này sang người khác là tất nhiên, theo quy luật, do đó số ca dương tính sẽ tăng.

Tuy nhiên, hiện người Hà Nội tỷ lệ tiêm 2 mũi đã nhiều, việc dịch gây ảnh hưởng lớn, quá tải bệnh viện chưa chắc đã xuất hiện.

Do đó, Hà Nội vẫn đang kiểm soát được dịch. Ngành Y tế vẫn kiểm soát được dịch, chưa có dấu hiệu quá tải.

Tuy nhiên, việc một ngày trên 300 ca/ngày thì xu thế tăng lên sẽ đến lúc nhiều đến 3 ngàn ca mỗi ngày. Đến lúc đó, các bệnh viện có thể sẽ quá tải.

Đánh giá về phòng dịch, ông Nguyễn Huy Nga cho rằng ý thức của nhiều người dân Hà Nội vẫn còn chủ quan với dịch bệnh.

Trong khi các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục chống dịch, vừa chống dịch vừa thực hiện Nghị quyết 128 nhưng nhiều người dân có vẻ chủ quan, tập trung đông người, ăn uống, đi lại.

“Việc chủ quan thì dịch sẽ lây lan ra nhiều hơn trong cộng đồng. Nhưng việc nhiều người dân không sợ COVID-19 xem đó là bệnh bình thường, tự do làm ăn, tìm cách phòng chống, coi đó bệnh có thể phòng được, chữa được cũng có ý nghĩa” – chuyên gia này phân tích.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong công tác phòng chống dịch tới đây Hà Nội nên cho F0 không có triệu chứng được cách ly tại nhà. F1 cho ở nhà hoặc cho đi làm việc.

“F1 âm tính đi làm việc bình thường và có hướng dẫn các biện pháp nâng cao” – vị này nói và cho rằng “Hà Nội phải tăng cường về y tế cơ sở, phối hợp giám sát các F0 tại nhà. Để hỗ trợ điều trị, các bệnh viện tăng cường cơ sở đề phòng khi bệnh bùng phát nhiều ca nặng. Các bệnh viện giải quyết hậu cần sẵn sàng để sử dụng khi cần”.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/pgsnguyen-huy-nga-ha-noi-nen-cho-f0-khong-trieu-chung-cach-ly-tai-nha-post166144.html