PGS. Nguyễn Minh Hòa: Kích cầu tiêu dùng từ 'túi tiền' của người dân
Việt Nam kỳ vọng GDP năm 2023 sẽ đạt 6% và để đạt được mức tăng trưởng này, Chính phủ đặt trọng tâm vào 3 lĩnh vực là xuất khẩu, dịch vụ và tiêu dùng.
Nhiều mặt bằng ở các tuyến đường trung tâm TPHCM vẫn bị bỏ trống.
Xuất khẩu năm nay có nhiều điểm sáng, nhất là xuất khẩu nông - thủy sản, du lịch có thể đạt được 13 triệu du khách nước ngoài, nhưng tiêu dùng thì không có sự biến chuyển mạnh mẽ nào đáng kể.
1. Tiêu dùng là khâu cuối của chuỗi: sản xuất-phân phối-tiêu dùng. Một khi tiêu dùng sút giảm hay ngưng trệ thì sản xuất đình đốn, hàng hóa tồn kho, công nhân mất việc, nghèo đói gia tăng. Tuy nhiên, do hậu quả của dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam chịu sự tác động nghiêm trọng. Và tâm lý e dè phòng ngừa rủi ro lan rộng, người dân tiết kiệm chi tiêu, chỉ chi tiêu vừa đủ cho thực phẩm, chữa bệnh.
Tôi xin lấy lại ý của bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty nghiên cứu thị trường Kantar WorldPanel Việt Nam: “GDP tăng trưởng, nhưng tâm lý bi quan vẫn còn khi lo lắng về thu nhập, chi phí và việc làm tăng nhanh. 3 điều này ảnh hưởng đến mức độ chi tiêu của người tiêu dùng”.
TPHCM chưa lấy lại được sức sống sôi động như trước 2019, có đến 30-40% các dãy phố thương mại đóng cửa, kể cả khu vực 930 ha được coi là “cái kiềng bạc trên cổ mệnh phụ”, là khu vực sầm uất nhất với các con đường nổi danh như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn… nay cũng đìu hiu.
Trong những ngày đầu tháng 10 này, người viết bài này đã đến 4 trung tâm điện máy lớn nhất thành phố, và ba trong số đó thấy có mỗi một mình lên xuống, còn một trung tâm lác đác có vài khách hàng ít hơn nhân viên phục vụ. Làm thế nào để cho người dân có được tâm lý vui hơn, các con đường mua sắm sôi động trở lại… phụ thuộc rất nhiều vào những động thái từ nhà nước.
2. Để tạo ra tâm lý tiêu dùng, Chính phủ Thái Lan đã ban hành các chính sách đột phá được coi như là cú đẩy khởi động (depart) cho toàn bộ xã hội Thái Lan chuyển động, thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, ngưng đọng.
Chính sách đáng nể nhất là vào ngày 11-9, tức là chỉ sau 20 ngày nhậm chức ( 22- 8-2023), tân Thủ tướng Srettha Thavisin đã công bố chương trình sẽ phát trực tiếp 560 tỷ baht (16 tỷ USD) vào ví điện tử cho người Thái Lan để kích thích tiêu dùng. Theo quyết định này, mỗi công dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên sẽ nhận được 10.000 baht (hơn 280 USD, tương đương 7 triệu đồng Việt Nam) qua ví điện tử để chi tiêu cho những hàng hóa, dịch vụ. Tổng số tiền 560 tỷ baht sẽ được chi trong 6 tháng, và được thi hành ngay trong tháng 9.
Đây là một trong những chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế trì trệ, được Thủ tướng Srettha coi đó là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Theo ông, kế hoạch sẽ được đảm bảo để phân phối dòng tiền đồng đều trên tất cả các lĩnh vực, kỳ vọng đóng vai trò kích hoạt, đánh thức nền kinh tế Thái Lan, và ông dự báo có cơ sở là nền kinh tế Thái Lan sẽ thu lợi nhiều gấp 4 lần so với số tiền 16 tỷ USD phát không cho người dân.
Chưa dừng ở đó, đầu tháng 10, Chính phủ và các Hiệp hội sản xuất tiêu dùng Thái Lan, đã có một quyết định cực kỳ mạnh mẽ là đồng loạt giảm giá hàng hóa từ nay cho đến hết tháng 12 để cho dân được thả ga mua sắm. Cụ thể, có 288 nhà điều hành doanh nghiệp, bao gồm 88 nhà sản xuất thực phẩm và nhu yếu phẩm, cùng 83 chuỗi cửa hàng bách hóa và nhà bán lẻ lớn, đã đồng ý hỗ trợ biện pháp giảm giá hơn 151.000 hàng hóa và dịch vụ từ nay đến cuối năm. Các sản phẩm giảm giá này chia ra làm 2 lĩnh vực là hàng hóa và dịch vụ.
Đối với hàng hóa được phân thành 3 nhóm. Nhóm 1 là thực phẩm và đồ uống, bao gồm thực phẩm chế biến, gạo, gia vị và đồ uống. Tổng cộng hơn 3.000 mặt hàng, giảm giá tối đa 87%. Nhóm 2 là các mặt hàng thiết yếu như nhu yếu phẩm hàng ngày, thiết bị điện, trang trí nhà cửa, dụng cụ, thuốc men và vật tư y tế, tổng cộng hơn 8.000 mặt hàng, giảm giá tối đa 80%. Nhóm còn lại là vật tư nông nghiệp như phân bón, hóa chất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, với tổng cộng 198 mặt hàng, giảm giá tối đa 40%.
Về dịch vụ, các dịch vụ giảm giá cũng được chia thành 3 nhóm. 140.000 dịch vụ y tế sẽ giảm giá tối đa 20%. 123 dịch vụ bảo dưỡng phương tiện sẽ giảm giá tối đa 50%. 7 dịch vụ hậu cần sẽ giảm giá tối đa 69%. Việc giảm giá này sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp, nhưng tất cả các nhà sản xuất và doanh nghiệp đều đồng lòng thực hiện, bởi họ tin là chính sách sẽ có tác dụng rộng khắp, mang lại lợi ích cho tất cả, từ người tiêu dùng cho tới doanh nghiệp.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết, việc giảm giá các mặt hàng tiêu dùng sẽ kích thích chi tiêu tạo ra hiệu ứng phát triển, và kích thích nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng ít nhất là 5%. Cần nói thêm là so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là nước có tốc độ và quy mô phục hồi kinh tế nhanh nhất, bằng chứng là 6 tháng đầu năm 2023 họ đã đón được 13 triệu khách du lịch nước ngoài.
3. Thực ra Nhà nước Việt Nam cũng tiến hành một số chính sách kích thích kinh tế tăng trưởng, chẳng hạn từ 1-7-2023 đến hết năm 2023, giảm thuế GTGT 2% (từ 10% xuống 8%). Chính sách này kỳ vọng sẽ hỗ trợ giảm thuế khoảng 44.000 tỷ đồng, đồng thời hỗ trợ kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất và kinh doanh, nhằm đưa nền kinh tế đất nước sớm hồi phục và đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước.
Cùng với đó, Chính phủ ban hành gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội triển khai đến năm 2030. Tuy nhiên việc giảm 2% thuế VAT và gói 120.000 tỷ đồng ít tác động trực tiếp tới mỗi người dân trong vai trò người tiêu dùng.
Có thể do quan điểm phát triển khác nhau, nên mỗi quốc gia có những đường lối và phản ứng chính sách khác nhau. Nếu Thái Lan, Malaysia và các nước châu Âu có chủ trương kích thích tiêu dùng bằng cách bỏ tiền vào ví từng người dân từ 16 tuổi trở lên hoặc giảm giá đáng kể hàng hóa (không giảm tượng trưng hay giảm sau khi tăng), thì Việt Nam tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các chính sách tăng trưởng vĩ mô để nhờ đó người dân hưởng lợi theo kiểu “nước lên, thuyền lên”.
Cho dù các giải pháp mang tầm vĩ mô hay vi mô, ngắn hạn hay dài hạn, thì việc làm cho hoạt động kinh tế và đời sống xã hội sôi động trở lại vẫn là một mối quan tâm cần thiết, bởi bối cảnh kinh tế ảm đạm thì người dân khó vui cho nổi, nói như Nguyễn Du: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
PGS. NGUYỄN MINH HÒA