PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Những giá trị văn hóa hôm nay là thành quả từ mồ hôi và nước mắt của thế hệ cha ông
Một sáng Hà Nội nhân dịp đầu năm 2025, trong không gian ấm cúng của trụ sở làm việc tại Văn phòng Quốc hội, ekip phóng viên Báo Công Thương đã có dịp gặp gỡ và lắng nghe những tâm huyết của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội về bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa hiện nay. Cuộc trò chuyện đã mở ra những góc nhìn đầy ý nghĩa về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ nền tảng tinh thần trước làn sóng hội nhập toàn cầu.
Với giọng nói trầm ấm và đầy nội lực, PGS.TS Bùi Hoài Sơn mở đầu câu chuyện bằng một nhận định sắc sảo: “Nếu như kinh tế là cơ thể thì văn hóa chính là linh hồn. Một dân tộc có thể mạnh về kinh tế, nhưng nếu đánh mất bản sắc văn hóa thì chẳng khác gì một cái cây bị bật rễ”.
Đặc biệt, khi đất nước chúng ta đang mở rộng cánh cửa để hội nhập mạnh mẽ với toàn cầu, vấn đề giữ gìn bản sắc càng trở nên cấp thiết. Trên nhiều diễn đàn, những nhà quản lý, chuyên gia văn hóa đặc biệt lưu ý cụm từ “xâm lăng văn hóa”. Nhận diện việc “xâm lăng văn hóa”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: “Chúng ta biết xâm lăng văn hóa rất nghiêm trọng, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với tất cả mọi dân tộc ở trên thế giới. Đặc biệt trong quá trình toàn cầu hóa, quá trình mà chúng ta hay nói về kinh tế có cá lớn nuốt cá bé, cá nhanh nuốt cá chậm. Trong lĩnh vực văn hóa cũng tương tự như thế. Chính vì lo ngại về quá trình toàn cầu hóa này khiến cho tất cả các quốc gia trên thế giới đều chú ý, quan tâm, bảo vệ bản sắc văn hóa của mình.
Bản thân UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc cũng thấy lo ngại về điều này. Chính vì thế, năm 2005, UNESCO ban hành công ước về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Trong đó nhấn mạnh vai trò của việc gìn giữ các biểu đạt đa dạng của văn hóa, cũng như việc coi trọng gìn giữ các đa dạng của tự nhiên để đa dạng văn hóa, tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa của các quốc gia. Toàn cầu hóa là một quá trình tất yếu, tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa có những hệ lụy bên cạnh các yếu tố tích cực. Hệ lụy đó cho thấy một số các quốc gia có quyền lực về kinh tế, chính trị hay văn hóa đang áp đặt suy nghĩ của mình, văn hóa của mình lên các quốc gia khác.
Mỗi khi xem truyền hình, nghe đài, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội, chúng ta thấy tràn ngập những hình ảnh văn hóa, nghệ thuật nước ngoài như âm nhạc, điện ảnh, truyện, nhiều thứ khác... Rõ ràng chúng ta thấy có hiện tượng nhập siêu văn hóa, không chỉ là nhập siêu về kinh tế. Khi chúng ta xem các loại hình văn hóa nghệ thuật nước ngoài sẽ phần nào ảnh hưởng đến tư tưởng, suy nghĩ, thói quen, và cả định hướng giá trị. Tất nhiên không phải tất cả những điều này đều không tốt, vì có rất nhiều những tinh hoa văn hóa và tinh hoa nghệ thuật thế giới mà chúng ta cũng cần phải phát huy, tiếp thu, để cho chúng ta làm giàu hơn những giá trị văn hóa của chính mình”.
Ông trăn trở về những nguy cơ đang âm thầm xâm lấn các giá trị truyền thống. “Chúng ta không sợ hội nhập, nhưng sợ sự hòa tan,” ông nói và nhấn mạnh: “Và để chống lại sự hòa tan ấy, thế hệ trẻ cần hiểu rằng những giá trị văn hóa mà họ được thừa hưởng hôm nay là thành quả từ biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của cha ông”.
Trong suốt cuộc trò chuyện, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhiều lần nhắc đến tầm quan trọng của việc giáo dục văn hóa. Theo ông, để thế hệ trẻ thêm yêu quê hương đất nước, phải bắt đầu từ những câu chuyện về cội nguồn. “Hãy kể cho con trẻ nghe về những ngày ông cha mình dựng nước và giữ nước, về ý nghĩa của từng lễ hội, từng phong tục. Đó là cách chúng ta truyền lửa cho tương lai”, ông nhắn nhủ.
Câu chuyện trở nên gần gũi hơn khi chúng tôi nhắc đến Tết Nguyên đán – một trong những nét đẹp văn hóa thiêng liêng nhất của người Việt. Với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Tết không chỉ là dịp đoàn tụ mà còn là bài học sống động về lòng biết ơn và trách nhiệm gìn giữ giá trị truyền thống.
“Tôi nhớ những ngày bé, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng, nghe cha kể chuyện về thời chiến tranh”, ông hồi tưởng. “Những câu chuyện ấy không chỉ là ký ức, mà còn là động lực để tôi luôn trân quý và bảo vệ những gì thuộc về dân tộc sau biết bao nhiêu hy sinh và mất mát của thế hệ cha ông. Sự hy sinh ấy lớn lao và vô giá lắm, không có gì có thể đếm kể được...”
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh rằng, trong thời đại công nghệ số ngày càng phát triển, việc giữ gìn những phong tục truyền thống ngày Tết như gói bánh, hay lì xì đầu năm càng trở nên quan trọng. “Đừng để Tết chỉ còn là những ngày nghỉ dài. Hãy để nó tiếp tục là ngọn lửa kết nối các thế hệ, là kho báu của lòng yêu nước,” ông xúc động trong từng lời chia sẻ.
Ông tiếp tục chia sẻ thêm: “Nghị quyết Trung ương V khóa VIII, năm 1998 đã đề xướng quan điểm phát triển văn hóa là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Có nghĩa chúng ta sẽ tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới trên nền tảng văn hóa dân tộc. Tuy vậy không phải tất cả đều là màu hồng, đều là những yếu tố tích cực. Khi chúng ta tiêu thụ văn hóa của nước ngoài quá nhiều, đặc biệt là những văn hóa không phù hợp với các giá trị định hướng, nó khiến chúng ta lệch hướng trong suy nghĩ, trong hành động, trong tư duy và trong rất nhiều yếu tố khác. Và đặc biệt chúng ta có thể sẽ lãng quên những giá trị văn hóa của dân tộc khi vọng ngoại, theo đuổi những giá trị văn hóa của nước ngoài. Quá trình “xâm lăng văn hóa” đó, khiến cho chúng ta bị lung lay, thậm chí đánh mất chủ quyền văn hóa của quốc gia".
Ông nói thêm: “Vậy nên, Tết cổ truyền hàng năm chính là một trong những thời gian, thời điểm quý báu để chúng ta thêm một lần nhắc nhớ, lan tỏa và tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Trong ánh sáng dịu dàng của tiết trời mùa xuân, âm giọng PGS.TS bỗng trở nên mạnh mẽ hơn khi đề cập đến những thách thức và những âm mưu khó lường từ các thế lực thù địch. Ông không giấu nổi sự lo lắng khi nói về những âm mưu lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, hay bôi nhọ các giá trị văn hóa truyền thống. “Đây không chỉ là cuộc chiến bảo vệ văn hóa mà còn là cuộc chiến giữ gìn niềm tin và sự tự tôn, tự hào và tự chủ dân tộc”, ông nhấn mạnh.
Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đặc biệt đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc định hướng dư luận và lan tỏa những giá trị tích cực. “Báo chí chính là cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những giá trị văn hóa truyền thống và nhịp sống hiện đại. Các bạn với vai trò nhiệm vụ là báo chí, tuyên truyền chính là những người gắn kết, hun đúc tinh thần yêu nước trong lòng mỗi người dân, mỗi độc giả. Báo Công Thương không chỉ với vai trò là cầu nối phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là cánh tay nối dài để lan tỏa và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống đến mỗi độc giả và người xem. Vai trò ấy vừa là trọng trách, vừa là sứ mệnh, vừa là niềm tự hào”, ông khích lệ.
Khi cuộc trò chuyện dần khép lại, PGS.TS Bùi Hoài Sơn gửi gắm một thông điệp đầy cảm xúc: “Thế hệ chúng ta có trách nhiệm gìn giữ những giá trị mà cha ông để lại, nhưng thế hệ trẻ mới chính là tương lai, là lớp kế cận kế thừa và phát huy văn hóa dân tộc. Tôi mong các bạn trẻ hãy tự hào về những gì mình đang thừa hưởng, học tập và cống hiến để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh nhưng không đánh mất đi bản sắc vốn có”.
“Đặc biệt, trong bối cảnh kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, cần đẩy mạnh tuyên truyền để thế hệ trẻ hiểu rõ về cội nguồn, sự ra đời và phát triển của Đảng cũng như đất nước. Việc này không chỉ giúp thế hệ trẻ Việt Nam tự hào về truyền thống mà còn tạo động lực cho họ đóng góp vào sự phát triển bền vững của quốc gia trong kỷ nguyên mới”./.
Thanh Thảo
Đồ họa: Hồng Thịnh
Thanh Thảo - Hồng Thịnh