Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: 'Sợi chỉ đỏ' xuyên suốt nhiều thế hệ

Một mùa Xuân mới lại về, hòa trong không khí phấn khởi vui đón Tết cổ truyền còn là những ngày vui của dân tộc hân hoan kỷ niệm ngày Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Năm nay, Đảng ta thêm một tuổi mới, tròn 95 tuổi - một chặng đường vinh quang dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. Kiêu hãnh và tự hào với những mốc son chói lọi mang ý nghĩa lịch sử to lớn của Đảng, những người con dũng cảm trong thời chiến hay cả những thế hệ được sinh ra và trưởng thành trong thời bình vẫn luôn son sắt, giữ trọn niềm tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên của đất nước…

ĐỎ NGỰC CHIẾN CÔNG

Đồng chí Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Bí thư Huyện ủy Lâm Hà ân cần thăm hỏi gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Hoàng Đình Kiền

Đồng chí Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Bí thư Huyện ủy Lâm Hà ân cần thăm hỏi gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Hoàng Đình Kiền

Dù năm nay đã hơn 80 tuổi, nhưng nếu ai hỏi những hồi ức về một thời chiến đấu oanh liệt của hàng vạn thanh niên, những người lính Trường Sơn năm nào thì Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Hoàng Đình Kiền (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) vẫn có thể nhớ rõ và kể lại rành rọt.

Khi 22 tuổi, ông Kiền nhập ngũ và trở thành một trong những chiến sĩ trẻ được tham gia làm nhiệm vụ “xẻ dọc Trường Sơn” để chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, mặc cho quân địch lùng sục khắp nơi, máy bay địch gầm rú suốt ngày đêm, chàng trai quê gỗ Thanh Cát, Thanh Chương, Nghệ An cùng các đồng đội vẫn mạnh mẽ tiến công tiêu diệt địch.

Suốt những năm tháng chiến đấu can trường đó, ông Kiền cùng với khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu hơn 100 trận, chỉ huy đơn vị tiêu diệt nhiều đại đội địch, diệt được hàng nghìn tên địch, bắn rơi và phá hủy nhiều vũ khí, máy bay của địch… Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, người chiến sĩ trẻ Hoàng Đình Kiền vinh dự được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân giải phóng vào ngày 23/9/1973, khi ông vừa tròn tròn 28 tuổi. Bên cạnh đó, ông được Nhà nước trao tặng 9 huân chương và nhiều giấy khen, bằng khen các loại; trong đó, có 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, 4 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba…

Đến nay, sau hơn 50 năm, vinh dự được đeo lên ngực tấm Huy hiệu 55 tuổi Đảng thiêng liêng, minh chứng cho sự kiên trung của người cộng sản, niềm hạnh phúc của ông như được nhân lên rất nhiều lần khi tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, các con, các cháu của ông đã phấn đấu học tập, công tác để vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

“Tôi hay tâm sự với các con, các cháu về tuyền thống cách mạng của gia đình và không được quên những hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước. Trân trọng điều đó, các con luôn khắc ghi, lấy đó làm “kim chỉ nam” cho mọi hành động để có thể trở thành niềm tự hào của gia đình. Hiện, gia đình có 5 người con, bao gồm con gái và con rể đều là đảng viên”, ông Kiền tự hào nói.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Bí thư Huyện ủy Lâm Hà khẳng định: “Những gia đình đảng viên nhiều thế hệ như gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Hoàng Đình Kiền hay những gia đình của Mẹ Việt Nam anh hùng, các đảng viên lão thành cách mạng luôn là những tấm gương sáng, là điểm tựa để con, cháu và người dân địa phương tin vào Đảng, Nhà nước. Đây là những gia đình có truyền thống cách mạng, có uy tín trong Nhân dân, luôn sống mẫu mực, đi đầu trong các phong trào, nhất là xây dựng thiết chế văn hóa, nông thôn mới, luôn làm sâu sắc thêm tình làng nghĩa xóm, được bà con tín nhiệm cao”.

LỚP LỚP THANH NIÊN LÊN ĐƯỜNG NHẬP NGŨ

Ông Phạm Khắc Trọng say sưa kể về những ngày tháng chiến đấu trên chiến trường

Ông Phạm Khắc Trọng say sưa kể về những ngày tháng chiến đấu trên chiến trường

Giữa tiết trời ấm áp xuân sang, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Phạm Khắc Trọng, đảng viên đang sinh hoạt tại Đảng bộ xã Tân Hà (huyện Lâm Hà). Ở cái tuổi 84, ông Trọng vẫn còn rất minh mẫn để kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện kỳ thú trong suốt quá trình chiến đấu, trưởng thành vì sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của mình.

Ông Trọng kể, năm 18 tuổi, với lòng yêu nước nồng nàn cùng ước nguyện được cống hiến sức trẻ, ngay tại quê nhà tỉnh Nam Định, ông đã xung phong nhập ngũ để được lên đường bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng, thuở ấy, sức khỏe và thân hình nhỏ bé chỉ vọn vẹn 41 kg nên ông không đủ điều kiện tham gia. Không vội nản lòng, chỉ một năm sau đó, bằng sự nỗ lực và kiên trì rèn luyện sức khỏe và chú trọng ăn uống, ông tăng được 3 kg, đủ điều kiện để gia nhập vào Sư đoàn Pháo Phòng không 367. Đến năm 1962, ở cái thời “bom rơi, lửa đạn”, ông vinh dự là một trong những chiến sĩ trẻ, ưu tú được đứng trong hàng ngũ Ðảng.

Suốt nhiều năm ở chiến trường, ông đã tham gia bảo vệ vùng trời Thủ đô Hà Nội và các vùng trọng yếu; vận chuyển chiến lược trên địa bàn Khu Bốn, tuyến hành lang đường Hồ Chí Minh... Trong kháng chiến chống Mỹ, ông cùng đồng đội tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu được nhiều vũ khí, khí tài của địch về phục vụ cho quân đội ta. Nhiều trận đánh ở trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng chưa bao giờ làm ông lung lay ý chí. Với những thành tích và lòng dũng cảm, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ.

Trở về cuộc sống đời thường, với trách nhiệm của một người lính Cụ Hồ, một đảng viên, ông Trọng rời quê hương di cư vào huyện Lâm Hà sinh sống để cùng Nhân dân xây dựng vùng kinh tế mới. Nơi quê hương thứ hai, ông giữ vai trò “đầu tàu” tham gia công tác ở thôn, xã hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Đồng thời, vận động, làm tốt công tác tư tưởng giúp người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Nhờ vậy, đời sống tinh thần, vật chất của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao.

Trải qua những năm tháng gian khổ, ác liệt của chiến tranh lẫn những vất vả, khó khăn trong công cuộc xây dựng đất nước của những ngày đầu hòa bình, giờ đây, dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn luôn kiên định lập trường tư tưởng, nêu cao tinh thần đoàn kết trong tổ chức Đảng. Ông tâm sự: “Những lần nhận Huy hiệu 30, 40, 50 và vừa rồi là 60 năm tuổi Đảng là mỗi cột mốc ghi đậm dấu ấn linh thiêng được tôi trân quý, bởi nó đánh dấu quá trình trưởng thành, nỗ lực cống hiến của bản thân mình cho đất nước. Cho đến nay, tôi vẫn luôn giữ tinh thần ấy bằng việc giáo dục con cháu, vận động người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ pháp luật của Nhà nước…”

TỰ HÀO VIẾT TIẾP TRANG SỬ HÀO HÙNG

Cô Trần Lệ Quyên (thứ 5 từ phải sang) vinh dự đón nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng

Cô Trần Lệ Quyên (thứ 5 từ phải sang) vinh dự đón nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng

Có một đảng viên điển hình về nêu gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đó là cô Trần Lệ Quyên, người con quê hương Hà Nội đã nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước đi xây dựng vùng kinh tế mới ở huyện Lâm Hà vào năm 1985 với trọng trách là một giáo viên trẻ đam mê, nhiệt huyết với trách nhiệm "vì đàn em thân yêu".

Đến nay, sau nhiều năm cống hiến, làm việc với nhiều ý tưởng, sáng tạo, cô Quyên được nghỉ hưu vào năm 2019. Nhưng với tinh thần nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, cô Quyên tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, góp sức lực, góp trí tuệ của mình vào các phong trào tập thể tại địa phương. Nhờ vào sự tận tâm, tận tụy và luôn hết mình đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương, xây dựng Đảng, cô Quyên được bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Lâm Hà nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Vinh dự và tự hào khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 5/12/1994 tại Chi bộ Từ Liêm, thuộc Đảng bộ thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tròn 30 năm sau, tức ngày 5/12/2024, cô Trần Lệ Quyên được Chi bộ Tổ dân phố Từ Liêm 1, nơi cô được kết nạp Đảng cũng lại chính là nơi thông báo cho cô làm thủ tục trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Bước sang tuổi 61, với 30 năm tuổi Đảng, cô Quyên vẫn luôn kiên định với lí tưởng của bản thân, đó là “vào Đảng là để cống hiến, là để hy sinh, muốn như thế, thì người đảng viên phải luôn nêu gương, đi đầu về mọi mặt, cả tư tưởng chính trị lẫn đạo đức, lối sống…”

Chia sẻ những cảm xúc chân thành nhất trong ngày được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, cô Quyên xúc động nói: “30 năm, đã có rất nhiều lần tôi được nghe bản nhạc Quốc tế ca, mỗi lần như thế, trong lòng tôi lại trào dâng xúc động, tự hào xen lẫn trách nhiệm và muốn làm ngay một việc gì đó, muốn đóng góp thật nhiều cho quê hương, cho đất nước, tôi tự nhủ lòng phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh mất mát của thế hệ cha anh đi trước. Bản thân tôi đã nhiều lần vui mừng, phấn khởi khi được đứng trên bục danh dự nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp… Song, được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thì cảm xúc vui sướng, tự hào, trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân trong tôi như được nhân lên gấp bội. Bản thân là một người cán bộ, tôi nguyện tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện và luôn nỗ lực học tập để ra sức cống hiến, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để tiếp tục được phụng sự Tổ quốc và phục vụ Nhân dân…”

Chiến tranh đã đi xa, âm thanh của bom đạn cũng đã lùi vào quá khứ, nhưng kí ức về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt, hào hùng của quân và dân ta vẫn luôn vẹn nguyên và in đậm. Đây chính là những bài học lịch sử giá trị nhất và là di sản vô giá cho thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục quyết tâm nỗ lực học tập, rèn đức luyện tài, thực hiện lý tưởng sống đẹp, có khát vọng cống hiến để xứng đáng trở thành đội ngũ kế thừa xây dựng một nước Việt Nam "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

HƯƠNG LY - THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202502/ky-niem-95-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-soi-chi-do-xuyen-suot-nhieu-the-he-c914145/