PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Nếu coi bằng cấp là 'giấy thông hành' duy nhất sẽ có nguy cơ cho sự giả dối

Nếu tiếp cận bởi thành tích, coi bằng cấp, thứ hạng là 'giấy thông hành' duy nhất để người học phấn đấu thì sẽ có nguy cơ cho sự dối trá sinh sôi, nảy nở.

Chuyên gia giáo dục, PGS.TS. Chu Cẩm Thơ nêu quan điểm, nếu coi bằng cấp, thứ hạng là 'giấy thông hành' duy nhất để người học phấn đấu sẽ có nguy cơ cho sự dối trá.

Chuyên gia giáo dục, PGS.TS. Chu Cẩm Thơ nêu quan điểm, nếu coi bằng cấp, thứ hạng là 'giấy thông hành' duy nhất để người học phấn đấu sẽ có nguy cơ cho sự dối trá.

Cụm từ “bệnh thành tích”, “ngồi nhầm lớp” được nhắc đến khá nhiều trên các diễn đàn giáo dục. Mới đây, “học thật, thi thật, nhân tài thật” là bài toán mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra cho Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT). Báo Thế giới & Việt Nam có cuộc trao đổi với Chuyên gia giáo dục, PGS. TS Chu Cẩm Thơ về vấn đề này.

Thưa bà, điều kiện để quá trình dạy thật, học thật là gì? Có những nguyên nhân nào đang cản trở việc học thật trong nhà trường?

Xét trên bất kỳ góc độ nào thì giáo dục luôn đòi hỏi giá trị thật, chất lượng thật. Trong một phạm vi hẹp, người dạy - người học đều cảm nhận được, tự đo lường được cái “thật” này.

Tuy nhiên, ở phạm vi rộng, nhất là phạm vi quốc gia, tệ nạn “học không thật” có thể xảy ra, thực tế nó đã xảy ra không chỉ ở Việt Nam. Nếu tiếp cận bởi thành tích, coi bằng cấp, thứ hạng là “giấy thông hành” duy nhất để người học phấn đấu thì sẽ có nguy cơ cho sự dối trá sinh sôi, nảy nở.

Chúng ta biết rằng, theo thời gian, sự thực về năng lực sẽ được bày tỏ. Cho nên, nếu có được thành tích, có bằng cấp mà không “thật” thì sớm muộn cá nhân, tổ chức đó cũng bị đào thải.

Hơn nữa, cuộc sống luôn cần năng lực thực, vẫn luôn có chỗ cho những ai có năng lực nhưng có thể chưa có bằng cấp, thành tích tương xứng. Chưa kể đến, thành tích hay bằng cấp chỉ mang tính thời điểm, không phải giá trị vĩnh viễn.

Câu hỏi đặt ra, điều kiện để quá trình dạy thật, học thật là gì? Theo tôi, về phía người học, chắc chắn họ cần có sự chủ động, tích cực để xác định rõ mục đích học tập của bản thân. Nếu thiếu động lực học tập, chắc chắn họ sẽ bị bối rối, dẫn đến lạc đường. Như vậy, họ khó có thể “học thật” được.

Vậy làm sao để giảm bớt tình trạng học thụ động, học không có mục đích, “học hộ”, học dựa dẫm vào người khác? Không có phương pháp học hiệu quả là một vấn đề cho mỗi người, mỗi gia đình và cả xã hội.

Tôi cho rằng cần nhận thức đầy đủ việc “dạy cách học”, coi trọng “học phù hợp với năng lực”. Hiện tượng trẻ em phải học quá sức của mình để đáp ứng thi cử cũng gây ra tác động không nhỏ đến các em.

Còn đối với người dạy, để “dạy thật” được, họ cần có năng lực đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Đó không chỉ là bằng cấp chứng minh cho quá trình đào tạo, mà còn ở động cơ, ý thức làm nghề.

Nghề nào cũng vậy, đòi hỏi người làm nghề phải trau dồi và thực hành đạo đức nghề nghiệp. Nghề dạy học đòi hỏi người dạy là tấm gương cho việc học, học để nâng cao tầm nhìn, để trau dồi chuyên môn và để truyền cảm hứng cho học trò. Do vậy, nếu không tạo động lực để giáo viên không ngừng tiến bộ, đáp ứng yêu cầu sẽ rất khó có “dạy thật”.

Ở góc độ quản lý, rõ ràng trên phạm vi một tổ chức, một địa phương, một quốc gia, chúng ta phải quản lý bằng “chất lượng” và quá trình đảm bảo chất lượng đó được thực thi. Tôi xin bình luận nhiều hơn về điều này. Hiện nay, đầu tư cho các điều kiện để thực thi giáo dục và đảm bảo chất lượng giáo dục ở các địa phương còn chưa đồng đều.

Cả nhân lực, cơ sở vật chất, nguồn lực phối hợp với cơ sở giáo dục cũng chưa thực sự được chú trọng để đảm bảo trên diện rộng. Cụ thể, các chính sách thu hút, sử dụng và tái phát triển nguồn nhân lực chưa thực sự khuyến khích được người lao động có chất lượng vào ngành giáo dục.

Hiện tượng trẻ em phải học quá sức của mình để đáp ứng thi cử cũng gây ra tác động không nhỏ đến các em. (Nguồn: VOV)

Hiện tượng trẻ em phải học quá sức của mình để đáp ứng thi cử cũng gây ra tác động không nhỏ đến các em. (Nguồn: VOV)

Thêm nữa, cơ sở vật chất cho việc dạy thật (dạy đầy đủ nội dung, phương pháp…) còn nghèo nàn, chính sách đầu tư cho mũi nhọn cũng tạo ra khoảng cách lớn về chất lượng, cho bệnh thành tích phát triển. Mới đây, khi bình luận về thể chế, chính sách giáo dục, chúng tôi cũng cho rằng đây là một thực tế khiến cho việc dạy không thật, học không thật xảy ra.

Như vậy, tôi cho rằng, muốn có học thật, dạy thật đầu tiên Nhà nước và các địa phương phải thực thi đầu tư các điều kiện đảm bảo cho việc dạy, việc học (điều này đã được quy định rất rõ trong các văn bản chính sách về triển khai giáo dục và đào tạo).

Đồng thời, việc coi trọng thành tích mà không thực sự quan tâm quá trình tạo ra thành tích, chất lượng sẽ gây ra bệnh cản trở dạy thật, học thật. Do đó, cần thay đổi tư duy quản lý dựa vào “chỉ tiêu, thành tích”; cần giám sát, quản lý dựa vào quá trình thực thi, đảm bảo chất lượng.

"Vaccine" nào để chống căn bệnh thiếu trung thực trong giáo dục, theo bà?

Tôi cho rằng, đó là động lực muốn học thật, làm thật khi tham gia vào giáo dục của mỗi người, mỗi cơ quan, tổ chức.

Làm sao để "tiêm" Vaccine cho chúng ta là một điều không dễ dàng. Bởi Vaccine này không được sản sinh từ phòng thí nghiệm, không được tiêm như bình thường.

Nó được sinh ra từ sự nhận thức về giá trị của giáo dục, ảnh hưởng của giáo dục đến mỗi người, đến xã hội cả hiện tại và tương lai. Do đó, cần một quá trình vận động lẫn nhau, tự giác của mỗi người.

Tất nhiên, trước hết vai trò của Nhà nước, của cơ quan quản lý rất quan trọng. Cùng với đó, cần thực sự đảm bảo được các điều kiện dạy và học, thực thi quản lý dựa trên chất lượng, minh bạch, phối hợp được các nguồn lực xã hội.

Để có được nhân tài thật phải bắt đầu từ việc học thật, thi thật. Tuy nhiên, thực tế có không ít bạn trẻ đang học vì điểm số, vì thành tích, theo đánh giá của xã hội. Theo bà, cần làm một "cuộc cách mạng" thế nào để giáo dục có một bộ mặt mới và tạo ra những con người tử tế?

Tôi nghĩ chúng ta đừng chờ đợi việc đó, không có cuộc cách mạng nào đâu. Chúng ta phải hành động bắt đầu từ động lực của mỗi người, nâng cao hiểu biết, để thực sự hiểu rằng: muốn có năng lực đòi hỏi chúng ta phải học thật, học đúng cách để rèn luyện kỹ năng, nâng cao hiểu biết, học để làm được việc, chứ không phải học để ứng thí.

Nhưng tôi có cảm nhận, "cuộc cách mạng" mà chúng ta có thể chờ mong lại đang diễn ra, đó là sự thay đổi thế giới nhờ cuộc cách mạng công nghệ.

Nghĩa là, các cơ hội vào đời, cơ hội thành công đang mở rộng, nó bình đẳng với tất cả mọi người, cho những người có năng lực, có khát vọng và thực sự làm việc. Cho nên, nếu ai đó chỉ học vì điểm, vì thành tích chắc sẽ sớm nhận được sự thật phũ phàng: điều đó chưa đủ để thành công, để hạnh phúc trong cuộc sống.

Chưa nói đến, mục đích học và cách học rất ảnh hưởng đến nhân cách, lối sống của mỗi người. Chúng ta có thể mất đi cơ hội để rèn sức khỏe, mở mang tầm nhìn, nuôi dưỡng mối quan hệ với người thân, với xã hội, tốn kém thời gian, tiền bạc… khi chỉ tập trung vào học để có điểm cao, để đoạt giải thưởng lớn.

Xin cảm ơn bà!

Nguyệt Anh

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/pgsts-chu-cam-tho-neu-coi-bang-cap-la-giay-thong-hanh-duy-nhat-se-co-nguy-co-cho-su-gia-doi-146833.html