PGS.TS Đặng Văn Đông: Nhà khoa học của những giống hoa tiền tỷ

PGS.TS Đặng Văn Đông chia sẻ, ông chọn học nông nghiệp với mong muốn để cuộc sống người nông dân đỡ khổ. Đến giờ, ông hạnh phúc vì đã thực hiện được phần nào mong ước đó.

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Trưởng Ban hoa, cây cảnh, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam chia sẻ, cảm xúc của ông “rất khó tả” khi được tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024.

“Tôi ở cái tuổi không còn trẻ, nhưng cũng chưa đạt đến tầm “đại thụ” như nhiều nhà khoa học. Được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chọn trong số nhiều nhà khoa học để vinh danh, đây là một niềm xúc động rất lớn đối với tôi. Từ danh hiệu này, tôi cũng sẽ phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa”, PGS.TS Đặng Văn Đông chia sẻ.

 PGS.TS Đặng Văn Đông trong chuyến công tác chuyển giao kỹ thuật trồng sen ở quê Bác (Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: NVCC.

PGS.TS Đặng Văn Đông trong chuyến công tác chuyển giao kỹ thuật trồng sen ở quê Bác (Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: NVCC.

Người đầu tiên gây dựng ngành nghiên cứu hoa, cây cảnh ở Việt Nam

PGS.TS Đặng Văn Đông sinh năm 1966 tại Thái Bình. Năm 1993, tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, ông về công tác tại Viện Nghiên cứu rau quả từ đó đến giờ, trở thành một nhà khoa học tâm huyết, gắn bó với hoa và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực này.

Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, cơ duyên của ông đến với lĩnh vực nông nghiệp xuất phát từ bản thân ông sinh ra trong một gia đình ở nông thôn, làm nông nghiệp.

 PGS.TS Đặng Văn Đông đang nghiên cứu chọn tạo giống hoa hồng có hương thơm phục vụ chế biến tinh dầu. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Đặng Văn Đông đang nghiên cứu chọn tạo giống hoa hồng có hương thơm phục vụ chế biến tinh dầu. Ảnh: NVCC.

Từ năm 1986 – 1987, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, ông thấy cuộc sống người nông dân cơ cực quá. Ông nghĩ, nếu không có sự thay đổi về cách thức sản xuất, thì người nông dân sẽ khổ mãi. Đây cũng là lý do ông đã chọn học ĐH nông nghiệp.

Nhận thấy, các lĩnh vực khác đã có nhiều nhà khoa học theo đuổi rồi, như về cây lúa, cây ăn quả, công nghiệp… nhưng đối với hoa (đầu những năm 90), chưa có nhiều người nghiên cứu. Việc chơi hoa thời điểm đó vẫn được coi là xa xỉ.

“Lúc đó, tôi nghĩ rằng, khi đất nước phát triển, đời sống người dân được nâng lên, nhu cầu về hoa, cây cảnh cũng sẽ cao. Muốn làm giàu, phải chú ý tới lĩnh vực hoa, cây cảnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Ở thời điểm chưa có ai nghiên cứu, mà mình đi tiên phong thì hiệu quả thành công càng cao”, PGS.TS Đặng Văn Đông chia sẻ về cơ duyên đến với lĩnh vực hoa, cây cảnh.

Xác định trước, người đi đầu bao giờ cũng phải đối mặt với những gian nan, khó khăn, ông Đông tự nhủ hãy cứ thử sức vào lĩnh vực mới. Và ông đã trở thành một trong những người đầu tiên gây dựng ngành nghiên cứu hoa, cây cảnh ở Việt Nam.

Nhà khoa học của các giống hoa, cây cảnh cho tiền tỷ/tháng

Vượt qua bao khó khăn, đến nay, PGS.TS Đặng Văn Đông đã trực tiếp chủ trì và tham gia thực hiện nhiều đề tài, dự án, các hợp đồng chuyển giao công nghệ, khuyến nông với các đơn vị và các địa phương. Trong đó, chủ trì 1 đề tài và 1 dự án cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 1 dự án sản xuất hoa chất lượng cao thuộc chương trình giống quốc gia, 1 đề tài nghiên cứu mai vàng tại Hà Nội, 1 đề tài nghiên cứu cây hoa trà tại Hưng Yên, 1 dự án hợp tác quốc tế, 12 hợp đồng chuyển giao công nghệ cho các dự án tại các địa phương.

 PGS.TS Đặng Văn Đông thăm, kiểm tra thí nghiệm điều khiển hoa lan hoàng thảo ra hoa đúng dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Đặng Văn Đông thăm, kiểm tra thí nghiệm điều khiển hoa lan hoàng thảo ra hoa đúng dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: NVCC.

Các giống hoa, cây cảnh do ông và các đồng nghiệp chọn tạo đã và đang được chuyển giao cho khoảng 30 cơ sở nghiên cứu về hoa, cây cảnh, cho hơn 30 tỉnh, thành ở khắp mọi miền trên cả nước. Các mô hình chuyển giao đã cho thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/3-4 tháng.

Ông là tác giả chính của 20 giống hoa mới, và 12 quy trình kỹ thuật trồng hoa, các giống và quy trình này đều được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

 PGS.TS Đặng Văn Đông giới thiệu với đồng nghiệp về giống hoa lan hồ điệp thơm. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Đặng Văn Đông giới thiệu với đồng nghiệp về giống hoa lan hồ điệp thơm. Ảnh: NVCC.

Ông là tác giả chính của 79 bài báo khoa học, liên quan đến kết quả nghiên cứu, được đăng tải trên tạp chí Khoa học và công nghệ nông nghiệp Việt Nam. Trong đó có 4 bài đăng trên tạp chí quốc tế. Có 7 sáng kiến được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là sáng kiến cấp Bộ.

‘Nhờ có ngành nghiên cứu về hoa, cây cảnh, tiến bộ kỹ thuật mới mà hiện nay, đất nước ta mới có nhiều giống hoa mới, nâng tầm sản phẩm hoa của Việt Nam, giúp cho nhiều nơi, nhiều vùng trở nên giàu có, đúng như ước mơ ban đầu của tôi khi lựa chọn đi theo ngành này”, PGS.TS Đặng Văn Đông chia sẻ.

Mong phát triển hoa gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hóa

Chia sẻ về những trăn trở, PGS.TS Đặng Văn Đông cho hay, trước đây, ông chỉ nghĩ đến việc ngắm, chơi hoa, thì giờ ông muốn phát triển hoa theo nhiều hướng khác nhau. Chẳng hạn, có thể phát triển sản phẩm từ hoa làm thực phẩm, mang lại giá trị cao hơn. Hoặc phát triển hoa, cây cảnh gắn với du lịch, đây là hướng đi sẽ rất bền vững.

 PGS.TS Đặng Văn Đông kiểm tra mô hình nhân giống sen tại Thái Bình. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Đặng Văn Đông kiểm tra mô hình nhân giống sen tại Thái Bình. Ảnh: NVCC.

Đặc biệt, có thể phát triển hoa gắn với phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi nhiều loại hoa gắn với bản sắc văn hóa của một đất nước, một vùng miền, địa phương, tôn giáo nào đó.

Như hiện nay, mùa xuân của Việt Nam gắn với hoa đào, hoa mai. Còn hoa sen là sản phẩm gắn liền với biểu tượng của sự thanh cao… Phát triển hoa, cây cảnh gắn với văn hóa sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc rất tốt.

“Trăn trở của tôi hiện giờ là làm sao tiếp tục phát triển hoa, cây cảnh theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tạo ra nhiều giống hoa mới, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thị trường, như hoa phải bền, đẹp, độc đáo, lạ. Cùng với đó, là phát triển sản xuất theo hướng đa giá trị, gắn với du lịch và phát triển văn hóa. Đạt được điều đó thì mới thúc đẩy ngành hoa của Việt Nam phát triển và mang lại giá trị kinh tế cao hơn”, PGS.TS Đặng Văn Đông tâm sự.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/pgsts-dang-van-dong-nha-khoa-hoc-cua-nhung-giong-hoa-tien-ty-2027124.html