PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Học sinh rất cần tư duy độc lập và phẩm chất trung thực

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, giáo viên cần chuyển từ dạy nội dung sang dạy cách học, đồng nghĩa với việc tập trung rèn luyện kỹ năng học tập, tư duy độc lập và hình thành phẩm chất trung thực.

Từ năm học 2024-2025, các trường phổ thông trên toàn quốc bắt đầu thực hiện đánh giá theo yêu cầu của chương trình mới. Ngữ văn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi vào lớp 10, cũng như thi tốt nghiệp THPT, do vậy phương pháp dạy và học theo hướng mới của chương trình rất quan trọng.

Trò chuyện với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình Ngữ văn 2018, Bộ GD&ĐT, Chủ biên SGK Ngữ Văn cấp THCS, đồng Tổng Chủ biên sách Ngữ văn cấp THPT (bộ Cánh Diều) đã chia sẻ về những điểm mới trong chương trình về đánh giá năng lực, giúp học sinh có thể chuẩn bị tốt cho kỳ thi trong năm học tới.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình Ngữ văn 2018

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình Ngữ văn 2018

PV: Thưa PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, đâu là những điểm mới về đánh giá kết quả của chương trình GDPT môn Ngữ văn năm 2018 so với chương trình GDPT năm 2006?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Trong chương trình Ngữ văn 2018 có nhiều điểm thay đổi lớn, trong đó có thay đổi về đánh giá kết quả học tập của học sinh. Mục tiêu môn học đã chuyển sang phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mỹ. Vì thế, việc đánh giá cũng chuyển sang kiểm tra năng lực. Để đánh giá được một cách khách quan công bằng về năng lực Ngữ văn cần phải thông qua 4 kỹ năng giao tiếp đọc, viết, nói, nghe. Với các kì thi quan trọng như thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT năng lực cần được đánh giá qua 2 kĩ năng đọc hiểu và viết văn bản.

Điểm mới của cách đánh giá lần này là các ngữ liệu trong đề thi đều sử dụng các văn bản ngữ liệu mới, không có trong sách giáo khoa Ngữ văn. Nghĩa là các em phải đọc hiểu một văn bản mới tương tự như các văn bản đã học về thể loại, kiểu văn bản, về độ khó, đề tài, chủ đề. Cũng như vậy, học sinh phải viết một văn bản nêu lên suy nghĩ của mình về một hiện tượng đời sống và phân tích, đánh giá về một tác phẩm không có trong sách giáo khoa.

Nếu như trước đây đề thi hỏi lại các tác phẩm đã học trong sách giáo khoa, học sinh chỉ học thuộc và chép lại các nội dung thầy cô đã dạy, đã cho ghi chép... thì bây giờ các em phải độc lập suy nghĩ, tự mình trình bày các suy nghĩ của mình thành đoạn văn, bài văn. Đấy là sản phẩm của chính các em chứ không phải vay mượn từ người khác.

PV: Theo thầy, sự đổi mới này sẽ đem lại lợi ích gì cho các em học sinh trong thời đại hiện nay?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Việc đổi mới đánh giá của môn Ngữ văn sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh. Thứ nhất, phương pháp này hướng đến đánh giá kết quả học tập một cách chính xác, công bằng và khách quan dựa trên năng lực thực tế của mỗi cá nhân.

Nhờ vậy, hạn chế được tình trạng học sinh học thuộc lòng văn mẫu, sao chép ý tưởng của người khác. Điều này giúp đảm bảo tính công bằng và khách quan cho tất cả học sinh, khắc phục tình trạng những học sinh học thuộc văn mẫu lại đạt điểm cao hơn so với học sinh tự suy nghĩ, sáng tạo bài văn của chính mình.

Thứ hai, đổi mới đánh giá góp phần phát triển tư duy độc lập cho học sinh thông qua việc rèn luyện kỹ năng tự học, tự tư duy và trình bày quan điểm cá nhân. Thay vì lặp lại, sao chép ý kiến và văn phong của người khác, học sinh được khuyến khích thể hiện góc nhìn và suy nghĩ riêng, từ đó hình thành phẩm chất trung thực. Bên cạnh đó, phương pháp này tạo cơ hội cho học sinh thể hiện bản thân thông qua cách đọc hiểu văn bản, nhìn nhận và đánh giá các hiện tượng, sự việc, con người trong đời sống.

Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp đánh giá mới cũng tiềm ẩn một số khó khăn nhất định. Giáo viên có thể gặp lúng túng, thậm chí mắc sai sót trong việc ra đề thi, học sinh do chưa quen có thể gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý tưởng, dẫn đến bài viết ngắn và chưa trôi chảy. Mặc dù vậy, lợi ích lâu dài mà phương pháp mới mang lại sẽ vượt xa những khó khăn ban đầu, hứa hẹn tạo bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục môn Ngữ văn, góp phần phát triển toàn diện cho học sinh.

Học sinh rất cần được rèn kỹ năng học tập và cách phát triển tư duy độc lập. Ảnh: Trẻ em Việt Nam

Học sinh rất cần được rèn kỹ năng học tập và cách phát triển tư duy độc lập. Ảnh: Trẻ em Việt Nam

PV: Để triển khai đúng, hiệu quả mục tiêu, yêu cầu đánh giá mới, người giáo viên cần chú trọng và thay đổi phương pháp, cách thức dạy học như thế nào so với trước đây?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Nhiệm vụ của việc đổi mới, đánh giá là làm thay đổi cách giảng dạy, hướng dạy học của giáo viên và cách học của học sinh theo hướng không chạy theo khối lượng nội dung, không dạy theo cách chép văn mẫu.

Giáo viên cần chuyển từ "dạy nội dung" sang "dạy cách học", nghĩa là tập trung rèn luyện kỹ năng học tập, tư duy độc lập và vận dụng kiến thức cho học sinh thay vì chỉ truyền tải kiến thức. Vai trò của thầy cô giáo là hướng dẫn học sinh học tập một cách hiệu quả từ đọc hiểu, phân tích, đánh giá văn bản thay vì ghi nhớ máy móc. Từ đó, các em dần phát triển tư duy phản biện, khả năng lập luận, trình bày quan điểm và kỹ năng viết luận.

Mục đích của việc đổi mới là khuyến khích học sinh tự đọc hiểu văn bản, tự nghiên cứu nội dung và hình thức của một văn bản theo thể loại cụ thể. Trong quá trình học tập, các em cần chủ động khám phá, tìm hiểu và sáng tạo thay vì tiếp thu thụ động từ thầy cô giáo.

Trước một đề văn, các em cần rèn luyện cho mình quy trình 4 bước: Tìm ý, lập dàn ý, diễn đạt ý thành đoạn, thành bài văn (viết) và kiểm tra, chỉnh sửa lại bài viết. Chính vì vậy, giáo viên cần chú ý dạy cho học sinh biết cách viết đoạn/ bài nghị luận văn học, từ đó rèn luyện để viết được kiểu bài này một cách thuần thục. Bởi nhà trường sẽ đánh giá khả năng hiểu biết, tư duy, sáng tạo và kỹ năng viết luận của học sinh thay vì chỉ dựa trên kiến thức ghi nhớ. Hãy cứ mạnh dạn suy nghĩ và viết những điều mình suy nghĩ được một cách trung thực và chú ý cách diễn đạt sao cho gãy gọn, dễ hiểu, hạn chế lỗi dùng từ, chính tả, ngữ pháp.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS Đỗ Ngọc Thống!

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/pgsts-do-ngoc-thong-hoc-sinh-rat-can-tu-duy-doc-lap-va-pham-chat-trung-thuc-d4737.html