PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Cần sớm ban hành bộ tiêu chí phân loại xanh
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, chúng ta cần sớm ban hành bộ tiêu chí phân loại xanh, nhằm khơi dòng tài chính xanh, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần đầu tư bổ sung 368 tỷ USD tương đương 20 tỷ USD mỗi năm.
Bên cạnh đó, trên thế giới và khu vực, thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh đã phát triển nhanh trong những năm gần đây. Để phát huy được vai trò của Chính phủ đối với tín dụng xanh, trái phiếu xanh, một trong những công cụ quan trọng đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới chính là ban hành Danh mục phân loại xanh.
Đến nay đã có một số danh mục được xây dựng và ban hành, sửa đổi bởi EU, ASEAN, Trung Quốc, Bangladesh, Kazachstan… Việc ban hành ra Danh mục này không chỉ phát huy vai trò của Chính phủ trong kiến tạo cho thị trường mà còn khẳng định cam kết quốc gia cho việc thực hiện các mục tiêu môi trường trong phát triển bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dự nợ toàn nền kinh tế. Con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.
Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh chính là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, khi đó còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường và Danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia. Vì vậy, việc sớm ban hành quy định về tiêu chí môi trường đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường là rất cần thiết, đồng thời là cơ sở quan trọng để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính xanh đầy tiềm năng này.
Được biết, hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiến hành xây dựng bộ tiêu chí phân loại xanh của Việt Nam. Bộ tiêu chí được xây dựng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó tập trung vào năng lượng, các dòng phát thải, tiêu chí bao bì đóng gói, nhựa sử dụng trong các sản phẩm nông sản…
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường bên lề một hội thảo mới đây, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường (Bộ TN&MT), Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, chúng ta cần sớm ban hành bộ tiêu chí phân loại xanh.
Cụ thể, theo ông Chinh, hiện nay chúng ta đang thực hiện chuyển đổi xanh, nhưng chúng ta phải hiểu rõ chuyển đổi cái gì và như thế nào? Đây là chủ đề lớn, chuyển đổi thông qua các ngành nghề, lĩnh vực trong đó cái chính là phân loại sản phẩm đầu ra. Cụ thể, liên quan tới việc ưu đãi, cơ chế khác về tài chính, mặt bằng… Ai thực hiện điều này sẽ được gì? Nói tóm lại, đây là quá trình chuyển đổi từ nâu sang xanh. Các sản phẩm trước đây không đạt tiêu chí về môi trường, biến đổi khí hậu thì nay chuyển sang đạt được yêu cầu về bảo vệ môi trường, về giảm phát thải khí nhà kính. Tiêu chí chuyển đổi xanh đó sẽ đưa ra các quy định. Vậy việc có bộ tiêu chí phân loại là hết sức quan trọng đối với việc chúng ta sẽ "chia tay" những loại ngành hàng nào, sản phẩm nào chưa đạt tiêu chí về chuyển đổi xanh - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh.
Về lợi ích, theo ông Chinh, nếu chúng ta làm sớm thì sẽ rất có lợi, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu. Nếu không sẽ ảnh hưởng tới ngành hàng, có thể bị kiện, hạn chế xuất khẩu. Ví dụ tới đây từ năm 2026 có 6 nhóm hàng xuất khẩu vào EU phải theo cơ chế CBAM (Carbon Border Adjustment Mechanism là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, một công cụ chính sách để tính thuế đối với nhà nhập khẩu EU đối với lượng khí thải gắn liền với hàng hóa của họ - PV). Nếu chúng ta có đủ chứng nhận xanh thì sẽ vượt qua các rào cản về quy định. Do đó, việc phân loại các ngành hàng để đưa ra cái nào là xanh, hay nâu là rất quan trọng. Phải sớm đưa việc phân loại chuyển đổi xanh, nếu không sẽ bị thiệt hại về kinh tế, đồng thời Việt Nam đã có nhiều cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu. Do đó, phải sớm ban hành danh mục chuyển đổi xanh - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh chia sẻ.
Dòng tài chính xanh có tiêu chí là tài trợ cho sản phẩm, ngành hàng mà họ đã đạt được chứng nhận xanh. Nếu đã thuộc nhóm sản phẩm xanh thì sẽ dễ vay vốn, đó là chắc chắn. Theo ông Chinh, việc phân loại sẽ giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh theo hướng xanh. Do đó sẽ gia tăng sự cạnh tranh, không chỉ ở trong nước mà còn trên trường quốc tế.
Thông tin của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Từ năm 2019 đến tháng 6/2020, đã có khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống pháp luật tài chính xanh của Việt Nam hiện nay chưa hoàn thiện và đồng bộ; chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh. Về mặt chủ trương, các khách hàng thuộc đối tượng cấp vốn tín dụng xanh sẽ được ưu đãi về chính sách tín dụng, nhất là lãi suất nhưng trong thực tế chưa có văn bản quy định cụ thể về việc hỗ trợ ưu đãi lãi suất và thời hạn đối với khoản vay này. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin tuyên truyền và sự hiểu biết về cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh còn nhiều hạn chế.