PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương: Công nghiệp văn hóa tại Việt Nam cần vươn tầm đột phá

Ngày 24/11, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trình bày tham luận về 'Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay'. Trong tham luận, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhận định Việt Nam đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH). Tuy nhiên hiện nay, CNVH đang chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của nguồn tài nguyên văn hóa vốn rất phong phú của Việt Nam.

Chưa phát huy hết tiềm năng

Những năm qua, những thay đổi tích cực về thể chế chính sách, đặc biệt là các chính sách kinh tế trong văn hóa và khuyến khích sự tham gia của các thành phần sở hữu, sự đầu tư nguồn vốn trong và ngoài nước vào các ngành CNVH đã thúc đẩy thị trường CNVH Việt Nam có những bước tiến mới, mang lại những đóng góp nhất định vào tăng trưởng GDP của cả nước.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết: Theo một thống kê chưa đầy đủ, so với mức GDP chiếm 2,68% năm 2015, các ngành CNVH của Việt Nam ước đạt 3,42% GDP cả nước năm 2019. Sự thay đổi này cho thấy CNVH Việt Nam đang phát huy tương đối hiệu quả các thành tố sức mạnh mềm văn hóa thông qua hoạt động, dần rút ngắn khoảng cách cạnh tranh với các nền CNVH trên thế giới, góp phần gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

 Các nhà làm điện ảnh quốc tế tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V.

Các nhà làm điện ảnh quốc tế tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V.

Đơn cử, trong lĩnh vực điện ảnh, năm 2016, doanh thu khu vực DN điện ảnh đạt 1.073 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu ngành này đạt hơn 3,2 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu ngành điện ảnh đạt hơn 3,3 tỷ đồng. Số liệu 6 tháng đầu năm 2019, cho thấy, doanh thu ngành điện ảnh đạt khoảng 200 tỷ đồng.Hay trong lĩnh vực biểu diễn, doanh thu ngành cũng liên tục gia tăng. Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, năm 2018, doanh thu ngành này đạt khoảng hơn 104 tỷ đồng (doanh thu bán vé), với 2.118 buổi biểu diễn. Doanh thu năm 2018 gần gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt hơn 42,6 tỷ đồng. Cùng với đó là sự tăng trưởng về doanh thu của nhiều lĩnh vực như: Quảng cáo, du lịch. Mặc dù đổi mới về thể chế đã tạo nên sự thay đổi tích cực trong quá trình chuyển hóa các tài nguyên di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên thành những thành tố tạo sức thu hút, hấp dẫn văn hóa. Nhưng với một số ngành, việc chuyển đổi từ tài nguyên mềm thông qua lựa chọn các thành tố phù hợp tạo nên chuỗi giá trị sáng tạo, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng thu hút thị trường văn hóa trong và ngoài nước vẫn chưa đạt được hiệu quả cao.

 Sân khấu quay - công nghệ làm mới sân khấu Thủ đô. Ảnh: Lại Tấn.

Sân khấu quay - công nghệ làm mới sân khấu Thủ đô. Ảnh: Lại Tấn.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ: Việt Nam có quy mô dân số trên gần 100 triệu người là một thị trường tiềm năng các sản phẩm CNVH nội địa, nhưng các khảo sát thực tế cho thấy, người Việt vẫn ưu ái hàng “ngoại”. Các sản phẩm CNVH Việt Nam thiếu đi sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa nên chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao người dân trong nước. Điều này dẫn đến thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm CNVH đến từ các cường quốc văn hóa cùng khu vực châu Á với Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.Mặt khác, việc chưa xem CNVH là một lĩnh vực có sự kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo, công nghệ và bản quyền đã làm cho nguồn tài nguyên này chưa tạo được ấn tượng thu hút đối với cảm nhận của người nước ngoài.Giải pháp thúc đẩy công nghiệp văn hóaTheo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, để phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa thông qua chuyển hóa các tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm, dịch vụ CNVH, từ góc độ thể chế, Việt Nam cần xác định 5 giải pháp phát triển CNVH.

 Một tiết mục biểu diễn xiếc tại Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn.

Một tiết mục biểu diễn xiếc tại Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn.

Trong đó, giải pháp đầu tiên là “Kiện toàn khung khổ thể chế, chính sách”. Cụ thể, việc hoàn thiện khung thể chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những rào cản, vướng mắc, khó khăn, hình thành khung khổ pháp lý, thể chế nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho CNVH phát triển theo hướng đáp ứng yêu cầu thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế. Đồng thời, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về: Điện ảnh, di sản văn hóa, sở hữu trí tuệ, quảng cáo... Hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng yêu cầu bảo hộ và thực thi quyền trong nước và hội nhập quốc tế; thúc đẩy phát triển văn hóa và phát triển các ngành CNVH.

Giải pháp thứ 2 là “Hoàn thiện thị trường văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành CNVH”. Giải pháp này chú trọng các nội dung như: Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế thị trường văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo hệ sinh thái thuận lợi để huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa nhằm thúc đẩy đầu tư, sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa; Xây dựng, đề xuất các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, DN hoạt động trong lĩnh vực văn hóa…
Trong giải pháp thứ 3 về “Đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực CNVH”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ: Hiện nay, cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa chỉ chú trọng tới đầu tư của Chính phủ mà xem nhẹ vấn đề thu hút vốn. Do đó, muốn đổi mới cơ chế đầu tư văn hóa, xây dựng một cơ chế đầu tư tương xứng với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Việt Nam buộc phải giải quyết hiện tượng “thắt cổ chai” về vốn đầu tư. Song vấn đề cơ bản để phát triển các ngành CNVH đòi hỏi phải có chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực.

 Biểu diễn múa rồng tại phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Lại Tấn.

Biểu diễn múa rồng tại phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Lại Tấn.

Ngoài 3 giải pháp trên, giải pháp về “Đầu tư phát triển hạ tầng các ngành CNVH” sẽ giúp Việt Nam đảm bảo nền tảng số hóa thuận lợi cho sự phát triển các nguồn lực quyền lực mềm, gia tăng khả năng và cách thức tiếp cận đến đối tượng, mang lại năng lực thích ứng nhanh trước các xu hướng thị trường trong ngành công nghiệp văn hóa. Giải pháp cuối cùng được PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ là “Đổi mới phương thức khai thác, tăng cường kết nối truyền thống với hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phân phối các sản phẩm, dịch vụ CNVH”. Tóm lại, trong những năm gần đây, đổi mới thể chế đã tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào của Việt Nam với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh trong hoạt động của các ngành CNVH. Sự thay đổi này đã tạo nên những chuyển biến tích cực của một số ngành, đặc biệt là du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy sức hấp dẫn, thu hút thế giới về văn hóa. Nhưng hiện nay, dù có nhiều tiềm năng lợi thế, con đường vươn tầm thương hiệu CNVH, định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ở các sản phẩm – dịch vụ CNVH ra thế giới còn rất khó khăn. CNVH đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam và đây chính là thách thức lớn đòi hỏi chúng ta cần tập trung triển khai những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn về thể chế.

Minh An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/de-cong-nghiep-van-hoa-tai-viet-nam-vuon-tam-dot-pha-441751.html