PGS. TS Nguyễn Thường Lạng: Tác động đến tăng trưởng không quá lớn

Cần chủ động tránh ùn ứ hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ trong bối cảnh chính quyền Tổng thống D.Trump áp dụng mức thuế đối ứng 46% với Việt Nam.

Xung quanh diễn biến Hoa Kỳ áp dụng mức thuế đối ứng 46% với Việt Nam, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế và thương mại quốc tế, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

- Xin ông đánh giá những tác động có thể có quanh việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế đối ứng 46% với Việt Nam?

PGS. TS Nguyễn Thường Lạng. Với mức thuế 46% mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp dụng trong trường hợp Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu hiện nay của Việt Nam sang Hoa Kỳ, sơ bộ Hoa Kỳ sẽ thu được khoảng 30 - 40 tỷ USD tiền thuế từ Việt Nam.

Tuy nhiên, thuế đối ứng chỉ là một phần bởi hai bên đã có hiệp định thương mại từ trước.

Từ kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ thời gian qua cho thấy, hàng Việt Nam rất phù hợp với thị trường Hoa Kỳ. Hàng Việt Nam ngày càng có uy tín vì chất lượng cao, được người tiêu dùng Hoa Kỳ chấp nhận.

Việc đánh thuế ở đây dựa trên quan điểm mà Hoa Kỳ cho rằng cần công bằng, để giảm bớt thâm hụt thương mại. Điều này có thể dẫn đến việc những mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ, trong đó có cả những mặt hàng chủ lực có mức giá khá cao, gấp khoảng 1,5 lần, nếu chưa tính đầy đủ các yếu tố khác.

PGS. TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

PGS. TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Việc tăng giá này có thể dẫn đến hệ lụy sức cạnh tranh của hàng Việt Nam giảm đi, dẫn đến nhu cầu giảm cũng như ùn ứ, ách tắc hàng hóa do không vào được. Điều này khiến doanh nghiệp có thể phải thu hẹp cơ sở sản xuất hoặc phải chuyển luồng hàng hóa sang thị trường khác hoặc bán hàng theo kiểu “giải cứu”. Lúc này hàng hóa có thể bị tồn khiến cho chuỗi cung ứng bị thu hẹp. Như vậy, trách nhiệm của doanh nghiệp ngày càng nặng nề.

Thêm nữa là việc đánh thuế đối ứng này của Hoa Kỳ có thể dẫn đến CPI của Hoa Kỳ tăng lên, tác động đến lạm phát của nước này.

- Việt Nam cần hành động ra sao để ứng phó tình hình hiện nay?

PGS. TS Nguyễn Thường Lạng. Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra với doanh nghiệp Việt Nam là cần tiếp tục tiết kiệm chi phí quản lý, nguyên vật liệu, năng lượng hoặc có thể lên phương án giảm giá cho nhà nhập khẩu Hoa Kỳ.

Chính phủ có vai trò tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí thủ tục hành chính, bớt các thủ tục “phi chính thức”, thanh tra giám sát, logistics.

Cùng đó, tiến hành đàm phán với Hoa Kỳ để mua hàng của Hoa Kỳ, giảm bớt thặng dư thương mại với Hoa Kỳ như khí hóa lỏng, turbin khí, thiết bị công nghệ, thiết bị y tế, nông sản, phương tiện vận tải…

- Việc áp dụng thuế đối ứng này tác động nhiều đến mục tiêu tăng trưởng 8% của Việt Nam trong năm nay không, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Thường Lạng. Việc áp dụng mức thuế đối ứng 46% có thể khiến cho xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm trong năm nay. Với mức xuất khẩu của Việt Nam, con số này có thể không lớn lắm nhưng như đã nói ở trên. Mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2025 có thể bị ảnh hưởng, song không quá lớn. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần tăng cường mở rộng các thị trường xuất khẩu khác để bù lại mức độ giảm tuy không quá lớn ở thị trường Hoa Kỳ.

- Xin cảm ơn ông!

Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tiết kiệm chi phí quản lý, nguyên vật liệu, năng lượng hoặc có thể lên phương án giảm giá cho nhà nhập khẩu Hoa Kỳ.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/pgs-ts-nguyen-thuong-lang-tac-dong-den-tang-truong-khong-qua-lon-381641.html