PGS.TS PHẠM VĂN LINH, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TW: TIẾP TỤC HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH VỀ CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Ngày 16/6, tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã thông tin chuyên đề 'Xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới', đồng thời nhấn mạnh, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về chuẩn mực, đạo đức cán bộ, đảng viên và có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Toàn cảnh Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023.

Toàn cảnh Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023.

Thông tin về chuyên đề Xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, PGS.TS Phạm Văn Linh đã phân tích về chuẩn mực đạo đức cán bộ, chuẩn mực xã hội, mối quan hệ của với giá trị con người Việt Nam; kết quả đạt được và những nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới. PGS.TS Phạm Văn Linh cho rằng, chuẩn mực chính là những quy ước, quy tắc, luật lệ, có sự đồng thuận tán thành của cả cộng đồng hay một nhóm người để điều tiết thái độ, hành vi ứng xử, hành động của con người.

Đặc điểm của chuẩn mực là luật lệ, những quy định, quy tắc, quy ước chung được xã hội tán thành để điều tiết về nhận thức, về thái độ, về hành vi của con người về những điều phải làm hoặc không được làm. Chuẩn mực có thể được thực hiện ở dạng văn bản công khai, dưới dạng những điều luật, bản nội quy, quy ước, bản thỏa thuận, khi xây dựng trở thành văn bản chính thức được công khai, mọi người thừa nhận và hướng theo đó để thực hiện. Chuẩn mực có chức năng kiểm soát xã hội dưới dạng khen hoặc chê. Có nhiều loại chuẩn mực như chuẩn mực chung của toàn xã hội, chuẩn mực về đạo đức, chuẩn mực pháp lý. Chuẩn mực là phạm trù lịch sử, biến đổi cùng với sự biến đổi của xã hội, phù hợp với những giai đoạn khác nhau.

Chuẩn mực của người Việt Nam là những quy ước chung về những điều, những việc phải làm, nên làm tồn tại dưới hình thức công khai hoặc được người Việt Nam đồng thuận, tán thành để điều tiết thái độ, hành vi, hành động của con người trong ứng xử phù hợp với văn hóa, pháp luật Việt Nam cũng như tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Về chuẩn mực đạo đức, PGS.TS Phạm Văn Linh nhấn mạnh, đạo đức là yếu tố quan trọng, cấu thành nền tảng tinh thần của xã hội, là một tiêu chí để phản ánh sự tiến bộ, sự văn minh của chế độ xã hội trong những giai đoạn nhất định. Chuẩn mực đạo đức của người cộng sản được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập rất nhiều: Mọi việc thành hay bại là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không; giống như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn sông cạn; cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo; người cách mạng mà không có đạo đức thì tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân...

Về nguyên tắc xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên, PGS.TS Phạm Văn Linh cho rằng cần quán triệt 4 nguyên tắc: Dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Phải chứa đựng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được sàng lọc, đã được kiểm chứng trong tiến trình lịch sử xây dựng, giữ nước của dân tộc ta; Tiếp thu những tinh hoa văn hóa về đạo đức của nhân loại; Phải gắn với yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng trong yêu cầu mới.

PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Để thực hiện có hiệu quả chuẩn mực đạo đức cán bộ đảng viên, PGS.TS Phạm Văn Linh khẳng định cần luôn luôn tu dưỡng, rèn luyện suốt đời; nói đi đôi với làm, đặc biệt là với người cán bộ; xây đi đôi với chống. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống dân tộc; nắm vững và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây là yêu cầu đối với toàn dân nhưng với người cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu. Qua các thời kỳ, đã có rất nhiều chính sách được ban hành, để các đường lối đi vào cuộc sống, cán bộ, đảng viên phải là những người đi trước, nắm vững và gương mẫu thực hiện. Cán bộ, đảng viên cần am hiểu công việc, tận tâm với nghề, thực hiện đúng chức trách, quyền hạn và nhiệm vụ được giao; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của Nhân dân lên trên hết và trước hết; có tinh thần đoàn kết, phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ.

Như vậy, có thể nói, đạo đức của cán bộ, đảng viên là những phẩm chất tiêu biểu, đặc trưng, phù hợp với vị trí, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, đáp ứng được yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, tùy từng cơ quan, đơn vị đưa ra các chuẩn mực khác nhau như trung với nước, hiếu với dân, nhân nghĩa, trí dũng, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, đoàn kết, trách nhiệm, dân chủ, kỷ cương, tiền phong, gương mẫu…. Theo PGS.TS Phạm Văn Linh, chung quy lại, đối với cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị có thể tóm gọn thành 3 cụm từ: trung thành, trung thực; đoàn kết, tận tụy; kỷ cương và sáng tạo.

PGS.TS Phạm Văn Linh cũng lưu ý, chuẩn mực đạo đức không biệt lập mà có quan hệ biện chứng, gắn kết thành một thể thống nhất để tạo nên một hệ chuẩn mực đạo đức cách mạng tiêu biểu trong tư cách của cán bộ, đảng viên. Chuẩn mực không đóng kín, không bất biến, đòi hỏi phải không ngừng bổ sung những chuẩn mực mới, với sức sống mới, gắn với yêu cầu của đất nước, của thời đại trong từng giai đoạn.

Thời gian qua, đã có nhiều văn bản thể chế hóa chuẩn mức đạo đức của cán bộ đảng viên, như Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, đã nêu 5 tiêu chuẩn chung, 8 tiêu chí đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, như: Mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện, việc làm trái với các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ.

Những tiêu chí trên cho thấy tính nêu gương rất cao, được triển khai sâu rộng với nhiều biện pháp quyết liệt, tích cực, hệ thống bài bản. Tuy nhiên, do tính phức tạp của đời sống xã hội, mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, nên tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ, cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn.

Một trong những nguyên nhân là việc xây dựng chuẩn mực đạo đức còn khá dàn trải, đôi khi còn chồng chéo, khó nhớ, khó kiểm tra, khó lượng hóa, khó đánh giá; có trường hợp không nhất quán, chưa thông suốt từ Trung ương đến địa phương, gây nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.

Vì vậy cán bộ, đảng viên cần luôn luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cá nhân; hoàn thiện các giá trị và xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng; hình thành những chuẩn mực cho từng nhóm đối tượng cụ thể; giáo dục đạo đức cách mạng; đấu tranh với quan điểm, hành vi phi đạo đức, phản đạo đức; thực hiện tốt công tác khen thưởng, kỷ luật cán bộ.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Bên cạnh những giải pháp vừa nêu, PGS.TS Phạm Văn Linh cũng lưu ý tiếp tục tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cấp ủy Đảng, chính quyền; tiếp tục hoàn thiện các chuẩn mực dễ nhớ, dễ hiểu, phản ánh được những đặc điểm nổi trội nhất ở từng cương vị trong từng lĩnh vực; hoàn thiện thể chế, chính sách về vấn đề này; tiếp tục thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Có thể khẳng định, xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng, một trong 10 nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là một trong những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh.

Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng chuẩn đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên để thống nhất nhận thức trong toàn Đảng về chuẩn đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử; góp phần xây dựng Đảng về đạo đức, đúng như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ban Tuyên giáo Trung ương đang khẩn trương hoàn thiện, thống nhất các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trên tinh thần ngắn gọn, rõ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77070