PGS-TS Trần Lâm Biền: Không có núi Đọi thì không có lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Qua nhiều lần khảo sát, nghiên cứu văn hóa khu vực núi Đọi, chùa Đọi và lễ hội Tịch điền, PGS-TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hóa cho rằng 'Đọi Sơn là một hòn núi thấp, như cô đơn, đột ngột nổi lên giữa một vùng nông nghiệp mênh mông, nó như một trục vũ trụ hút sinh khí của trời Cha, truyền vào lòng đất Mẹ sinh sôi, nối trời với đất. Nếu không có núi Đọi không có Tịch điền ở đây đâu!'

PGS-TS Trần Lâm Biền, Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

PGS-TS Trần Lâm Biền, Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Ở tuổi 86, PGS-TS Trần Lâm Biền một lần nữa thực tế khu vực núi Đọi (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên) vào một ngày cuối tháng 12 năm 2023 khi ông được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nam mời tham dự Hội thảo Khoa học Bảo tồn và phát huy không gian lễ hội Tịch điền – Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch Quốc gia.

PGS-TS Trần Lâm Biền cho biết: “Đọi Sơn là một trong những hòn núi thấp, như cô đơn, đột ngột nổi lên giữa một vùng nông nghiệp mênh mông. Tôi xin thưa với các vị thế này, cả thế giới cũng như ở Việt Nam, cứ quả núi nào cô đơn, nằm giữa không gian bao la của đồng ruộng thì bao giờ nó cũng thiêng. Nó như một trục vũ trụ, nối trời với đất. Nó hút sinh khí của trời Cha, truyền vào lòng đất Mẹ sinh sôi. Nếu không có núi Đọi, không có Tịch điền ở đây đâu.”

Người dân Đọi Sơn hóa trang tham gia lễ hội cày Tịch điền đầu xuân.

Người dân Đọi Sơn hóa trang tham gia lễ hội cày Tịch điền đầu xuân.

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, trên đất nước này, có biết bao quả núi cô đơn, đột ngột nổi lên giữa mênh mông như núi Phật Tích, Long Hạm, Chương Sơn, Trường Long và xa xôi như núi Bà Đen, nhưng rõ ràng chỉ có Đọi Sơn nằm giữa vùng lãnh thổ gốc của người Việt. Đặc biệt, nơi đây còn là vùng đất liên quan chặt chẽ đến vua Lê Đại Hành, nhà vua đầu tiên với những luống cày tâm linh trong lịch sử ở dưới chân quả núi này. Từ đó, lệ tục cày Tịch điền được nối đời truyền mãi về sau. Núi Đọi cũng trở thành một điểm sáng về di sản văn hóa vật thể đậm nét truyền thống.

Bàn về lễ hội Tịch điền và những giá trị, ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển văn hóa, PGS-TS Trần Lâm Biền cho rằng: “Đọi Sơn và làng này so với cả khu vực châu thổ Bắc Bộ nó nằm ở vị trí trung tâm, cho nên lễ Tịch điền không đơn giản là của địa phương, mà nó như anh Thuân nói đấy, là đại diện cho cả một quốc gia, và nó là khởi đầu.” Theo GS.TS Đinh Khắc Thuân, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Lễ Tịch điền vốn xuất hiện từ Trung Quốc, sau các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Tiền Lê đến thời Nguyễn tổ chức hết sức long trọng nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp và cầu mong có một năm mùa màng tốt tươi. Tuy nhiên, lễ hội này đều đã kết thúc sau khi triều đại phong kiến cuối cùng ở Trung Quốc và Việt Nam chấm dứt.

Không gian lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2023.

Không gian lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2023.

Tại Hà Nam, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được phục dựng từ năm 2009, là một nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội. Nghi lễ chính trong toàn bộ lễ hội là lễ Tịch điền, tái hiện huyền tích từ thời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn nhận thấy núi Đọi có một vị trí chiến lược quan trọng đối với kinh đô Hoa Lư nên đã về chân núi Đọi cày ruộng đầu xuân để khuyến khích nông trang ngay từ khi ông lên ngôi vua. Lễ cày được tiến hành theo thứ tự: Người diễn sướng nhập linh khí quân vương - Vua Lê Đại Hành cày 3 sá, lãnh đạo tỉnh cày 5 sá, lãnh đạo thị xã cày 7 sá, lãnh đạo xã và các bô lão cày 9 sá.

PGS-TS Trần Lâm Biền nói: “Tôi muốn nói thế này, các vị hiểu cho anh Thuân gợi ý một ý rất hay, là phải hướng về hướng Nam mà cày. Vì sao lại thế? Là vì thế này, hướng Nam là hướng sinh lực màu đỏ, hướng của trí tuệ. Vua là chính nhân quân tử, cày về hướng Nam là hướng tới mong muốn cho đất đai này được giàu có và tốt đẹp, đầy sinh lực. Cái đó là cái chúng ta nên quan tâm.”

Trâu được vẽ những họa tiết, hoa văn theo ý tưởng của các họa sỹ để dùng cày trong lễ hội.

Trâu được vẽ những họa tiết, hoa văn theo ý tưởng của các họa sỹ để dùng cày trong lễ hội.

Khi GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và nhiều nhà nghiên cứu nói về việc gắn lễ hội Tịch điền với phát triển du lịch, nêu quan điểm: Hà Nam cần có giải pháp để tiếp tục khai thác giá trị của điểm đến đang lưu giữ nhiều giá trị này như thế nào? PSG-TS Trần Lâm Biền cho rằng: “Tôi thấy ý kiến của ông Bùi Quang Thanh là ý kiến rất hay, làm thế cũng được, nhưng tôi xin tham góp vào vấn đề khai thác du lịch từ chùa Long Đọi. Với chùa Đọi là gần con sông Châu. Từ bờ sông có một con ngòi đào thẳng vào chân núi gọi là ngòi “con Tên” để thuyền của vua có thể lui tới một cách thuận lợi. Từ bến nước, một con đường thoai thoải, khá rộng đủ để rước kiệu/võng đưa lên chùa. Nói về ý nghĩa thật là cao, đặc biệt là cái ngòi “con Tên”, chúng ta cũng phải khai thác cái đó. Nhưng, như ý kiến của GS Đinh KhắcThuân, cái này nó phải nằm ở phía Nam và chúng ta phải dành cho nó một khoảng đất nhất định, không nhiều. Bởi vì, cái khoảng đất ấy sau khi chúng ta tổ chức lễ hội rồi thì chỉ còn mỗi chùa Đọi là mang hơi hướng thu hút người ta mà thôi.”

PGS –TS Trần Lâm Biền bày tỏ quan điểm của mình khi có nhiều ý kiến cho rằng có nên vẽ trâu hay không trong lễ hội Tịch điền: “Trong lễ hội Tịch điền cũng như các lễ hội gắn với con trâu cần phải nhớ con trâu nó gắn với mặt trăng nên cái sừng của nó phải cân phân như mặt trăng lưỡi liềm. Bốn vai của nó phải có khoáy. Các bạn biết đấy, trong đạo Phật có chuyện “Nguyệt ái tam muội”, đối với người Việt chúng ta thờ mặt trăng để cầu cho mùa màng được tốt tươi, những khoáy đó là cầu nước để có nước mà cày cấy.”

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/pgs-ts-tran-lam-bien-khong-co-nui-doi-thi-khong-co-le-hoi-tich-dien-doi-son-111909.html