PGS.TS Trần Thành Nam: Nhà khoa học 'ngại' báo chí vì... lẽ gì?
PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ, khi lên báo chí, nhà khoa học không chỉ đối diện với nhóm nghiên cứu, mà cả dư luận xã hội. Nếu quan điểm không vững chắc, kết quả nghiên cứu không đủ chính xác… sẽ ngại chia sẻ.
“3 chân kiềng” của nhà khoa học
Thưa PGS.TS Trần Thành Nam, ông được biết đến là một chuyên gia rất nhiệt tình, luôn sẵn sàng hỗ trợ báo chí, ông có thể chia sẻ lý do của việc làm này?
Tôi tin rằng, một giảng viên đại học như tôi sẽ có ba nhiệm vụ: nghiên cứu khoa học; giảng dạy và phục vụ cộng đồng. Giảng viên trường đại học không chỉ nghiên cứu hay giảng dạy mà phải có trách nhiệm biến những tri thức, kết quả nghiên cứu thành những sản phẩm hữu ích, thành những giá trị phục vụ cho cộng đồng.
3 nhiệm vụ đó tựa như 3 chân kiềng, tất nhiên sẽ có những người đầu tư nhiều thời gian ở một "chân kiềng" nào đó nhưng nếu có thể cân bằng được cả ba thì sẽ là tốt nhất.
Thực tế, có rất nhiều nghiên cứu sau khi bảo vệ xong thì xếp ngăn kéo, dẫn đến phí phạm những ý tưởng rất hay, có thể giúp ích được cho cộng đồng. Kết quả những nghiên cứu đó thì được công bố trên các tập san khoa học rất khó đọc, khó hiểu với độc giả đại chúng.
Trong quá trình làm việc về vấn đề sức khỏe tâm thần và giáo dục, tôi thấy có một phần trách nhiệm, để tất cả tri thức của các thầy cô và đồng nghiệp của mình được giới thiệu với cộng đồng và trở thành những giá trị hữu ích phục vụ cho cuộc sống.
Với sự hỗ trợ của những nhà báo, tôi đã được đồng hành để chuyển tải những thông tin khoa học nhưng theo một ngôn ngữ đời thường và phản biện, góp ý cho việc hoàn thiện, điều chỉnh chính sách trong thời gian qua.
Và kết quả có thu được đúng như ông mong đợi không, thưa ông?
Tôi cho rằng, việc làm của mình cũng đã thu về được một số kết quả khá tốt. Những bài viết chúng tôi chia sẻ ở trên báo chí là một kênh để chúng tôi tư vấn cho ngành.
Chẳng hạn, những công việc của chúng tôi trong thời gian qua cũng đã tham gia góp ý cho Bộ GD&ĐT trong việc ban hành một số thông tư như Thông tư 31 về việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông hoặc thông tư ban hành về Quy tắc ứng xử trong các nhà trường.
Với những nhà khoa học xã hội, theo tôi, có lẽ việc nghiên cứu để đóng góp xây dựng chính sách còn ý nghĩa hơn việc bảo vệ xong một công trình rồi xếp vào một chỗ nào đó rất là trang trọng và chẳng có ai nhìn thấy.
Còn từ phía độc giả thì sao, họ đón nhận những chia sẻ của ông thế nào?
Sau một khoảng thời gian cộng tác với báo chí, tôi cũng đã biết cách viết đúng, trúng vấn đề mà độc giả cần, những tư vấn đều dưới góc nhìn khoa học. Những phản hồi tôi nhận được từ độc giả hầu như đều rất tích cực.
Từng bị đe dọa vì “đập nồi cơm” của người khác
Không ít các nhà khoa học rất ngại trả lời báo chí, ngại chia sẻ quan điểm, cho rằng chỉ cần tập trung làm tốt công việc chuyên môn là được. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
Tôi cho rằng có thể có mấy lý do nhà khoa học không thoải mái lên truyền thông: Thứ nhất, có nhà khoa học nghiên cứu giỏi nhưng chưa chắc đã chuyển tải nghiên cứu đó thành được ngôn ngữ đại chúng.
Thứ hai, là về động lực. Làm việc với báo chí về vấn đề chuyên môn rất mất thời gian, trong khi đó lại không được ghi nhận định mức hoàn thành nhiệm vụ hay không phải là tiêu chí để tăng lương hay thưởng. Cho nên, nhiều người không muốn mất thời gian “vô nghĩa”.
Thứ 3, khi lên truyền thông, nhà khoa học không chỉ đối diện với nhóm nghiên cứu mà còn cả dư luận xã hội. Nếu như quan điểm không vững chắc, kết quả nghiên cứu không đủ chính xác, công cụ chưa đủ tin cậy thì sẽ ngại chia sẻ. Nhất là khi những chia sẻ, quan điểm của nhà khoa học không chỉ là của riêng một cá nhân, mà có thể đại diện cho trường, đơn vị nơi công tác. Nếu phát ngôn sai sót có thể ảnh hưởng tới cả một tập thể. Nên cũng áp lực.
Ngoài ra, đối với ngành khoa học xã hội, kết quả nghiên cứu có thể gây tranh cãi ngay cả với những người trong ngành chứ chưa nói ra đến dư luận. Bản thân người làm nghiên cứu cũng chưa thể thuyết phục tường minh kết quả nghiên cứu của mình. Nên tâm lý nói chung là không công bố, tội gì "bôi mỡ cho kiến cắn".
Và một rào cản nữa, đó là định kiến. Có không ít người cho rằng, những ai xuất hiện liên tục trên truyền thông thì làm gì có thời gian đầu tư cho nghiên cứu. Điều này khiến cho nhà khoa học nhiều khi muốn nhiệt tình với báo chí nhưng lại phải giới hạn bớt lại.
Bản thân ông đã từng gặp “sự cố”, “thị phi” nào khi cộng tác với truyền thông hay chưa?
Cũng có. Trong đó, đáng nhớ nhất là có mấy lần “đập nồi cơm” của một số cá nhân. Ví dụ, về vấn đề sinh trắc vân tay, tôi lên tiếng, vì không có bất cứ bằng chứng khoa học nào giữa đường vân tay và thiên hướng nghề nghiệp của trẻ. Hoặc là những lớp học kích não một thời quảng bá như một công cụ để đào tạo thiên tài. Tôi đã nói thẳng, tất cả đều là “ngụy khoa học”.
Và tôi nhận về những đe dọa, tấn công trên mạng, vì đã làm ảnh hưởng tới “nồi cơm” của những người kinh doanh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, khi đã làm khoa học thì tôi đặt ra tiêu chí của mình, là chỉ nói theo bằng chứng khoa học.
Tôi không bao giờ tấn công ai, trừ trường hợp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của công chúng để trục lợi, và làm ảnh hưởng đến con trẻ. Tôi phải lên tiếng.
Như vậy, ông có bị áp lực và ảnh hưởng tới cuộc sống riêng?
Về cơ bản, cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Vì tôi nói và nhận xét dựa trên bằng chứng và kiến thức tâm lý. Tôi cũng cập nhật năng lực số nên biết ứng xử để phòng tránh cho bản thân và gia đình khỏi những phiền phức từ mạng xã hội.
Muốn nâng cao vị thế của các nhà tâm lý
Từ những rào cản mà ông nói, theo ông, cần có một cơ chế nào đó để khuyến khích các nhà khoa học trong việc “phục vụ cộng đồng” như ông nói, đặc biệt là từ phía các nhà trường?
Tôi cho rằng, cần có những chính sách để khuyến khích các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học xã hội tham gia cùng các cơ quan truyền thông báo chí phản biện các vấn đề nóng trong xã hội và coi nó như một tiêu chí để đánh giá giảng viên.
Chính sách cần đặt trọng số theo chuyên ngành. Chẳng hạn như đối với ngành khoa học tự nhiên, việc đánh giá hiệu suất của nhà khoa học qua những phát minh, sáng chế - đó cũng là những sản phẩm phục vụ cộng đồng. Nhưng đối với ngành khoa học xã hội và nhân văn, ngành giáo dục, ngành luật thì trọng số cần đặt vào mức độ tham gia phản biện và xây dựng những chính sách mới để phục vụ cuộc sống.
Hiện tại, đâu là điều khiến ông còn trăn trở?
Điều trăn trở nhất của tôi hiện nay là làm sao nghề tâm lý học phải được chính thức hóa, vị trí nhà tâm lý phải được thừa nhận và phiên chế trong hệ thống trường học, bệnh viện, các tổ chức doanh nghiệp. Có các chương trình đào tạo đạt chuẩn, nhà tâm lý có chứng chỉ hành nghề và được xác định vị thế, mức lương xứng đáng.
Tôi cũng mong muốn sẽ được đồng hành với các đồng nghiệp nhà báo về nội dung này để giảm thiểu những kỳ thị hiện có về vấn đề tâm lý và sức khỏe tâm thần, đồng thời xây dựng những chính sách, hệ thống để chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em và cộng đồng được tốt hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!