PGS.TS TRẦN THỊ MINH THI: CẦN LỒNG GHÉP BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG CÁC QUY ĐỊNH CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Quan tâm đến Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam dựa trên tiếp cận đa ngành và toàn diện nhằm giải quyết bạo lực gia đình. Do đó, lần sửa đổi này cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các quy định của Dự án Luật.
HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI)
Sau 15 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, do tính chất bạo lực gia đình vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đặc điểm tình hình kinh tế xã hội đang có những biến đổi cần thể hiện, phản ánh đầy đủ trong Luật này. Vì vậy, cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, coi đây là bước quan trọng thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như Chỉ thị 06-CT/TW ngày 24/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước.
Vấn đề phòng chống bạo lực gia đình cần phù hợp với cam kết quốc tế
Quan tâm về Dự án Luật này, PGS.TS Trần Thị Minh Thi đưa ra quan điểm, vấn đề phòng chống bạo lực gia đình cần phù hợp với cam kết quốc tế, kinh nghiệm của các quốc gia. Việt Nam đã tham gia các cam kết quốc tế trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quyền con người, vấn đề bạo lực gia đình. Đáng chú ý là Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các khuyến nghị của Ủy ban các Công ước Nhân quyền. Công ước CEDAW có hiệu lực ở Việt Nam từ ngày 19/3/1982. Ngay sau khi tham gia các cam kết quốc tế liên quan đến bạo lực gia đình, Việt Nam đã có những bước đi quan trọng để cụ thể hóa về mặt pháp lý như ban hành Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Hôn nhân và Gia đình (2014). Ở khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia chủ động đưa ra nhiều sáng kiến và tham gia các tuyên bố chung liên quan đến bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực giới và bạo lực gia đình. Tương tự như nhiều quốc gia khác, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam dựa trên tiếp cận đa ngành và toàn diện nhằm giải quyết bạo lực gia đình.
Trong quá trình sửa đổi Luật, việc tham khảo các kinh nghiệm phòng chống BLGĐ của các quốc gia khác là quan trọng. Chẳng hạn, tại Úc khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì người có hành vi bạo lực gia đình là người phải ra khỏi nhà trong trường hợp người bị bạo lực gia đình lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ. Tại Hàn Quốc, sau khi cơ quan có thẩm quyền nhận được tin báo, tố giác về hành vi bạo lực, cán bộ điều tra sẽ được cử ngay lập tức đến hiện trường vụ việc bạo lực gia đình. Trong quá trình điều tra, xác minh vụ việc cán bộ điều tra có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết, bao gồm tách người bị bạo lực gia đình, người cung cấp tin báo, tố giác, nhân chứng, v.v. khỏi đối tượng có hành vi bạo lực vì mục đích điều tra để họ có thể thoải mái cung cấp lời khai. Tại Thụy Điển, Chính phủ coi bạo lực gia đình là trở ngại cấp bách nhất đối với bình đẳng giới, vv.
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, bạo lực gia đình hiện nay đang chú trọng nhiều đến đối tượng phụ nữ/người vợ. Điều này đúng vì các kết quả điều tra quốc gia đang nhấn mạnh phụ nữ là nạn nhân chủ yếu của bạo lực gia đình từ người chồng/nam giới. Tuy nhiên, vì các điều tra quốc gia mới khảo sát phụ nữ, chưa khảo sát tình trạng bạo lực với nam giới, chưa có điều tra quốc gia về bạo lực với trẻ em, nên chưa có số liệu đầy đủ, quốc gia về nhóm đối tượng này. Cần có chương riêng cho các nhóm đặc thù: trẻ em, người cao tuổi, hôn nhân có yếu tố nước ngoài/đồng tính, chung sống không kết hôn, gia đình ly thân, ly hôn.
Ví dụ, về bạo lực tình dục với trẻ em, hiện chưa có số liệu chính xác về số lượng các vụ lạm xâm hại dục trẻ em, ở cả cấp quốc gia và địa phương, mặc dù đã có những con số thống kê từ các nguồn khác nhau, và từ các khía cạnh tiếp cận khác nhau, về vấn đề này. Càng chưa có số liệu thống kê đầy đủ về xâm hại tình dục trẻ em trong gia đình. Theo tỉnh, theo thống kê chưa đầy đủ, một số tỉnh/thành phố có xu hướng tăng bạo lực đối với trẻ em nhưng cũng chưa thực sự phản ánh được do tăng bạo lực hay do cách thức thống kê, chế độ báo cáo. Tuy nhiên, các số liệu thu thập và tổng hợp về tình hình trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực mới chỉ phản ánh được xu hướng tăng, giảm và diễn biến tình hình, chưa có tính thống kê đầy đủ.
Mặc dù có trường hợp nạn nhân là trẻ em trai nhưng hầu hết mọi người đều cho rằng buôn người chỉ xảy ra đối với phụ nữ và trẻ em gái. Mối quan hệ giữa Internet và xâm hại tình dục trẻ em, lao động trẻ em và các yếu tố dẫn đến bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại đang diễn ra nhưng chưa có hiểu biết thực sự đầy đủ về vấn đề này.
Có bốn hình thức bạo lực gia đình chính
PGS.TS Trần Thị Minh Thi cũng chỉ rõ, có bốn hình thức bạo lực chính, bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế, và bạo lực tình dục, thì chủ yếu mới khảo sát, đo lường được bạo lực thể chất. Luật hiện hành đang nghiêng hoàn toàn về phụ nữ và về bạo lực thế chất. Bạo lực tình dục, tinh thần cần có thang đo đặc thù, cách khảo sát đặc thù của các cơ quan chuyên về giới, nên chưa thực sự phản ánh được đầy đủ quy mô, tính chất trong các số liệu hiện hành. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19, có rất nhiều dấu hiệu về mặt y tế, sức khỏe cho thấy các vấn đề lớn về sức khỏe tinh thần đối với phụ nữ, nam giới, nhất là trẻ em và trẻ vị thành niên. Những vấn đề bạo hành tinh thần cần được quan tâm đặc biệt vì nó ẩn, khó phát hiện nhưng mang nhiều hậu quả khó lường.
Bạo lực tình dục là hình thức bạo lực có số liệu báo cáo thấp so với thực tế do tính chất rất nhạy cảm, riêng tư của vấn đề. Trong môi trường gia đình, và quan hệ tình cảm đặc biệt vợ chồng, vấn đề cưỡng ép quan hệ tình dục với vợ, chồng, tạo ra căng thẳng tâm lý với cả nam, nữ rất khó để phát hiện, báo cáo, thống kê, khó để phân biệt giữa cưỡng bức và cách quan hệ tình dục, và vì thế, chưa được hình sự hóa rõ ràng. Ví dụ, bạo lực tình dục trong hôn nhân được hiểu thế nào, liệu có cần bằng chứng lâm sàng trong điều tra bạo lực tình dục (giữ nguyên dấu vết) hay dựa trên báo cáo của nạn nhân, của nhân chứng?
Đồng thời, qua nghiên cứu, PGS.TS Trần Thị Minh Thi nhận thấy, đối tượng chính tham gia các tập huấn, can thiệp phòng chống bạo lực gia đình là phụ nữ. Đối tượng chính gây ra hành vi là nam giới, thì chưa có biện pháp hiệu quả, thiết thực và phù hợp với đặc điểm văn hóa để thu hút tham gia. Ngoài ra, các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình đang hướng chủ yếu tới đối tượng đã trưởng thành, đã kết hôn, tức là khi nhân sinh quan, hành vi đã tương đối ổn định-gắn chặt với nhân cách cá nhân. Nói cách khác, phòng chống bạo lực gia đình hiện nay vẫn đang làm nhiều hơn ở phần ngọn, mà chưa chạm tới gốc rễ của vấn đề: đó là thay đổi nhận thức và hành vi từ khi còn nhỏ, còn trẻ. Vì thế, một trong những giải pháp cần quan tâm là truyền thông, giáo dục về quyền con người, về giá trị gia đình, bình đẳng giới, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp và các luật hiện hành liên quan đến bạo lực gia đình ngay từ bậc phổ thông để trẻ em trai và trẻ em gái hình thành được quan điểm, thái độ và ứng xử trong hôn nhân, gia đình văn minh, văn hóa, tiến bộ trong quá trình các em phát triển và hoàn thiện nhân cách. Trong đó, trẻ em trai và trẻ em gái đều cần được quan tâm bình đẳng.
Bên cạnh đó, các hành vi bạo lực được diễn ra giữa các thành viên trong gia đình như giữa chồng và vợ, giữa cha mẹ và con, giữa con cái với cha mẹ, giữa các thành viên khác trong gia đình với nhau. Điều đáng lưu ý là, các hành vi bạo lực nêu trên “cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng” (Khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình) và hôn nhân có yếu tố nước ngoài nhằm đảm bảo cho các nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình được hỗ trợ, được bảo vệ.
Cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các quy định
Từ những phân tích trên, PGS.TS Trần Thị Minh Thi đề nghị Luật sửa đổi lần này cần hướng tới lồng ghép tốt vấn đề bình đẳng giới trên cơ sở một số nhóm nội dung chính sau:
Thứ nhất, khái niệm gia đình và thành viên gia đình được hiểu khá đa dạng trong thực tiễn xã hội hiện nay. Khái niệm gia đình, hộ gia đình, gia đình chỉ bao gồm các thành viên cùng chung sống, gia đình bao gồm cả thành viên họ hàng, là rất phong phú. Để đảm bảo cách hiểu, cách thực hiện thống nhất của Luật, cần quy định rõ giải thích về “thành viên gia đình”. Cân nhắc bổ sung các hành vi bạo lực bao gồm cưỡng ép có thai, phá thai, lựa chọn giới tính khi sinh, trong bối cảnh mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp. Nên có các quy định về các hình thức bạo lực khác với phụ nữ, trẻ em ngoài phạm vị gia đình như tại nơi công cộng, trường học, nơi làm việc, thì đưa vào luật nào để đảm bảo sự liên thông, thống nhất?
Thứ hai, các phương tiện truyền thông đại chúng ở nước ta hiện nay, nhất là báo chí, có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thể hiện ở việc cung cấp thông tin; phát hiện và giám sát các vụ việc về bạo lực gia đình; tuyên truyền, ngăn ngừa và đấu tranh với các hành vi bạo lực gia đình; tạo dư luận và định hướng dư luận về phòng, chống bạo lực gia đình…Mạng xã hội là một kênh truyền thông quan trọng tiếp theo cần quan tâm.
Thứ ba, về các thủ tục, quy trình báo cáo vụ việc bạo lực gia đình: Vì sao nạn nhân không tìm kiếm sự giúp đỡ? Ngoài các lí do văn hóa, kinh tế của cá nhân, gia đình, còn có vấn đề về thủ tục và hiệu quả hòa giải, giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình. Nạn nhân ngại tiếp xúc với chính quyền nhất là vì vấn đề tế nhị, cá nhân. Để được chính quyền bảo vệ, nạn nhân phải viết đơn đề nghị, ngoài lý do nêu trên thì có không ít nạn nhân không biết phải trình bày thế nào, bị người có hành vi bạo lực hoặc người nhà ngăn cản, đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo hành vi bạo lực với chính quyền. Các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp, các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường là người phải rời khỏi nhà (chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi), chứ không phải là từ đối tượng gây ra hành vi bạo lực. Từ đó dẫn đến việc nạn nhân có thể phải chịu bạo lực kép từ gia đình và cả xã hội, bị khó khăn và yếu thế hơn khi bị đưa vào môi trường sống lạ khi đang bị tổn thương.
Thứ tư, về cơ sở dữ liệu quốc gia về bạo lực gia đình, công tác thống kê về bạo lực gia đình hiện nay được thực hiện hằng năm, có nhiều cơ quan tham gia báo cáo nhưng số liệu báo cáo chưa liên thông giữa các cơ quan với nhau dẫn đến sự không thống nhất, không đồng bộ về số liệu báo cáo. Luật hiện hành chưa quy định rõ vai trò điều phối về phòng, chống bạo lực gia đình của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Hiện nay cũng chưa có số liệu quốc gia về bạo lực với trẻ em, nam giới, người cao tuổi. Các nghiên cứu, số liệu về bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế có khác nhau lớn giữa các cơ quan thống kê. Số liệu, phân tích giới có vai trò quan trọng đối với xây dựng chính sách bình đẳng giới.
Do đó, cần sớm triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về hôn nhân, trước mắt sử dụng các số liệu rất phong phú, nhiều chiều cạnh từ hệ thống các đề tài nghiên cứu quốc gia, cấp Bộ, hợp tác quốc tế được triển khai hàng năm của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=69381