PGS.TS Vũ Văn Giáp: Chuyên gia hàng đầu hô hấp được thế giới ghi nhận
'Sự tận tâm của PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp với nghiên cứu đã mang đến những thành công chung của chúng tôi ngày hôm nay, đặc biệt trong các nghiên cứu về sức khỏe phổi', GS Greg Fox, Đại học Sydney đánh giá về BS Giáp.
PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giảng viên cao cấp Bộ môn Nội, Trường Đại học Y Hà Nội vừa được phong danh hiệu Phó Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Sydney (Australia). Đây là sự ghi nhận những đóng góp xuất sắc của ông trong nghiên cứu khoa học cũng như sự cống hiến cho các dự án hợp tác giữa Australia và Việt Nam.

PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giảng viên cao cấp Bộ môn Nội, Trường Đại học Y Hà Nội vừa được phong danh hiệu Phó Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Sydney (Australia). Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai.
Thành công đến từ sự tận tâm
PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp được biết đến là một chuyên gia hàng đầu vềhô hấp. Ông đã công bố 80 bài báo khoa học và 20 đầu sách chuyên sâu, tập trung vào các bệnh lý hô hấp như lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn và các chương trình cai nghiện thuốc lá. Ông từng là thành viên của các Ủy ban quốc gia về kháng kháng sinh và hướng dẫn điều trị bệnh hô hấp tại Việt Nam, đóng góp vào việc xây dựng các phác đồ điều trị hiệu quả và cập nhật.
Ông đã hợp tác chặt chẽ với Đại học Y Hà Nội và các đối tác quốc tế trong các dự án giải quyết tình trạng kháng kháng sinh, nhiễm trùng Aspergillus và cải thiện chẩn đoán, quản lý các bệnh nấm xâm lấn ở Việt Nam. Sự hợp tác này đã góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và điều trị trong nước, đồng thời thúc đẩy trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa các chuyên gia y tế.
Từ năm 2017, PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp đã tham gia nghiên cứu tại Đại học Sydney, Australia, với tư cách là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Kể từ đó, Phó Giáo sư Giáp đã đóng một vai trò then chốt là nghiên cứu viên chính trong nhiều nghiên cứu y khoa và thử nghiệm lâm sàng về các bệnh hô hấp, trong đó có lao, COPD, hen suyễn và các chương trình cai nghiện thuốc lá. Với tư cách là Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế, thành lập và thực hiện các sáng kiến nghiên cứu này. Một số nghiên cứu của ông đã góp phần thay đổi hướng dẫn của WHO trên toàn cầu và định hình các thực hành chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam.
GS Greg Fox, Giám đốc lâm thời Trung tâm Đông Nam Á Sydney, Đại học Sydney, chia sẻ: "Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác với PGS.TS Vũ Văn Giáp và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai trong hơn 10 năm qua. Sự tận tâm của PGS Giáp với nghiên cứu đã mang đến những thành công chung của chúng tôi ngày hôm nay, đặc biệt trong các nghiên cứu về sức khỏe phổi. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác cùng nhau để cải thiện hệ thống y tế".
Tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán và điều trị bệnh
Với vai trò Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp đã đưa ra nhiều quyết sách đóng góp cho sự phát triển của bệnh viện, có lợi cho người bệnh.

Với vai trò Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp đã đưa ra nhiều quyết sách đóng góp cho sự phát triển của bệnh viện, có lợi cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai.
Ông tham gia đề xuất và triển khai 6 trụ cột phát triển chuyên môn của bệnh viện giai đoạn 2025-2030, bao gồm: Triển khai hiệu quả đề án ghép đa tạng; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh; Ứng dụng kỹ thuật gen trị liệu trong điều trị bệnh; Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị bệnh’ Ứng dụng phẫu thuật robot; Ứng dụng công nghệ in 3D trong sản xuất các sản phẩm, thiết bị y tế.
Trong 6 trụ cột trên, trụ cột thứ 2 Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh của Bệnh viện Bạch Mai bước đầu đã có những kết quả vượt bậc. Điều đó minh chứng qua ca lâm sàng nam người bệnh 49 tuổi đến Bạch Mai khám với bệnh nền tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đã đặt 3 stent. Bệnh nhân tình cờ đi khám sức khỏe. Với kết quả ban đầu của chụp Xquang phổi, bệnh nhân có đám mờ ở phổi. Khi làm thêm cận lâm sàng khác như nội soi phế quản thì chưa có gì đáng chú ý.
Với người không có kinh nghiệm sẽ dễ dàng bỏ sót các tổn thương hoặc đọc không kỹ thì các bác sĩ dễ dàng bỏ sót các tổn thương, kết luận bình thường thì bệnh nhân bị bỏ lỡ cơ hội chẩn đoán sớm. Nhưng với ứng dụng trí tuệ nhân tạo, máy tính và trí tuệ nhân tạo đã tự động đọc và nhận diện được tổn thương ở thùy phổi phải.
“Với tổn thương này, với những phân tích về cấu trúc, trí tuệ nhân tạo đã nhận định đây là một nốt mờ có nguy cơ ác tính và tỷ lệ ung thư cao. Đó là lý do chúng tôi quyết định cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính lồng ngực”, PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp chia sẻ.
PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp cho hay, sau khi có kết quả của chụp cắt lớp, kết quả được đẩy lên máy chủ trí tuệ nhân tạo do phần mềm nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện. Máy tự động đọc và nhận diện ra tổn thương được phân tích về vị trí, cấu trúc và tính chất của tổn thương là một tổn thương đám mờ có nguy cơ cao là ung thư phổi.
Với nhận định lần 2 này, dù bệnh nhân có bệnh nền, Hội đồng hội chẩn của Bệnh viện đã quyết định nội soi phế quản bệnh nhân để thêm các thăm dò chuyên sâu (thông thường, với bệnh nhân có bệnh nền và với tổn thương phổi rất nhỏ và mờ có thể sẽ cho về nhà theo dõi tiếp 6 tháng, nhưng điều này có thể đưa đến nguy cơ, khối u phát triển xâm lấn và có di căn, bệnh nhân mất cơ hội để điều trị triệt căn sớm).
Sau đó, với các kết quả xét nghiệm chụp chiếu cận lâm sàng và những phán đoán mà trí tuệ nhân tạo gợi ý cùng với kinh nghiệm trên nhiều ca lâm sàng, hội đồng chuyên môn của Bệnh viện quyết định cho bệnh nhân được phẫu thuật cắt toàn bộ khối u phổi, đồng thời làm mô bệnh học.
Bệnh nhân được bỏ qua làm sinh thiết phổi là một sinh thiết xâm lấn có thể gây chảy máu, gây tràn khí... Việc đọc tiêu bản mô bệnh học cũng được nhóm nghiên cứu sử dụng bộ công cụ tự động chẩn đoán dưới sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo đối với mô bệnh học để đọc kết quả. Kết quả đúng như những dự liệu ban đầu: Bệnh nhân bị ung thư biểu mô tuyến.
“Đây là một minh chứng cho thành công của trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chẩn đoán sớm ung thư. Với chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư ở giai đoạn T1M0N0, nghĩa là giai đoạn sớm, phẫu thuật sẽ triệt căn hoàn toàn, không phải hóa chất, không phải xạ trị. Đây là thành công rất rất lớn trong chẩn đoán và điều trị sớm ung thư phổi”, BS Giaps chia sẻ.
Với những đóng góp nổi bật trong nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng công nghệ, PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của y học Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hô hấp, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Việc phong tặng chức danh Phó Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Sydney cho PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp cá nhân của ông mà còn thể hiện sự phát triển mạnh mẽ trong hợp tác nghiên cứu y học giữa Australia và Việt Nam.