Biết tôi mồ côi nhưng không ai nhận nuôi ngoài dì ruột, 20 năm sau họ hàng kéo đến rạp cưới của tôi để đòi hỏi một chuyện động trời
Ở đời nhiều khi chung giọt máu đào nhưng vẫn coi nhau không bằng ao nước lã.

Vào một đêm mùa hè nóng bức khi tôi mới 5 tuổi, mẹ con tôi đang ngủ thì hàng xóm bỗng đập cửa gọi rầm rầm bảo chạy ra ngoài đồng. Đến cái mương cạnh ruộng lúa cuối làng, mẹ tôi ngất xỉu khi thấy người ta khiêng bố tôi nằm lên bờ cỏ, quần áo ướt sũng và còn nguyên cái giỏ tre xộc xệch bên hông.
Vì nhà quá nghèo, thương tôi gầy còm không đủ ăn nên bố tôi mới cực nhọc thức khuya đi bắt ếch về đem bán lấy tiền đong gạo. Ban ngày ông cấy lúa, đi làm thuê, phụ hồ xách vữa đủ kiểu. Đêm đến cũng không được nghỉ ngơi. Vậy mà số mệnh thật bạc bẽo, bố chưa được thảnh thơi ngày nào đã đột ngột qua đời.
Từ ngày đó mẹ không cho tôi đến gần bất kỳ nơi nào có nhiều nước nữa. Mẹ sợ mất chồng xong lại mất nốt cả đứa con. Tôi cũng không biết bơi nên sợ chết đuối lắm, chẳng bao giờ dám chơi ở sông suối ao hồ.
2 mẹ con tôi chật vật nương tựa vào nhau để sống. Bao khó khăn vất vả đổ dồn lên người mẹ gầy guộc ốm yếu của tôi. Cái nhà dột nát xiêu vẹo chỉ còn trông chờ vào mẹ để chống đỡ, nhưng rồi mẹ cũng bất ngờ bỏ lại tôi và ra đi trong một đêm gió mưa. Bà bị cảm nhưng vẫn cố thức khuya để vá lại cái quần cho tôi. Đến sáng tôi thức dậy thì mẹ nằm cạnh đã lạnh ngắt.
Cả làng đều tội nghiệp cho tôi vì bé tí đã mồ côi cha mẹ. Tương lai chẳng biết ra sao, lúc ấy tôi còn nhỏ nên cũng chẳng suy nghĩ được gì nhiều. Tôi chỉ khóc buồn vì không còn ai sống cùng mình nữa, tôi nhớ mẹ đến nỗi không thiết tha ăn uống cả tháng trời. Hàng xóm cho gì ăn nấy, thầy cô thay phiên qua nhà đón tôi đi học. Người bạn duy nhất bên cạnh tôi lúc đó chỉ có mỗi chú chó già.
Sau đó, họ hàng 2 bên họp mặt để bàn xem ai sẽ nhận nuôi tôi. Ai cũng đùn đẩy né tránh trách nhiệm. Bác ruột thì than nhà lắm miệng ăn quá rồi không thể nuôi thêm một đứa. Ông bà nội ngoại kêu già cả rồi không trông cháu được. Những người khác thì im lặng ngó lơ như thể tôi là đứa ất ơ không quen không biết.
Kết cục chỉ có dì ruột đứng ra bảo vệ tôi, tuyên bố sẽ nuôi dạy tôi nên người. Thấy dì đứng ra "gánh nợ" hộ nên ai nấy thở phào nhẹ nhõm. Chỉ mình tôi ngây ngô không hiểu gì.

Hơn 20 năm trôi qua với vô số thăng trầm biến cố. Tôi đã trở thành một cô gái có trong tay đủ đầy mọi thứ: nhà, xe riêng, công việc ổn định, và chuẩn bị có gia đình riêng. Dì tôi không kết hôn, cứ ở vậy nuôi nấng tôi suốt mấy chục năm trời. Nhờ dì mà tôi được ăn học tử tế, được sống vui vẻ không phải bận tâm lo nghĩ gì.
Dì đối xử với tôi tốt đến mức tôi quên luôn cảm giác mình là đứa trẻ mồ côi. Nhờ dì mà tôi giữ được căn nhà cũ của bố mẹ, chứ không họ hàng nội ngoại đã nhăm nhe xâu xé từ lâu rồi. Tôi gọi dì là mẹ từ năm 6 tuổi, chúng tôi luôn thân thiết gắn bó khiến ai cũng nghĩ là 2 mẹ con ruột. Suốt mấy chục năm chúng tôi sống nương tựa vào nhau, tôi là niềm hạnh phúc duy nhất của dì, còn dì là chỗ dựa yên bình nhất của tôi.
Công ơn dì quá lớn nên tôi đã hứa sẽ chăm sóc dì hết phần đời còn lại. Gia đình chồng sắp cưới của tôi cũng rất kính nể dì vì hi sinh cả cuộc đời cho đứa cháu mồ côi. Họ không quan tâm đến việc tôi xuất thân ra sao, lớn lên thế nào, chỉ tỏ ý ngưỡng mộ dì tôi vì đã nuôi dạy được một cô gái tử tế. Chồng tôi cũng thương dì nên đã chủ động đề nghị dọn sang "ở rể", bởi anh không muốn mang tôi đi khiến dì phải sống cô đơn.
Bao năm qua họ hàng không ngó ngàng đến chuyện sống chết của 2 dì cháu, nhưng khi nghe tin tôi sắp cưới con trai chủ doanh nghiệp thì một chuyện bất ngờ xảy ra. Ngay hôm dựng rạp chuẩn bị làm lễ ăn hỏi, tự dưng bác ruột đưa ông nội và một số người khác xuất hiện ở nhà tôi, đòi gọi cháu rể sang để nói chuyện.
Dì tôi đuổi họ về không tiếp đón, thế nhưng đúng lúc đang giằng co tranh cãi thì chồng tôi lại chạy sang đưa ít đồ. Thế là họ kéo anh vào nhà luôn, sau đó tự đưa ra mấy lời đề nghị vô cùng khó hiểu.
Bác ruột giả vờ lên giọng trịnh trọng, bảo với chồng tôi rằng họ hàng bên nội đã vất vả nuôi nấng tôi bao năm, giờ gái lớn gả chồng thì sính lễ nhà trai phải tương xứng với công sức đó. Ông nội đòi thông gia phải mang đến ăn hỏi khoảng chục cây vàng, lễ đen 200 triệu, kèm theo đó là 11 tráp với hoa quả rượu bánh cao cấp, thêm lì xì cho trẻ con người già bên nhà gái nữa. Ngoài ra phải có xe đưa rước, lễ cưới cũng phải trăm mâm và mời đủ họ hàng, sắm cho ông nội và bác ruột 2 bộ vest đẹp để làm chủ hôn.
Không đợi họ nói xong thì dì tôi đã cầm cái chổi lên đập liên tục vào cửa, bắt họ đi về và cấm bén mảng lại gần tôi. Dì nhẫn nhịn bao năm không thèm nói, nghe những đòi hỏi vô lý nực cười ấy thì dì mới tức lên. Có bao nhiêu ấm ức trong lòng dì đều trút ra hết, vạch rõ sự tham lam dối trá của họ. Năm nào họ hàng cũng nhắn tin cho dì cháu tôi để đe dọa, đòi bán nhà đi cho dì cháu tôi ra đường. Chưa bao giờ họ cho tôi một xu đóng học phí hay cái bánh ăn cầm hơi, vậy mà đến lúc tôi lấy chồng lại dám trắng trợn nói điêu rằng "vất vả nuôi nấng"!
Dì kể tội đến đâu là họ hàng bên nội im tịt đến đó. Nhìn mặt họ vẻ muốn cãi lại lắm nhưng chẳng có gì tốt đẹp để phản bác cả, dì tôi có đổ oan cho họ câu nào đâu! Chuyện họ tệ bạc với dì cháu tôi là thật, nhưng ít ra bên ngoại còn dứt tình hẳn luôn không ngó ngàng đến chúng tôi tí nào. Mỗi họ nội mặt dày xuất hiện ở nhà tôi vì tham vàng tham bạc, bày ra trò cười khiến tôi chán hẳn không biết nói gì luôn.
Chồng tôi biết rõ đầu đuôi câu chuyện nên anh không phản ứng gì cả, kệ cho họ hàng của tôi diễn trò. Anh chỉ cố tình nói to rằng hôm sau sẽ thuê bảo vệ đến canh rạp, tránh cho "người ngoài" đến quấy rối. Ông nội tôi tức lắm, vừa ra cửa vừa chửi bới lung tung, chỉ trích tôi là "cháu chắt bất hiếu". Sao cũng được, tôi có làm gì hổ thẹn với lương tâm đâu. Ai sai thì người đó tự biết, chỉ có một người duy nhất xứng đáng được hưởng vinh hoa phú quý là dì ruột của tôi mà thôi.