Phá băng nguồn lực cho nền kinh tế
Một trong các nội dung quan trọng trong các kỳ họp luôn là thảo luận về kinh tế xã hội, Ngân sách Nhà nước. Kỳ họp giữa nhiệm kỳ đặc biệt hơn khi không chỉ nhìn lại 1 năm và xác định các chỉ tiêu cho năm sau mà là nhìn lại 2,5 năm đầu nhiệm kỳ và hoạch định cho nửa cuối nhiệm kỳ. Các vấn đề kinh tế - xã hội kỳ họp này có gì đặc biệt so với các kỳ khác?
Theo dõi các phiên thảo luận tôi thấy ấn tượng nhất là các vấn đề nóng nhất của đất nước đều được mổ xẻ trên bàn nghị sự của Quốc hội. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, có rất nhiều sự ách tắc về nguồn lực đang tiếp tục gây ra sự ỳ trệ cho nền kinh tế. Rất kịp thời, Kỳ họp thứ 6 này đã quyết nghị được nhiều chính sách trực diện gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp và địa phương. Tôi có thể kể ra đây việc kéo dài thời hạn giảm 2% thuế VAT đến hết tháng 6/2024 để kích cầu tiêu dùng và một loạt nghị quyết để công phá một điễm nghẽn lớn lâu nay là Chậm giải ngân vốn đầu tư công. Sau kỳ họp, các dự án giao thông trọng điểm, 3 chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng hay các khoản chi có tính chất đầu tư... sẽ được tạo thuận lợi để tăng tốc giải ngân.
Thiếu vật liệu… công trình nằm chờ… giải ngân vốn ì ạch… Đây là thực trạng của nhiều công trình đường bộ trọng điểm hiện nay. Tuy nhiên, nút thắt này sẽ được gỡ sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về xây dựng công trình đường bộ.
Một nội dung đáng chú ý là nhà thầu không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Như đoạn cao tốc 25 km Ninh Bình - Hải Phòng này sẽ được thí điểm ngay lập tức.
Có vốn mà không tiêu được - Đây cũng là nút thắt lớn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đã qua 1/3 đến 1 nửa thời gian mà tốc độ giải ngân mới chỉ từ 6,5% đến 18,9%.
Theo đó, Quốc hội cho phép chuyển nguồn dự toán ngân sách chưa giải ngân hết sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ khẩn trương xây dựng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai, trong đó, có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách.
Sửa lại cái hàng rào hay nâng cấp các tài sản công có giá trị nhỏ vốn là việc phát sinh, có tính cấp bách, cần phải chi ngay. Ấy thế mà 2 năm nay, các địa phương cứ loay hoay không biết là có được dùng nguồn chi thường xuyên không hay phải dùng nguồn chi đầu tư công với nhiều thủ tục phức tạp. Đây cũng là một nút thắt giải ngân được các đại biểu đưa lên chất vấn đến cùng các Bộ trưởng.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh sau rà soát không có vướng mắc gì về các luật hiện hành. Do đó, yêu cầu Chính phủ ngay sau phiên chất vấn cần phân biệt rõ ràng ranh giới giữa chi thường xuyên và chi đầu tư. Nếu Nghị định và Thông tư không phù hợp với luật, thì phải sửa ngay để các địa phương có cở sở yên tâm áp dụng.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/pha-bang-nguon-luc-cho-nen-kinh-te-200992.htm