Phá băng nhóm tội phạm quốc tế chuyên 'tống tiền' cán bộ công chức, doanh nhân

Các nạn nhân bất ngờ nhận được tin nhắn từ các số điện thoại lạ, đính kèm hình ảnh hoặc video có nội dung nhạy cảm cùng những lời đe dọa, yêu cầu chuyển tiền USDT, nếu không làm theo, các hình ảnh này sẽ bị phát tán tại nơi làm việc hoặc trên mạng xã hội. Ước tính số tiền bị chiếm đoạt qua các giao dịch này lên tới khoảng 200 tỷ đồng, liên quan đến gần 1.000 nạn nhân trên toàn quốc.

Có yếu tố nước ngoài

Qua công tác nắm tình hình và thông tin từ quần chúng nhân dân, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phát hiện gần đây nổi lên tình trạng một số doanh nhân, cán bộ công chức nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ kèm hình ảnh “nhạy cảm” và nội dung đe dọa, yêu cầu chuyển tiền, nếu không sẽ bị phát tán những hình ảnh này tại nơi công tác hoặc trên mạng xã hội.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Bình, Bắc Giang… tiến hành điều tra, xác minh và đấu tranh làm rõ.

Các đối đượng tội phạm đã dùng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh nhạy cảm để tống tiền.

Các đối đượng tội phạm đã dùng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh nhạy cảm để tống tiền.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, đứng sau những vụ việc này là các nhóm tội phạm người Trung Quốc, hoạt động xuyên quốc gia. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ deepfake để cắt ghép, dàn dựng hình ảnh, video "nhạy cảm" của nạn nhân. Sau đó, chúng gửi những hình ảnh này qua điện thoại, mạng xã hội hoặc thậm chí gửi thư trực tiếp tới nơi làm việc, nơi cư trú của nạn nhân, kèm theo nội dung đe dọa và yêu cầu chuyển tiền bằng tiền số (USDT).

Các đối tượng thường liên hệ với một số người Việt Nam làm dịch vụ taxi, đổi tiền, bán sim điện thoại tại khu vực biên giới để mua sim đã chuyển vùng quốc tế. Dòng tiền sau đó được luân chuyển qua nhiều tài khoản ngân hàng đứng tên công dân Việt Nam, hoặc được rửa tiền tại các đặc khu ở Campuchia trước khi quy đổi sang tiền điện tử trên các sàn như Binance, OKX… nhằm che giấu dấu vết và qua mặt cơ quan điều tra.

Một ví dụ điển hình cho thấy mức độ tinh vi của chúng là nội dung tin nhắn như sau: “Xin chào, tôi là thám tử tư được khách hàng ủy thác điều tra về anh. Sau một thời gian theo dõi, tôi đã thu thập được những bằng chứng về hành vi thiếu chuẩn mực của anh và có trong tay một đoạn video không đứng đắn. Nếu anh không muốn mất chức danh và danh dự, hãy chuyển ngay 80.000 USDT trong vòng ba ngày. Nếu không, tôi sẽ phát tán toàn bộ thông tin, hình ảnh và clip tới cấp trên, cơ quan và mạng xã hội…”

Gần 1.000 nạn nhân bị chiếm đoạt tiền

Căn cứ kết quả thu thập được, ngày 18/02/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát hình sự) đã khởi tố vụ án "Cưỡng đoạt tài sản và rửa tiền" xảy ra tại Bình Dương, Bình Phước và nhiều địa phương khác, có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, một số bị can liên quan đã bị khởi tố. Phía Trung Quốc cũng đã triệu tập 9 nghi phạm, trong đó 7 đối tượng đang bị tạm giữ để phục vụ điều tra.

Mới đây, trong tháng 4/2025, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Công an tỉnh Bắc Giang bắt giữ 3 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng này đã mở 71 tài khoản ngân hàng cá nhân, cho thuê và xác thực khuôn mặt để hỗ trợ việc luân chuyển dòng tiền cho nhóm lừa đảo chính tại Campuchia. Ước tính số tiền bị chiếm đoạt qua các giao dịch này lên tới khoảng 200 tỷ đồng, liên quan đến gần 1.000 nạn nhân trên toàn quốc.

Trước những diễn biến phức tạp của loại tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an khuyến cáo người dân: Tuyệt đối không cho người khác thuê, mượn tài khoản ngân hàng, không đứng tên thuê sim điện thoại cho người khác sử dụng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ sim thẻ cần lưu giữ thông tin khách hàng, đặc biệt là người nước ngoài; Thận trọng khi chia sẻ hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội, nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi từ số lạ, không rõ danh tính; Khi thực hiện các giao dịch tiền điện tử, cần xác minh rõ danh tính đối tác để tránh bị lợi dụng cho hoạt động rửa tiền.

Người dân khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến tội phạm lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản qua mạng cần giữ bình tĩnh và nhanh chóng thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ với Cục Cảnh sát hình sự qua đường dây nóng: 0692.345.860.

Minh Đức

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/pha-bang-nhom-toi-pham-quoc-te-chuyen-tong-tien-can-bo-cong-chuc-doanh-nhan-post1737142.tpo