Phá đường dây buôn người sang Campuchia: Hé lộ chiêu trò 'săn tiền thưởng', mật mã về các hang ổ phạm pháp
Đáng chú ý, lợi dụng việc nạn nhân nợ tiền, không có khả năng chi trả, các đối tượng đã đánh đập, ép buộc nạn nhân phải xuất cảnh trái phép sang Campuchia và bán cho 'đại lý'.
Hồi tháng 7/2024, Công an TPHCM nhận được Công điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia về việc đề nghị tổ chức tiếp nhận đưa 31 công dân Việt Nam đang bị tạm giữ tại Campuchia do vi phạm pháp luật và 5 công dân được cơ quan chức năng giải cứu, trong đó có công dân cư trú tại TPHCM.
Ban giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01) phối hợp Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, các cơ quan liên quan để tiếp nhận công dân và xác minh làm rõ có hay không các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành vi đưa người ra nước ngoài trái phép.
Kết quả đấu tranh đến nay, nhà chức trách xác định tại Campuchia có các khu vực do người nước ngoài thuê và thành lập ra các trung tâm lừa đảo trực tuyến, casino trá hình với nhiều tên gọi như: "Hai con voi", "Tam thái tử 1", "Tam thái tử 2", "King Crow", "Samat", "Titan", "Kimsa 1,2,3", "Kim tài 1,2,3".
Các đối tượng thuê người Việt Nam làm công việc phiên dịch, phụ trách giao tiếp và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong đó có dụ dỗ khách nạp tiền vào các trò chơi trực tuyến để chiếm đoạt.
Cảnh sát xác định 3 đối tượng làm công việc đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia gồm: Nguyễn Thanh Cường (SN 2006, đây là đối tượng liên hệ trao đổi với các đối tượng ở Campuchia), Trần Nhựt Minh (SN 1996, ngụ quận 4) và Võ Hải Đường (SN 2002, ngụ quận 7) tìm các con mồi; người có nhu cầu để dẫn dụ, ép buộc, đưa sang Campuchia.
Đáng chú ý, lợi dụng việc nạn nhân nợ tiền, không có khả năng chi trả, các đối tượng đã đánh đập, ép buộc nạn nhân phải xuất cảnh trái phép sang Campuchia và bán cho "đại lý".
Mở rộng điều tra, công an xác định Bùi Thị Tâm Tuyền (SN 1995, ngụ tỉnh Đắk Lắk) và Huỳnh Thị Hoàng Quyên (SN 1998, ngụ tỉnh An Giang) thường xuyên qua lại giữa Việt Nam và Campuchia để chọn, dẫn dụ các nạn nhân đưa sang Campuchia lao động trái phép tại các "trung tâm lừa đảo".
Các lao động Việt Nam sau khi bị bán sẽ bị nhốt tại trụ sở công ty, xung quanh có hàng rào thép và người canh gác 24/24; bị ép làm việc liên tục, nếu không làm đủ doanh số sẽ bị các quản lý đánh đập, tra tấn, bỏ đói, chích điện và bán sang các công ty khác.
Ngoài ra, để lôi kéo người lao động, các "đại lý" đưa ra lợi ích là 300 USD tiền giới thiệu cho mỗi người dụ dỗ được. Do đó, nhiều người ban đầu là nạn nhân sau đó đã trở thành chân rết của đường dây này, tìm con mồi để đưa sang Campuchia.
Làm việc với công an, Tuyền và Quyên thừa nhận hành vi, vai trò của mình trong đường dây hoạt động phạm tội này.
Công an TPHCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Cường, Minh, Đường, Tuyền, Quyên về tội Mua bán người. Nhà chức trách tiếp tục điều tra các hành vi còn lại như cho vay lãi nặng, xuất nhập cảnh trái phép, bắt giữ người trái pháp luật và tiếp tục điều tra xử lý các đối tượng liên quan, mở rộng điều tra vụ án.
Theo Công an TPHCM, trong năm 2024, đơn vị đã điều tra, khởi tố 4 vụ án, 22 bị can liên quan hành vi mua bán người, giải cứu 54 người. Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, nhà chức trách khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, cân nhắc thật kỹ trước những lời mời gọi "việc nhẹ, lương cao" để tự bảo vệ chính mình.
Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
Tội mua bán người
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Đối với từ 02 người đến 05 người;
e) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà người mua bán người trên 16 tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với các khung hình phạt được quy định tại Điều 150 nêu trên. Trong đó mức án cao nhất là phạt tù đến 20 năm.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.