Phá kỷ lục thế giới nhờ phi máy bay giấy đi hơn 77m
Kỷ lục mới được thiết lập vào tháng 4 năm nay, tại một trung tâm thể thao trong nhà ở Daegu, Hàn Quốc, sau 8 lần phi máy bay giấy của anh Kim Kyu Tae. Kỷ lục trước đó là 69,14m.
Một nhóm ba người đam mê nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản đã gây chú ý khi phá kỷ lục thế giới về chuyến bay xa nhất của một chiếc máy bay giấy, sau khi đạt được thành tích đáng kinh ngạc là 77,134m.
Kỷ lục mới được thiết lập vào tháng 4 năm nay, tại một trung tâm thể thao trong nhà ở Daegu, Hàn Quốc, sau 8 lần phi máy bay giấy của anh Kim Kyu Tae. Kỷ lục trước đó là 69,14m, do Joe Ayoob và John M. Collins thiết lập.
Kỷ lục này đã được giữ vững suốt một thập kỷ, nhưng đã bị Kim vượt qua cả trong 8 lần phi máy bay giấy. Trong 8 lần này, chiếc máy bay giấy của Kim đạt thành tích thấp nhất là 71,813m và cao nhất là 77,134m.
Kim thuộc về một nhóm 3 người rất mê nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản. Kim phụ trách việc phi máy bay giấy, nhưng các cộng sự của anh cũng đóng vai trò rất quan trọng, gồm Chee Yie jian, người đã thiết kế, tối ưu hóa thiết kế máy bay giấy, và Shin Moo Joon, người đã gấp tờ giấy thành chiếc máy bay.
Điều thú vị là Chee, người có sống ở Malaysia, đã không xuất hiện tại Daegu trong buổi phá kỷ lục. Anh thậm chí còn chưa từng gặp mặt trực tiếp hai cộng sự mà chỉ tiến hành thảo luận qua mạng Internet. “Cộng đồng máy bay giấy có quy mô nhỏ nhưng mang tính toàn cầu, trong đó mọi người đều biết nhau trên mạng, Chee chia sẻ. "Cá nhân tôi quen biết Shin gần 10 năm. Chúng tôi đã không ngừng thảo luận qua email và mạng xã hội, về những cách mới để khiến máy bay giấy bay cao hơn, xa hơn, lâu hơn.”
Mặc dù máy bay giấy chỉ là món đồ chơi đơn giản bình thường, nhưng đối với những người gấp và dùng chúng cho mục đích thi đấu, quá trình chế tạo mỗi chiếc máy bay đều đỏi hỏi nỗ lực sáng tạo phức tạp. Họ phải tính toán kỹ việc sử dụng vật liệu chế tạo, thiết kế cũng như cân nhắc về trọng lượng của máy bay.
Chee chia sẻ thêm với Tổ chức kỷ lục Guinness: “Để máy bay có thể ở trên cao càng lâu càng tốt, hay bay xa nhất, các thiết kế có thể thay đổi rất nhiều, thông qua sự kết hợp vô hạn của các yếu tố giấy gấp, trọng lượng, hình dáng và sự cân bằng. Một số máy bay giấy tầm xa về cơ bản trông giống hệt những chiếc phi tiêu, trong khi những chiếc khác với khả năng lượn lâu hơn lại thường bay lung tung."
Với chiếc máy bay đã ghi kỷ lục, bộ ba đã quyết định sử dụng CX22 100GSM, một trong những loại giấy 100GSM cứng nhất và có chất lượng cao nhất trên thế giới. Đây cũng là loại giấy được Ayoob và Collins sử dụng cho nỗ lực lập kỷ lục thế giới của họ vào năm 2012.
Sau khi đã phá kỷ lục thế giới, ba người đam mê nghệ thuật gấp giấy đang muốn hướng tới những điều lớn lao hơn. Họ tự tin rằng “đứa con” của mình đủ khả năng bay xa hơn 80 mét, chỉ cần có không gian thi đấu rộng rãi hơn. Hiện họ đang cân nhắc việc phá kỷ lục "máy bay giấy bay lâu nhất", đang do Takuo Toda của Nhật Bản nắm kỷ, với thời gian 29,2 giây./.