'Phá nát' quy hoạch khu liên hợp khoa học - đào tạo của VEA ở Bắc Ninh
Được cấp phép để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc nghiên cứu khoa học, giáo dục, nhưng Khu liên hợp Khoa học - đào tạo ở phường Đình Bảng, TX Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh lại phân lô và xây thành những biệt thự 'khủng', nhà hàng, sân bóng, kho xưởng... sai quy hoạch và mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt.
Ngang nhiên xây biệt thự không phép
Ngày 12.7.2007, UBND tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư "Dự án Đầu tư xây dựng khu liên hợp khoa học - đào tạo" (Dự án) cho chủ đầu tư là Hội Khoa học kinh tế Việt Nam (VEA). Dự án này xây dựng cơ sở hai của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT). Tổng vốn đầu tư Dự án khoảng 461 tỉ đồng, trong đó huy động từ HUBT 300 tỉ đồng, các đơn vị thuộc VEA... đóng góp 161 tỉ đồng.
Đến ngày 9.7.2008, UBND tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho VEA tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn (nay là thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) với diện tích 199.343,4 m2.
Theo các quyết định trên, thời gian thực hiện Dự án là 50 năm và do là trường Đại học dân lập hoạt động phi lợi nhuận nên được ưu đãi miễn thuế, giảm thuế và giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, việc triển khai dự án có rất nhiều sai phạm và có tính chất phức tạp, kéo dài nhiều năm. Cụ thể, ngày 26.11.2019, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 110 triệu đồng trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với VEA vì đơn vị này đã tổ chức thi công xây dựng tại khu B, khu C một số sân bóng đá, nhà tạm kiểu dáng nhà xưởng và một hạng mục công trình cao 3 tầng không phù hợp với quy hoạch chi tiết được phê duyệt trong giai đoạn từ 2010 - 2012; Tổ chức thi công xây dựng tại lô đất ký hiệu KH06, thuộc khu B 03 hạng mục công trình cao (3-4) tầng kiểu dáng biệt thự sai quy hoạch chi tiết được duyệt.
UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu VEA chấm dứt ngay các hành vi vi phạm hành chính. Khẩn trương tổ chức lập, trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh các nội dung liên quan đầu tư Dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm không phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV trong tháng 8.2020 này, các công trình biệt thự không phép, hạng mục xây dựng sai quy hoạch nêu trên vẫn tồn tại. Đáng nói, so với thời điểm phát hiện ra vi phạm từ năm 2018, 3 công trình không phép trong Dự án đang xây dựng, nhưng tới nay, cả 3 công trình trên đã hoàn thiện, với những thiết kế họa tiết cầu kỳ từ tường rào đến khu nhà chính.
Một điều kỳ lạ là theo người dân nơi đây, sau khi bị xử phạt, cả ba tòa biệt thự bỗng nhiên được treo biển ở cổng với tên khá hàn lâm. Trong đó có 1 tòa biệt thự treo biển "Hội KHKT VN - TTKT VN - châu Á Thái Bình Dương VAPEC Việt - Mỹ"; 2 tòa còn lại treo biển "VAPEC Việt - Úc" và "VAPEC Việt - Nga"...
Hàng loạt công trình xây dựng sai quy hoạch
Trong văn bản tham gia ý kiến điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp khoa học – đào tạo tại phường Đình Bảng ngày 7.1.2020, Phó Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn Hoàng Bá Huy đã chỉ ra hàng loạt các công trình, hạng mục xây dựng sai quy hoạch, sử dụng sai mục đích đất.
Thị xã Từ Sơn khẳng định: "VEA báo cáo Khu B chưa đầu tư xây dựng hạng mục công trình nào là chưa đúng thực tế, đã có có một số công trình đầu tư xây dựng"
Cụ thể, tại khu đất được quy hoạch nhà làm việc cho các đơn vị thành viên (kí hiệu KH6, diện tích 6.992m2) đã có 3 công trình riêng lẻ được đầu tư xây dựng, sau khi kiểm tra nhận thấy các công trình nêu trên được đầu tư xây dựng không phù hợp với quy hoạch và chưa được cấp giấy phép xây dựng (xây dựng công trình với hình thức kiến trúc nhà ở không phù hợp với tính chất công cộng trong Dự án).
Khu đất quy hoạch nhà làm việc của các đơn vị thành viên (kí hiệu KH2 và KH3) đã có 2 công trình dạng nhà tạm 1 tầng không phù hợp với quy hoạch về hình thức kiến trúc và chỉ giới xây dựng.
Cũng theo lãnh đạo Thị xã Từ Sơn, tại Khu C Dự án, khu đất được quy hoạch làm công viên cây xanh kí hiệu CX16 có điện tích 1.434 m2 hiện tại được đầu tư xây dựng bể bơi, công trình xây dựng sai mục đích sử dụng đất và quy hoạch được phê duyệt.
Khu đất quy hoạch lớp học giảng đường kí hiệu GD3 có diện tích 3.109m2 hiện tại được đầu tư xây dựng, kinh doanh là sân thể thao, công trình xây dựng sai mục đích sử dụng đất và quy hoạch được duyệt; Khu đất công viên cây xanh ký hiệu CX17 có diện tích 1.404m2 là lớp học giảng đường ký hiệu GD4 có diện tích 3.064m2 đã được đầu tư xây dựng thành 1 số công trình nhà ở thấp tầng, công trình xây dựng sai mục đích sử dụng đất và quy hoạch được phê duyệt.
Khu đất quy hoạch công trình công cộng (nhà hiệu bộ) kí hiệu CC2 có diện tích 3.850m2 đã được đầu tư xây dựng, kinh doanh là sân thể thao, công trình xây dựng sai mục đích sử dụng đất và quy hoạch được phê duyệt.
Khu đất quy hoạch ký túc xá có kí hiệu KTX2 với diện tích 5.607m2 hiện tại đã có công trình nhà dịch vụ kết hợp nhà vệ sinh và bão đỗ xe, công trình xây dựng chưa phù hợp với tính chất khu đất được phê duyệt quy hoạch.
Khu đất quy hoạch bãi đỗ xe kí hiệu BĐX2 có diện tích 1.187m2 và khu đất quy hoạch dịch vụ kí hiệu DV2 có diện tích 892m2 và khu đất quy hoạch Hội trường giảng đường kí hiệu GD5 có diện tích 5.190m2, hiện tại đã được đầu tư xây dựng và kinh doanh với mục đích sân thể thao, công trình xây dựng không phù hợp với mục đích sử dụng đất và quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Khu đất công trình công cộng (thư viện) kí hiệu CC3 có diện tích 2.192m2 cả khu đất kí hiệu CC4 có diện tích 3.862m2, hiện tại được xây dựng một số dãy nhà 1 tầng, công trình xây dựng không phù hợp với mục đích sử dụng đất và quy hoạch chi tiết được phê duyệt (hình thức kiến trúc, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng).
Khu đất quy hoạch thể dục thể thao có diện tích 2.376m2, hiện tại được đầu tư xây dựng công trình 1 tầng với hình thức nhà kho, một công trình nhà vệ sinh, công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch xây dựng.
Bộ trưởng Xây dựng:
Không còn 'phạt cho tồn tại' công trình sai phép
Trong buổi thảo luận sửa Luật Xây dựng (năm 2019) , nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung nêu những bức xúc với các công trình xây dựng sai phạm hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: "Người dân xây nhà đổ một hai đống cát ở trước cửa là có lực lượng quản lý đô thị đến ngay. Thế nhưng công trình lớn sai phạm thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu khi thẩm quyền có thì trách nhiệm quản lý như thế nào?".
Bà cũng đặt một loạt câu hỏi về trách nhiệm của những người có thẩm quyền đã tiếp tay cho sai phạm này với đại diện Bộ Xây dựng, phải nêu rõ trách nhiệm của các chủ thể trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Giải trình những vấn đề trên Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, Nghị định 139 từ 1.1.2018 đã không cho phép việc "phạt cho tồn tại".
"Nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định", ông Hà nhấn mạnh.