Phá sản hồ tiêu, người nông dân thêm một cái Tết buồn
Tuốt những chiếc lá cuối cùng trên cây mai trước ngôi nhà cửa đóng im ỉm để chuẩn bị đón Tết, ông Võ Hoài Nhơn (thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) không dấu được nỗi buồn khi năm hết Tết đến số nợ vay ngân hàng vẫn chưa biết trả bằng cách nào… Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều hộ dân Chư Pưh, Chư Sê (Gia Lai), nạn nhân của cơn lốc hồ tiêu cách đây 3-4 năm…
Tiêu tan giấc mơ làm giàu
Những vườn hồ tiêu héo khô, những cột tiêu chất đống, đây đó là vườn chanh dây xanh mướt trên dàn được tận dụng từ các cột tiêu, hay mít Thái chen giữa cột tiêu, cũng những tấm biến treo bán đất, là hình ảnh chúng tôi bắt gặp trên đường về Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai)
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tích Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê nhớ lại thời hoàng kim của cây tiêu khi giá đỉnh điểm lên tới 260 nghìn/kg vào năm 2015. “Nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu. Thu được bao nhiêu lại đổ tiền ra mua đất trồng tiêu…”- Ông Bính nói.
Nhưng giờ thì tiêu chết nhanh chết chậm, giá tiêu xuống dốc không phanh, chỉ còn 40- 45 nghìn đồng/kg. Nhiều gia đình phá sản, bỏ xứ đi làm ăn xa với món nợ khổng lồ.
Chị Hoàng Thị Bé (nhân vật đã đước đổi tên) (Thôn Hòa Bình, Thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) rầu rầu cho biết cả chồng và con trai lớn, người vào TPHCM, người vào Đà Nẵng để đi làm thuê. Hiện chỉ còn 3 mẹ con ở nhà. “Tiền ăn còn không đủ lấy đâu trả nợ?”- Chị Bé cho biết.
Từ 1 ha đất trồng tiêu, thắng lớn trong mùa tiêu 2015, gia đình chị Bé đã đổ ra mua thêm 2 ha đất tiếp tục trồng tiêu, thậm chí còn vay thêm ngân hàng để đầu tư… Khi đó giá 1ha đất trồng tiêu lên tới tiền tỷ không có mua… Giờ thì số nợ ngân hàngcủa gia đình chị đã lên tới 1 tỷ đồng chưa kể lãi. Chị Bé cho biết 2 năm nay nhà chị không có khả năng trả lãi chứ chưa nói đến gốc.
“Ngày ấy không ai ngồi yên. Đồng bào dân tộc còn đỡ chứ người Kinh mình đổ xô đi làm tiêu. Vay tiền ngân hàng cũng dễ. Thậm chí khi đó vay 10 tỷ đồng cũng được…”- Ông Nguyễn Văn Tám, thôn Phú An, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, Gia Lai nhớ lại. Ông bảo gia đình ông còn may vì nợ ngân hàng mới có 750 triệu đồng, chứ nhiều nhà đang nợ tiền tỷ bỏ xứ đi làm thuê hết rồi. Đau nhất mấy đứa con của ông đang làm nhà nước bỏ ra trồng tiêu giờ đâm nhỡ nhàng.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Tám nói rằng cũng tại mình tham vọng quá nên phải chịu, nhưng tội nhất là những người vay ngân hàng đầu tư về sau, chưa kịp thu được đồng nào thì tiêu chết trắng vườn…
Trồng gì cùng nơm nớp lo…
Theo Phó Chủ tích Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, ông Hoàng Phước Bính, không giống như các loại cây khác, tiêu là loại cây không dễ trồng, và khi đã bị sâu bệnh khì không có gì cứu vãn được. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chết, người thì bảo do người dân trồng bằng bầu để giữ nước mùa khô nhưng khi mùa mưa đọng nước, cây chết từ rễ; người thì bảo do được giá nên nông dân bón nhiều đạm để thúc năng suất (từ trung bình 3-4 kg/cây lên 6-8kg/cây) nên thừa đạm tiêu chết… Song dù nguyên nhân nào thì cùng với giá tiêu xuống đáy và tiêu chết nhanh chết chậm đang làm nhiều người nông dân khốn đốn…
Tiếp chuyện chúng tôi, chị Bé cho biết, ngoài nhiệm vụ ở nhà lo cho 2 đưa con còn đang đi học chị còn phải chăm vườn cà phê. “Trồng vậy nhưng cũng không biết đầu ra như thế nào… Nhưng chẳng lẽ để đất không?”- Chị Bé hoang mang. Còn vườn tiêu chết chậm, chị Bé cho biết cũng để tiêu tự chết chứ không chăm bón gì vì chỉ công thu hoạch cũng không đủ bù số tiêu còn lại trên cây chứ chưa nói phân thuốc..
May mắn không vay tiền ngân hàng, song ông Võ Văn Tý (thôn Phú An, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, Gia Lai) đau xót nhắc đi nhắc lại: “Tôi phá sản rồi!”. Ông bảo ông mất hơn 2 tỷ đồng vì tiêu, giờ thì không còn gì để sống. Nhưng chả lẽ để 3 ha đất không? Bán đất không ai mua nên lại đâm đầu trồng cây ăn quả mà cũng không biết đầu ra. Ông trồng chanh dây, bơ, sầu riêng, mít Thái…, tất cả chưa cho thu hoạch nhưng nơm nớp lo khủng khoảng thừa. “Không khéo lại ôm nhau chết như cây tiêu…”- ông lo lắng.
Ôm số nợ hơn 300 triệu đồng, ông Võ Hoài Nhơn (thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cho biết, ông đã treo biển rao bán đất hơn 1 năm nay nhưng chỉ duy nhất có 1 người hỏi rồi cũng không thấy quay lại. Vừa trở về từ Bà Rịa Vũng Tàu, ông Nhơn đang chuẩn bị chuẩn bị cho một cái Tết đang cận kề với hy vọng Tết này bán được mảnh đất để trang trải nợ nần….
Hóng chồng và con trai đi làm xa về ăn Tết, chị Hoàng Thị Bé cũng không dấu nổi lo lắng bởi Tết này chắc còn khó khăn hơn Tết năm trước...
Trao đổi với PLVN, ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết, quy hoạch trồng tiêu của Gia Lai đến năm 2020 là 6.000 ha, tuy nhiên thời đỉnh điểm, diện tích trồng tiêu trên toàn tỉnh đã lên tới 16.300 ha (sản xuất nông hộ chiếm 97,4%, doanh nghiệp 2,6%), trong đó chỉ có 64 ha tiêu được cấp chứng chỉ. Đến nay diện tích trồng tiêu bị chết đã chuyển sang trồng cà phê, cây ăn quả khác (chanh dây, sầu riêng, bơ, dứa…) là trên 5.000 ha.
Đại diện Sở NN&PTNT Gia Lai chia sẻ: “Khi giá tiêu lên cao, người dân đổ xô trồng tiêu, cán bộ xuống can ngăn, cảnh báo cũng không được…”. Hiện theo Sở NN&PTNT Gia Lai, giá cà phê tương đối ổn định, tuy nhiên, việc người dân lại ồ ạt trồng cây ăn quả, đặc biệt là chanh dây, nguy cơ sẽ như cây tiêu bởi bệnh trên cây chanh cũng bắt đầu có hiện tượng như cây tiêu trước đây.
Theo cán bộ Sở NN&PTNT Gia Lai, đầu tư chanh dây đơn giản, 6 tháng có thu và cây cho thu hoạch trong 3 năm liên tục, năng suất 60 tấn/ha/năm, giá có lúc lên đến 40.000 đồng/kg. Hiện giá chỉ 10.000-12.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lãi. Hiện diện tích chanh dây là 2.100ha, trong khi Quy hoạch đến 2020 là 3.000ha..