'Phá sản' nguyên tắc dạy con

Dạo này anh chị thường xuyên tranh cãi, người khơi mào luôn là chị: 'Anh nhớ cái Quyên bạn tôi không? Chồng nó ngày nào cũng đến trường đón con, về đến nhà là giục con đi tắm, lại còn biết cắm nồi cơm giúp vợ.

Chưa hết đâu, ăn cơm xong lại ngồi kèm con học bài. Đấy, cái Quyên sướng thế!"

Những lúc bị vợ mang ra so sánh, chế giễu, anh đốp chát ngay: "Thế thì cô cũng phải xem lại địa vị của tôi với anh ta đi nhé. Ở cơ quan tôi là sếp hẳn hoi, thằng Bi nhà mình luôn tự hào về bố nó đấy. Chắc chắn sau này nó cũng sẽ phấn đấu để được bằng tôi, thậm chí hơn cả tôi. Cô cứ chờ đấy mà xem".

Không chấp nhận được kiểu lý sự cùn của anh, chị càng to tiếng: "Ờ hay nhỉ! Bố nó cứ làm sếp thì con cái tự khắc ngoan được à? Chưa bao giờ tôi thấy anh đụng tay vào cái chổi quét nhà nên cũng không mong có ngày anh cắm nồi cơm hay tắm cho con đâu. Nhưng ít nhất anh cũng phải kèm thằng Bi học hành tử tế đi chứ, sắp lên cấp 2 đến nơi mà suốt ngày cắm mặt vào máy chơi điện tử".

"Thôi được rồi, bây giờ tôi sẽ quan tâm hơn đến thằng Bi. Nhưng cách dạy của tôi sẽ rất khoa học chứ không tùy hứng như cô đâu. Cô cũng mắc phải sai lầm như nhiều bà mẹ khác, cứ nghĩ rằng dạy con càng nguyên tắc càng tốt, không nhân nhượng mới có thể khiến con ngoan, nhưng cô có biết biện pháp này rất nực cười không?"

Vừa nói anh vừa cầm iPad lên, sau vài thao tác tìm kiếm, anh vỗ đùi đen đét: "Đây nhá! Các chuyên gia nước ngoài cũng khẳng định, việc quát mắng thường xuyên sẽ không làm con cái trở nên nghe lời hơn. Đôi khi nó còn phản tác dụng khiến chúng lì lợm và không thèm để ý đến điều bố mẹ nói. Ngược lại, khen ngợi, động viên con lại là một cách dạy mang đến hiệu quả tích cực".

"Thôi thôi! Anh đừng mượn lời chuyên gia để dạy đời tôi nữa. Tôi không dạy con theo kiểu tùy hứng như anh nghĩ đâu. Ngày xưa ông bà ngoại thằng Bi nghiêm khắc với tôi thế nào thì bây giờ tôi cũng dạy thằng Bi theo cách đó. Thương cho roi cho vọt, tôi luôn tin vào cách dạy truyền thống, anh cứ ngồi đấy mà hóng lời khuyên chuyên gia ở bển".

Không muốn nghe thêm lời mỉa mai nào của chị, anh đành buông xuôi: "Thôi được rồi, tôi có ý này, thay vì ngày nào cô cũng phải dọa dẫm, quát nạt thằng Bi thì bây giờ cô lập thời gian biểu cụ thể cho nó rồi treo lên tường, tôi sẽ có trách nhiệm nhắc nhở thằng bé ăn, chơi, học, ngủ, nghỉ... đúng giờ. Mình sẽ có thưởng nếu nó thực hiện tốt và sẽ phạt nếu nó phá vỡ nguyên tắc. Thế có phải đơn giản hơn bao nhiêu không".

Không muốn kéo dài cuộc tranh luận nhức đầu này nữa nên chị đồng ý ngay: "Ok! Tôi soạn thời gian biểu cho nó xong thì anh in ra rồi treo lên tường, áp dụng ngay từ tối hôm nay nhé!"

Quả nhiên, từ ngày áp dụng thời gian biểu cho con, chị cảm thấy cuộc sống được cải thiện hơn hẳn, ít ra thì mỗi tối chị không phải hò hét thằng bé ngồi vào bàn học bài, cũng không phải cằn nhằn anh vì cái tội thờ ơ với con cái. Chị còn có thêm thời gian cho bản thân. Trong lúc anh ngồi kèm con học bài thì chị có thể nằm dài trên sofa vừa xem tivi vừa tranh thủ đắp mặt nạ. Chị rất hài lòng vì các thành viên trong gia đình đang thực hiện theo những nguyên tắc của mình. Những tưởng cuộc sống êm đềm theo lập trình của chị cứ mãi diễn ra như thế...

Một hôm chị đi làm về, vừa mở cửa đã choáng váng vì chứng kiến cảnh thằng Bi đang nằm vắt chân chữ ngũ trên sofa, ngực áo dính đầy thức ăn, tay hí hoáy bấm điện thoại: "Bi! Ai cho mày chơi điện tử hả? Bố mày đâu rồi? Giờ này là giờ học hay giờ chơi?". Thằng Bi bất ngờ bị quát, mặt mũi ngơ ngác. Chị nhìn lên tường, quắc mắt: "Thời gian biểu đâu rồi? Mày tưởng giấu được thời gian biểu thì được phép lách luật hả?". Thằng Bi lúc này mới lắp bắp: "Bà... bà... nội mới lên chơi, bà bảo thời gian biểu này chỉ dành cho gà công nghiệp nên bà bóc xuống rồi mẹ ạ!"

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/pha-san-nguyen-tac-day-con-JoQlo6EMg.html