Phà Star Ferry ở Hong Kong (Trung Quốc) có nguy cơ ngừng hoạt động
Vừa qua công ty vận hành phà Star Ferry tiết lộ, hiện nay công ty đã rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu, và có thể đến năm 2047 cũng không thể trả hết nợ.
Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) là một trong những thành phố có hệ thống phương tiện giao thông đa dạng nhất toàn cầu, trong đó phà Star Ferry nối đảo Hong Kong và Cửu Long là một trong những thương hiệu mang tính biểu tượng.
Tuy nhiên, vừa qua công ty vận hành phà Star Ferry tiết lộ, hiện nay công ty đã rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu, và có thể đến năm 2047 cũng không thể trả hết nợ.
Theo số liệu hai tháng đầu năm 2022 vừa được Công ty Star Ferry công bố, lượng khách vận chuyển hai tuyến độc quyền là 1 triệu lượt người, chỉ bằng 27% của cùng kỳ năm 2019.
Đại diện Star Ferry cho biết, Hong Kong đã trải qua sự biến động kéo dài 30 tháng kể từ tháng 6/2019, trong thời gian này công ty lỗ hơn 70 triệu HKD (8,9 triệu USD).
Chow Cheuk Yin, tân Tổng giám đốc của Star Ferry cho biết, khoản lỗ khổng lồ đã vượt xa tổng tài sản của công ty và công ty đã rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu, hiện nay chỉ có thể hoàn toàn dựa vào vay nợ để trang trải chi phí vận hành hàng ngày.
Chow Cheuk Yin sử dụng cụm từ “hầu như bế tắc” để hình dung tình trạng khó khăn nghiêm trọng của công ty, thậm chí không thể trả lương cho nhân viên.
Trong tình cảnh khó khăn hiện nay, liệu Star Ferry có ngừng hoạt động hay không? Liệu Star Ferry có rút khỏi vũ đài lịch sử như nhà hàng nổi Jumbo Kingdom trước đó hay không?
Đương nhiên mọi người không muốn nhìn thấy điều này, nhưng Chow Cheuk Yin nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh hiện nay và các yếu tố tổng hợp khác đang đặt ra thách thức rất lớn đối với hoạt động, công ty đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa “bảo tồn giá trị lịch sử, ký ức tập thể” và hiện thực.
Nếu duy trì dịch vụ, công ty không có lựa chọn nào khác, nhưng có thể các khoản nợ đến năm 2047 vẫn không trả được hết.
Hiện trạng u ám, nhiều chuyến phà trống qua lại trong đêm
Theo các phương tiện truyền thông Hong Kong, thủy thủ đoàn của Star Ferry cho biết, số người đi phà hiện nay còn gọi là tạm được so với trước thời điểm giảm chuyến ngày 11/3. Trước ngày 11/3, thường có phà trống qua lại hai bên cảng Victoria
Hiện nay, phà chỉ mở cửa phục vụ tầng trên, ngay cả khi mỗi chuyến đều kín chỗ và tất cả hành khác là người lớn phải trả tiền, thì tổng doanh thu mỗi chuyến cũng chỉ 200 HKD.
Theo phản ánh của hành khách, hiện nay mặc dù tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, nhưng trong điều kiện thời gian không eo hẹp sẽ chọn Star Ferry để đi lại, lý do là “không gian cởi mở, thoáng mát, tương đối an toàn so với xe bus và tàu điện ngầm”.
Do đó, tuy có không ít người chủ ý ưu tiên chọn Star Ferry trong thời gian này, nhưng sự hỗ trợ kiểu này cũng chỉ là "muối bỏ biển".
Tuy nhiên so với công năng và sức chuyên chở của Star Ferry, đối với Hong Kong và những người sinh sống lâu năm ở thành phố này, Star Ferry còn là một biểu tượng và là một tình cảm.
Có hành khách thẳng thắn nói rằng “sẽ tiếp tục đi phà nếu giá vé tăng trong thời gian tới”, hy vọng Star Ferry sẽ không rút khỏi vũ đài lịch sử do khó khăn gây nên từ dịch bệnh.
Cao điểm phục vụ 2 triệu lượt khách/tháng
Đừng nhìn vào sự khác biệt giữa sự nhỏ bé và nhịp độ của Star Ferry với tốc độ chóng mặt của Hong Kong, trong những năm tháng thanh bình nó là lựa chọn giao thông rất được yêu thích.
Theo dữ liệu lịch sử của Cơ quan giao thông vận tải Hong Kong, trong thời gian 2017-2018, lượng khách của Star Ferry duy trì ở mức 1,3 triệu lượt người/tháng, lúc cao điểm đạt 2 triệu lượt khách/tháng.
Tình hình hoạt động của Star Ferry bắt đầu xuống dốc từ nửa cuối năm 2019, do ảnh hưởng tiêu cực từ các phong trào xã hội Hong Kong thời điểm đó, khách du lịch giảm mạnh khiến cho số lượng khách đi phà trong tháng 8 cùng năm giảm xuống dưới ngưỡng 1,2 triệu lượt, mặc dù sau đó lượng khách tăng trở lại, nhưng chưa thể quay trở lại con số 2 triệu lượt người/tháng.
Sau khi dịch bệnh bùng phát, cùng với việc liên tục thắt chặt các biện pháp phòng dịch, khách du lịch giảm và phần lớn người dân thành phố bắt đầu làm việc tại nhà, lượng khách năm 2020 của Star Ferry chỉ dao động từ 500-800 ngàn lượt người/tháng.
Cùng với tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng trong thời gian gần đây, lượng khách trong hai tháng đầu năm 2022 chỉ ghi nhận mức 1,02 triệu lượt, trung bình 510 ngàn lượt người/tháng.
Ra đời năm 1898 và được đưa vào danh sách “50 cảnh đẹp phải đến trong đời”
Trong mắt những người Hong Kong chú trọng tình cảm và lễ nghi, Star Ferry tuyệt đối không phải là một phương tiện giao thông, nó là một công ty phà biển lâu đời và nổi tiếng của Hong Kong.
Có thể truy nguyên lịch sử về năm 1880, khi đó một giáo đồ Bái hỏa giáo người Ba Tư có tên là Dorabjee Naorojee Mithaiwala đã thành lập “Công ty phà Cửu Long”, đồng thời khai trương dịch vụ phà chở khách bằng tàu hơi nước có tên gọi “Hyosung”.
10 năm sau đó, doanh nhân Sir Catchick Paul Chater người Armenia mua lại toàn bộ phà, đồng thời chính thức thành lập Công ty Star Ferry vào tháng 5/1898.
Bắt đầu từ năm 1898, Star Ferry chính thức cung cấp dịch vụ ở hai bờ cảng Victoria. Star Ferry là hồi ức của vô số người dân Hong Kong và khách du lịch, năm 2009 nó được Tạp chí du lịch địa lý quốc gia xếp vào danh sách “50 cảnh đẹp phải đến trong đời”.
Dịch bệnh khiến rất nhiều ngành nghề rơi vào tình cảnh tuyệt vọng, nếu Star Ferry cũng phải ngưng hoạt động vì lý do này, thì sự biến mất của một trong những phương tiện chuyển tải hồi ức tập thể mang tính biểu tượng của Hong Kong sẽ là một điều tiếc nuối và ray rứt của mọi người./.