Phá tan những điểm nghẽn, tạo ra động lực mới để đầu tàu TPHCM tăng tốc
Thành phố Hồ Chí Minh được ví như đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng thời gian qua, đầu tàu ấy đang chậm lại. Do đó cần khẩn trương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo đột phá, động lực mới để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển.
Nghiên cứu cơ chế đặc thù tiếp tục phát triển thành phố Hồ Chí Minh
Chiều 19/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nghe báo cáo bước đầu về Đề án Xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội).
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm, đầu tàu kinh tế của cả nước. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, trên cơ sở tổng kết thực hiện của Thành phố, báo cáo của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 và thông qua Nghị quyết số 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 trong đó gia hạn cho Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 đến hết 2023.
Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong quá trình tổng kết Nghị quyết 54/2017/QH14 và thực hiện Nghị quyết số 76/2022/QH15 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng các cơ quan hữu quan đã tổ chức nghiên cứu công phu, đề xuất cơ chế chính sách mới để tiếp tục thí điểm để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, phát triển Thành phố nhanh và bền vững hơn nữa, xứng đáng vị trí, vai trò, tiềm năng của Thành phố.
“Gạn đục khơi trong”, xem xét, cân nhắc để có đề xuất lựa chọn chính sách phù hợp
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tiếp tục phát huy cách làm chủ động, từ sớm, từ xa, Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để nghe báo cáo bước đầu về vấn đề này để cùng trao đổi sớm, lắng nghe ý kiến, “gạn đục khơi trong” để xem xét, cân nhắc để có đề xuất lựa chọn chính sách phù hợp.
Thực tiễn triển khai công việc, giải quyết nhiều vấn đề cho thấy có những vấn đề qua thảo luận từ sớm đã có được những chính sách mới hơn, nhiều hơn, mạnh mẽ hơn so với dự kiến ban đầu.
Do đó, trên tinh thần tích cực, khẩn trương, mặc dù Chính phủ chưa hoàn thiện hồ sơ, tờ trình chính thức song Đảng đoàn Quốc hội đã giao Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan chủ động nghiên cứu sớm, nghiên cứu trước về nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý dự kiến các nội dung chính sách đề xuất, xem xét là rất nhiều, phạm vi chính sách rộng, vấn đề đặt ra là làm thế nào để hiệu quả cao nhất.
Theo Chủ tịch Quốc hội, lần này Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đề xuất 3 nhóm chính sách. Nhóm 1 là những chính sách đã có và đã triển khai theo Nghị quyết 54/2017/QH14 mà qua tổng két thấy có tác dụng tốt đề xuất tiếp tục được triển khai thực hiện.
Nhóm 2 là một số chính sách không có trong Nghị quyết 54/2017/QH14 nhưng gần đây, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định cho thí điểm thực hiện ở một số địa phương.
Nhóm 3 là những cơ chế, chính sách mới mà trong luật chưa có quy định hoặc pháp luật có quy định khác do đó cần thí điểm.
Đối với nhóm chính sách mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều quan trọng là làm rõ sự cần thiết và đánh giá tác động.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đại diện Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo làm rõ quá trình nghiên cứu, cách thức nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu đề xuất chính sách. Các bộ ngành làm rõ quan điểm của mình theo từng lĩnh vực phạm vi phụ trách.
Cần có Nghị quyết mới tạo điều kiện cho TPHCM khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển trở lại
Báo cáo tóm tắt việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 với các nhóm chính sách về quản lý đất đai, quản lý đầu tư; quản lý tài chính-ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý nhằm cụ thể hóa một số chủ trương của Bộ Chính trị về cơ chế chính sách thí điểm nhằm tạo động lực phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả.
Tuy nhiên về cơ bản việc tổ chức thực hiện chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là cơ chế chính sách để Thành phố có thể huy động được nguồn lực, mà dư địa còn rất lớn cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Mặt khác, thời gian để thực hiện các cơ chế chính sách do Nghị quyết 54/2017/QH14 là chưa đủ để đánh giá toàn diện về hiệu quả do các chính sách đem lại.
Trong 05 năm thực hiện thí điểm, Thành phố Hồ Chí Minh đối diện với nhiều thách thức mới ngày càng gia tăng. Bối cảnh quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đặc biệt là kinh tế thế giới, cục diện chính trị và đại dịch COVID-19. Nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn sau 5 năm triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 cần phải được thể chế hóa thành các cơ chế, chính sách mới.
Do đó, đòi hỏi cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, tạo điều kiện cho Thành phố Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển trở lại.
Đồng thời kế thừa và tích hợp tất cả các cơ chế chính sách mà Thành phố cần Trung ương quan tâm hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước. Việc ban hành cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh phát huy vai trò, tiềm năng và gắn trách nhiệm của Thành phố Hồ Chí Minh đối với cả nước.
Tập trung giải quyết các điểm nghẽn, vướng mắc thể chế; tăng cường phân cấp, phân quyền cho TPHCM
Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố xác mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư.
Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thành phố đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương, tạo cơ chế để Thành phố thực hiện linh hoạt việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền trong nội bộ Thành phố tương xứng với yêu cầu và khối lượng công việc được giao.
Xây dựng các cơ chế nhằm giải phóng các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tự nước ngoài và đầu tư tư nhân, tham gia vào phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch của Thành phố.
Theo đó, Thành phố có đề xuất các cơ chế liên quan lĩnh vực và nội dung về quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa xã hội và trật xã hội; các chính sách ưu đãi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững; về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố Chí Minh; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính thành phố Thủ Đức.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh đến việc đề xuất các cơ chế, chính sách mới của Thành phố Hồ Chí Minh với tinh thần “dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung vì sự phát triển chung”.
Do đó, mong muốn trong quá trình xây dựng các cơ quan hữu quan cùng tham gia góp ý để có đề xuất các chính sách nhằm đáp ứng mục tiêu đề ra; khẳng định, Thành phố sẽ nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc để sớm hoàn chỉnh hồ sơ, dự thảo để có thể trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất những chính sách thực sự đột phá, tạo động lực cho TPHCM phát triển
Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường báo cáo ý kiến bước đầu về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đại biểu, lãnh đạo các Bộ, ngành đã cho ý kiến, làm rõ quan điểm của mình theo từng lĩnh vực phạm vi phụ trách về các nội dung đề xuất chính sách của Thành phố cũng như cho ý kiến về việc về quy trình thủ tục, cách làm.
Các ý kiến đều đánh giá cao nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Đề án, các nội dung trong đề án đã đánh giá, tổng kết toàn diện kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, làm rõ những điểm cần tiếp tục phát huy, những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và rút ra bài học kinh nghiệm.
Trên cơ sở đó đánh giá các thách thức kinh tế - xã hội của Thành phố và nhận diện đầy đủ, toàn diện các nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển, từ đó đề xuất cụ thể, toàn diện các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng phạm vi cơ chế đề xuất thí điểm lần này có đặc thù rộng, nhiều nội dung quan trọng, bao quát nhiều lĩnh vực đòi hỏi cần phải được đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng.
Có ý kiến đề nghị Thành phố tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có các nhóm chính sách có trọng tậm, trọng điểm, thực sự đột phá để tạo động lực cho Thành phố phát triển.
Đầu tàu kinh tế của cả nước đang chậm lại
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cảm ơn Bí thư Đảng đoàn, Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Quốc hội và các cơ quan đã dành quan tâm ủng hộ cho Thành phố.
Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến góp ý tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng các ý kiến phát biểu thể hiện trách nhiệm cao với Thành phố, đều đã nhìn thấy tiềm năng, cơ hội để tổ chức thực hiện một số vấn đề vừa đảm bảo thử nghiệm cơ chế mới, vừa tháo gỡ vướng mắc cho đầu tàu kinh tế của đất nước.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ, Thành phố Hồ Chí Minh được ví như đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng thời gian qua, đầu tàu ấy đang chậm lại.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, ở đây có trách nhiệm của chính Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cũng có phần do những điểm nghẽn khi mà đầu tàu ấy không thể vượt qua được vướng mắc của thể chế, của hạ tầng bất cập, nhân lực quá tải...
"Thực trạng đó khiến lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nóng lòng, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước càng nóng lòng hơn", đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Với mong muốn tiếp tục phát triển, mong muốn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khi Thành phố không thể tự mình giải quyết đã đề xuất với cấp trên với tinh thần có sự khuyến khích, bảo vệ người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Trước yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, thời gian qua, Thành phố đã tích cực phối hợp với các cơ quan để chuẩn bị, tham mưu trình cấp có thẩm quyền và mong muốn sớm trình Quốc hội cho phép Thành phố những quyết sách mạnh mẽ kịp thời.
Xây dựng đề án là cấp bách
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ghi nhận các ý kiến sát thực với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết buổi làm việc này là dịp để lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh và các ý kiến góp ý cụ thể giúp cho quá trình làm thuận lợi và nhanh hơn.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực, chủ động, tích cực của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong tập trung công sức, chuẩn bị công phu đề án, dự thảo.
Khẳng định sự cần thiết và cấp bách của Đề án về xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là nội dung nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với Thành phố Hồ Chí Minh, giúp cho Thành phố củng cố các động lực tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững hơn nữa theo tinh thần “Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh”.
Phân rõ 4 nhóm chính sách
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, ngoài chủ trương chung theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội đã giao nhiệm vụ về sớm nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với đó là Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Do đó, trong quá trình xây dựng Đề án cần hệ thống hóa, quán triệt được các quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo lớn này. Đồng thời, tập trung vào nhóm các chính sách lớn có trọng tâm trọng điểm và thực tế đang có nhiều vướng mắc, điểm nghẽn.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, các chính sách được đề xuất cần được phân nhóm theo hướng.
Một là các chính sách đã được quy định trong Nghị quyết 54/2017/QH15 mà qua tổng kết nhận thấy vẫn còn có ý nghĩa và cần thiết được thực hiện, có sự cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện tại.
Hai là các nhóm chính sách đã được cho phép thí điểm thực hiện ở các tỉnh/thành khác trong đó có điều chỉnh để phù hợp với Thành phố Hồ Chí Minh.
Ba là nhóm chính sách được đề ra để sửa đổi, bổ sung các luật hiện nay như Luật Đất đai để cho phép Thành phố được thực hiện sớm hơn.
Bốn là những nhóm chính sách mới riêng biệt cho Thành phố.
Ủng hộ tối đa vì sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ tinh thần ủng hộ tối đa vì sự phát triển của Thành phố, đồng thời lưu ý rằng dù là đề xuất thí điểm nhưng phải có sự đồng thuận, thống nhất cao trong Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố, có sự ủng hộ của các bộ ngành và toàn hệ thống chính trị để tạo đà và khí thế khi triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các chính sách phải mang lại những lợi ích trước mắt và lâu dài, tạo đột phá kiến tạo cho sự phát triển, đổi mới sáng tạo.
Trong đó, mỗi chính sách cần xác định rõ các nội hàm và thẩm quyền, rõ giới hạn các quyền, khung phạm vi, phân cấp ủy quyền nhưng cũng phải đi kèm với điều kiện đảm bảo thực hiện cũng như có cơ chế hậu kiểm để kiểm tra, đánh giá. Đây là nội dung cần được thiết kế quy định một cách chặt chẽ trong nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị dự thảo Nghị quyết cần đề cấp rõ về các đề án triển khai cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ như đề xuất chính sách về hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch thì khi tổ chức thực hiện, Thành phố cần ban hành Đề án để tổ chức thực hiện chính sách này để xác định rõ các đối tượng được hưởng chính sách, không áp dụng tràn lan để bảo đảm tính chất thí điểm có kiểm soát.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tích cực triển khai các nhiệm vụ đề ra; cho biết các cơ quan của Quốc hội luôn sẵn sàng phối hợp tích cực với các bên trong quá trình xây dựng Nghị quyết, cố gắng, phấn đấu sớm trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).