Phá vỡ 'cánh cửa thép' bảo vệ căn cứ quân sự Đà Nẵng của địch

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (tháng 1-1973), Mỹ-ngụy Sài Gòn không thi hành nghiêm chỉnh hiệp định, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu công khai khẩu hiệu '4 không': Không có hòa bình, không có ngừng bắn, không có giải pháp chính trị, không có tổng tuyển cử. Tại Quảng Nam, từ cuối năm 1973, địch tập trung lực lượng tương đối lớn, tiến hành lấn chiếm trên nhiều địa phương, nhưng quân ta vận dụng nghệ thuật tác chiến linh hoạt đã phá vỡ hoàn toàn 'cánh cửa thép' bảo vệ vòng ngoài căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng của địch.

“Quyết chiến điểm” nhằm tạo đột phá chiến lược

Cụm cứ điểm Nông Sơn nằm ở phía Tây huyện Quế Sơn, nơi tiếp giáp giữa hai con đường 104, 105, cách Đà Nẵng 45km đường chim bay, do Tiểu đoàn 78 thuộc Liên đoàn biệt động biên phòng 14 của ngụy và một số đơn vị khác chiếm giữ để khai hỏa khu chiến I. Thời điểm năm 1974, địch đã bố trí phòng ngự ở Nông Sơn gồm một căn cứ trung tâm và 11 cứ điểm ngoại vi, trong đó đáng chú ý là đỉnh Cà Tang với độ cao có thể khống chế cả vùng.

Đối với cụm cứ điểm Thượng Đức, đây là một chi khu quận lỵ được Mỹ lập ra dưới thời Ngô Đình Diệm, nằm ở ngã ba sông Cái và sông Côn, trên Đường 14, cách Đà Nẵng 40km đường chim bay. Mỹ-ngụy đã xây dựng nơi đây thành một hệ thống quân sự hầm ngầm liên hoàn bằng bê tông cốt thép, kiên cố nhất trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng. Thượng Đức như "cánh cửa thép" kiên cố án ngữ phía Tây Đà Nẵng.

 Căn cứ Thượng Đức (Quảng Nam) do quân ngụy chiếm đóng đã bị quân ta tiêu diệt, tháng 8-1974. Ảnh tư liệu

Căn cứ Thượng Đức (Quảng Nam) do quân ngụy chiếm đóng đã bị quân ta tiêu diệt, tháng 8-1974. Ảnh tư liệu

Với vị trí quan trọng, được xây dựng, bố trí thành căn cứ kiên cố, phòng ngự chắc chắn, Mỹ-ngụy ví thế trận ở Nông Sơn-Thượng Đức như một “cánh cửa thép”; Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu kiêu hãnh gọi đây là “mắt ngọc của đầu rồng”; Tỉnh trưởng Quảng Nam lúc bấy giờ khẳng định đây chính là “cánh cửa thép bất khả xâm phạm”.

Mặc dù thế bố trí, phòng ngự của địch chặt chẽ, lực lượng tập trung đông, có xe tăng yểm trợ, song quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 (tháng 7-1973) của Đảng về “Tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam”, Thường vụ Khu ủy Khu 5 quyết tâm chỉ đạo đánh bại bình định lấn chiếm, tố cộng của địch, giành dân, giữ dân, mở quyền làm chủ, giữ vững và phát triển thực lực cách mạng.

Như vậy, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, hạ quyết tâm “quyết chiến điểm” với địch tại Nông Sơn-Thượng Đức là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Quân ủy Trung ương mà trực tiếp là Khu ủy Khu 5. Bởi nếu không quyết đánh và quyết thắng ở cụm cứ điểm này thì sẽ không tạo ra bước chuyển, tạo thế thuận lợi cho đợt hoạt động mùa khô 1974-1975.

Lựa chọn hướng tấn công trọng điểm, hiểm, sắc

Chọn Nông Sơn làm trận mở đầu then chốt. Trong tổng 5 khu chiến của Khu 5, ở Quảng Nam và Quảng Đà có 3 khu chiến: Nông Sơn-Trung Phước; Thượng Đức; Tây quận lỵ Quế Sơn. Vấn đề đặt ra là chọn khu chiến nào tấn công trước làm trận mở màn cho chiến dịch và phải bảo đảm chắc thắng.

Với tầm quan trọng của chiến dịch, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Nông Sơn, giải phóng toàn bộ khu vực Nông Sơn-Trung Phước, giành và giữ dân. Đêm 17-7-1974, quân ta nổ súng diệt chốt điểm Cà Tang và đến rạng sáng 18-7, ta đã quét sạch hệ thống chốt điểm của bảo an, dân vệ, tề điệp. Chiều cùng ngày, tất cả trận địa pháo của ta lại dồn dập nã đạn pháo vào cứ điểm địch, 17 giờ 30 phút ngày 18-7, quân ta hoàn toàn làm chủ Nông Sơn, khu vực Nông Sơn-Trung Phước được giải phóng.

Sau khi giành thắng lợi ở Nông Sơn-Trung Phước, Quân khu 5 tiếp tục nghiên cứu địa bàn, chọn mũi tiến công tiếp theo và quyết định tấn công vào Thượng Đức nhằm giải phóng và làm chủ chi khu quận lỵ Thượng Đức. Đây là nhiệm vụ bức thiết, vừa có tính chiến dịch tại chỗ, vừa có tính chiến lược lâu dài. 5 giờ ngày 29-7-1974, Sư đoàn 304 nổ súng tiến công Thượng Đức, quân ta nhanh chóng đánh xong các tiền đồn ngoại vi và tổ chức tiến công trung tâm quận lỵ. Địch chống trả quyết liệt, Trung đoàn 66 chủ công đánh trận này không thể đột kích vào trung tâm. Hai ngày sau, quân ta liên tiếp tổ chức 3 đợt tiến công nhưng vẫn không thành công, bộ đội bị thương vong nhiều, phải dừng lại giữ bàn đạp, chuẩn bị cho đợt tiến công mới.

Cuộc chiến đấu ở Thượng Đức diễn ra ngày càng quyết liệt. Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho Sư đoàn 304 tạm dừng tiến công để bổ sung, củng cố lực lượng, sắp xếp lại tổ chức, hoàn chỉnh hệ thống công sự trận địa; đồng thời rút kinh nghiệm đợt tiến công trước, phương châm tiến công chuyển sang “đánh chắc thắng”. Theo đó, ngày 6-8-1974, quân ta tiếp tục nổ súng tiến công Thượng Đức lần thứ hai và đã hoàn toàn làm chủ chi khu quân sự-quận lỵ Thượng Đức.

Linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo chiến dịch

Sự linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo chiến dịch được thể hiện rõ nét ở hai cứ điểm này. Ở Nông Sơn-trận mở màn chiến dịch, Quân khu 5 chủ trương “đánh nhanh, diệt gọn, thắng lợi giòn giã”. Khi tiến công Thượng Đức, thực hiện phương châm “vây chặt, đánh mạnh, dứt điểm trong thời gian ngắn” (dự kiến 1-2 ngày), ta sử dụng Trung đoàn 66 cùng các đơn vị pháo binh, súng máy phòng không để tiêu diệt đồn chính; Trung đoàn 3 đánh chiếm các mục tiêu ngoại vi, song qua tác chiến gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó, ta đã kịp thời điều chỉnh lực lượng, phương tiện, chuyển chiến thuật từ "đánh ngay thắng ngay" sang “bao vây đánh lấn”, chuyển hướng tiến công thứ yếu thành chủ yếu, chuyển từ đánh mạnh, dứt điểm nhanh sang đánh chắc, tiến chắc; từ hình thức vận động tiến công sang vây lấn kết hợp đánh địch co cụm.

Chiến thắng Nông Sơn-Thượng Đức là cơ sở thực tiễn để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương kết luận nhiều vấn đề: “Chủ lực cơ động của ta có khả năng đánh thắng chủ lực cơ động ngụy, lực lượng vũ trang địa phương của ta có khả năng đánh thắng quân địa phương của ngụy, thế trận của ta mạnh hơn thế trận địch”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng khẳng định: ... Một tình thế mới bắt đầu xuất hiện, địch không còn khả năng chiếm lại các vị trí đã mất, quân ta có đủ khả năng tiến công tiêu diệt địch trong công sự kiên cố, tiêu diệt cụm cứ điểm, chi khu, quận lỵ, giữ được mục tiêu, chiếm đất, giải phóng dân ngay ở vùng giáp ranh.

PHẠM ĐỨC KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/pha-vo-canh-cua-thep-bao-ve-can-cu-quan-su-da-nang-cua-dich-787170