Phác họa cuộc sống từ những thay đổi của CMCN 4.0

Những biến chuyển đang diễn ra nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội có thể được giải thích khi 'nhìn' từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc, cách thức giao tiếp,... của con người.

Bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là mang thế giới ảo và thực xích lại gần nhau. Ảnh minh họa: Internet.

Bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là mang thế giới ảo và thực xích lại gần nhau. Ảnh minh họa: Internet.

LTS:Hiện nay, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được xây dựng dựa trên nền tảng cuộc cách mạng số. Sự phổ biến của các công nghệ, như: vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây... đang xóa nhòa mọi ranh giới và giúp con người, sản phẩm và máy móc tự kết nối - giao tiếp với nhau.

Nhiều đánh giá cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 hàm chứa sự thay đổi lớn lao, không chỉ về kinh tế mà cả văn hóa, xã hội một cách toàn diện. Và đây là những thay đổi hiện hữu từ cuộc cách mạng này.

“4.0” với thị trường lao động

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hứa hẹn sẽ giúp gia tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới. Công nghệ giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, từ đó tăng hiệu quả và thỏa mãn cuộc sống cá nhân mỗi người. Tuy nhiên, như các nhà phân tích kinh tế đã chỉ ra, cuộc cách mạng này có thể tạo ra sự bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, lao động dư thừa sẽ làm gia tăng khoảng cách giữa lợi nhuận so với vốn và sức lao động. Mặt khác, xét về tổng thể, các công việc an toàn và thu nhập cao có thể sẽ gia tăng khi công nghệ thay thế sức lao động con người.

Trong tương lai, năng lực (chứ không phải nguồn vốn) sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất, dẫn đến sự gia tăng trong thị trường việc làm và ngày càng phân hóa theo hai nhóm: nhóm kỹ năng thấp/trả lương thấp và nhóm kỹ năng cao/trả lương cao. Điều đó tác động làm gia tăng những mâu thuẫn trong xã hội. Lịch sử cho thấy, các phong trào xã hội đấu tranh nhằm giải quyết những mâu thuẫn này đã tăng lên trong lòng các nước tư bản phát triển thời gian qua, ví dụ Phong trào chống Toàn cầu hóa; Phong trào chiếm phố Wall …

Vấn đề bất bình đẳng chịu sự tác động lớn từ CMCN 4.0. Những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự sáng tạo sẽ là những nhà cung cấp vốn tri thức và vốn tài chính, như các nhà sáng chế, cổ đông và nhà đầu tư. Điều đó lý giải sự gia tăng về khoảng cách giữa những đối tượng phụ thuộc vào vốn và những đối tượng phụ thuộc vào sức lao động. Công nghệ chính là một trong những nguyên nhân gây ra sự đình trệ, thậm chí sụt giảm thu nhập đối với phần lớn người dân tại các nước có thu nhập trung bình cao: nhu cầu sử dụng lao động tay nghề cao tăng trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động tay nghề, trình độ thấp giảm, hình thành thị trường việc làm có sự phân khúc mạnh trong nhu cầu tuyển dụng.

Thay đổi các doanh nghiệp và cả nền kinh tế

Trên thực tế, cuộc CMCN 4.0 đang có tác động lớn tới rất nhiều doanh nghiệp trong tất cả các nền công nghiệp. Sự xuất hiện của công nghệ hiện đại giúp tạo ra những phương thức hoàn toàn mới trong sản xuất và cung ứng dịch vụ, đồng thời tạo đột phá quan trọng trong chuỗi giá trị công nghiệp. Sự đột phá cũng đang xuất hiện từ những nhà cạnh tranh linh hoạt, sáng tạo - những người được hưởng lợi từ việc tiếp cận các phương tiện số toàn cầu để tiến hành nghiên cứu, phát triển, tiếp thị, bán hàng và phân phối. Thuận lợi đó giúp họ cải thiện chất lượng và giá cả phù hợp với giá trị của hàng hóa được phân phối, từ đó có thể cạnh tranh với các đối thủ lớn khác.

Những thay đổi lớn về nhu cầu diễn ra mạnh khi tính minh bạch ngày càng rõ ràng, sự tham gia của người tiêu dùng và những hành vi mới của người tiêu dùng (được xây dựng trên cơ sở tiếp cận mạng xã hội và dữ liệu di động) buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh phương thức thiết kế, tiếp thị, phân phối sản phẩm và dịch vụ.

Sự phát triển của các thiết bị dựa trên công nghệ, kết nối cung - cầu dần hình thành những kết cấu mới trong nền công nghiệp, phá vỡ kết cấu công nghiệp cũ. Thí dụ như, điện thoại thông minh giúp kết nối con người với tài sản và dữ liệu, từ đó tạo nên những phương thức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ hoàn toàn mới. Mặt khác công nghệ giúp hạ thấp rào cản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân tạo ra của cải, thay đổi môi trường cung ứng dịch vụ và giao tiếp xã hội cũng như nghề nghiệp, tính chất công việc của người lao động.

Nhìn nhận Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0, ông Lê Thanh Tâm (Tổng giám đốc Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG ASEAN) đánh giá: Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức bởi kinh tế Việt Nam giống một số nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nền sản xuất năng suất thấp, áp dụng khoa học công nghệ rất hạn chế, không có những tập đoàn, công ty thuộc top hàng đầu thế giới,.. Vậy nên Việt Nam không còn cách nào khác là nỗ lực tiếp nhận cuộc CMCN 4.0 này nhằm thay đổi đất nước.

Công nghệ hiện đại cũng tạo điều kiện di cư cho hàng triệu người từ các nước nghèo đến những nước giàu hơn, nơi họ có thể tìm thấy nhiều cơ hội cho bản thân và con cái họ. Trong những năm qua, với công nghệ mới, sản lượng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu tăng gấp bốn lần, giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo, không chỉ ở Trung Quốc, Ấn Độ mà còn ở Mỹ Latinh và châu Phi, vùng dưới sa mạc Sahara(2).

Tuy nhiên, những lợi ích của Cách mạng 4.0 không dành cho toàn bộ dân số toàn cầu. Tầng lớp lao động ở một số nước phát triển thấy việc làm của họ biến mất khi những công ty đưa việc làm ra nước ngoài và tận dụng triệt để nhằm đáp ứng với một thị trường cạnh tranh vô cảm trên toàn cầu.

Hệ lụy của những tác động từ cuộc CMCN 4.0 đã xuất hiện và trở nên trầm trọng khi cuộc khủng hoảng tài chính (cho vay dưới chuẩn) của Mỹ (2008) và cuộc khủng hoảng đồng euro xảy ra. Trong cả hai trường hợp đó, hệ thống do giới tinh hoa điều hành (tự do hóa thị trường tài chính ở Hoa Kỳ và các chính sách đồng euro ở châu Âu cũng như chính sách di cư tự do trong lục địa của Hiệp ước Schengen) sụp đổ trước cuộc “khủng hoảng nhập cư”. Đây chính là biểu hiện rõ nhất của những hệ lụy CMCN 4.0 với xã hội.

Chính trị không nằm ngoài “4.0”

Công nghệ và thiết bị hiện đại ngày càng cho phép người dân tiếp cận gần hơn tới chính phủ để nêu ý kiến, cùng phối hợp hoạt động, đồng thời các chính phủ sở hữu sức mạnh về công nghệ để tăng cường sự lãnh đạo dựa trên hệ thống giám sát rộng rãi và khả năng điều khiển hạ tầng số. Tuy nhiên, xét về tổng thể, các chính phủ sẽ phải thay đổi cách thức tiếp cận, quy trình ra quyết định khi vai trò của họ trong việc thực thi chính sách suy giảm trước sự xuất hiện của các nguồn cạnh tranh mới, sự phân phối lại và phân bổ quyền lực.

Các hệ thống chính sách công và quy trình ra quyết định hiện nay được phát triển cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp thứ hai. Toàn bộ quá trình này được vận hành trơn tru và có hệ thống theo mô hình chặt chẽ từ cao xuống thấp. Tuy nhiên, trước tốc độ thay đổi nhanh chóng và tác động sâu rộng của cuộc CMCN 4.0, mô hình hoạt động nêu trên đã không còn phù hợp, đặt ra cho các nhà lập pháp và điều hành cần có sự đổi mới để thích ứng. Hiện tượng Anh rút khỏi EU sau hơn 40 năm hội nhập (Brexit) vừa qua là minh chứng cho xu hướng này ở các nước phát triển.

Đối với chính trị quốc tế:Sự kiện Donald Trump thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ có thể lý giải theo cách lập luận trên.Phương thức chiến thắng của ông Trump hoàn toàn dựa vào cơ sở xã hội của phong trào vận động hành lang. Bản đồ phiếu bầu cho thấy, sự ủng hộ bà Hillary tập trung ở những thành phố dọc bờ biển, còn một dải rộng các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn lại bầu cho ông Trump. Những biến động đáng ngạc nhiên nhất là sự giằng co ở Pennsylvania, Michigan và Wisconsin - 3 tiểu bang công nghiệp phía Bắc từng liên tục bầu cho Đảng Dân chủ ở những cuộc bầu cử Tổng thống gần đây(3). Ông Trump thắng cử nhờ thuyết phục được các đoàn thể công nhân - những người bị thiệt hại bởi quá trình phi công nghiệp hóa, nhờ việc hứa hẹn "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" bằng cách khôi phục những việc làm đã mất cho các nhà máy.

Nhìn lại vấn đề Brexit, những người bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU, họ tập trung ở khu vực nông thôn và các thị trấn nhỏ. Điều đó cũng đã diễn ra ở Pháp, nơi mà các cử tri thuộc tầng lớp lao động, những người mà cha ông của họ đã bỏ phiếu cho Đảng Cộng sản hay Đảng Xã hội, thì nay họ đang bỏ phiếu cho Mặt trận Quốc gia của Marine Le Pen.

Ở nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin vẫn không nhận được nhiều sự ủng hộ trong giới cử tri có học ở các thành phố lớn như St. Petersburg và Moscow nhưng lại có một cơ sở ủng hộ rất lớn trong phần còn lại ở Liên bang Nga. Điều này cũng xảy ra với trường hợp của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - người được tầng lớp bảo thủ trung lưu thấp ủng hộ nhiệt tình, hay Thủ tướng Hungary Viktor Orban, được ủng hộ ở khắp mọi nơi trừ Budapest…

Với an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế

Các giai đoạn quá độ chuyển sang một cuộc cách mạng công nghiệp mới trong lịch sử thường xảy ra cuộc chiến tranh để phân chia lại quyền lực và lợi ích. Tuy nhiên, ở thế kỷ XXI, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ cùng quá trình toàn cầu hóa đã làm cho “chiến tranh trên quy mô lớn ít có khả năng xảy ra”. Vì vậy, mâu thuẫn, cạnh tranh giữa các cường quốc dù có căng thẳng đến đâu cũng khó có thể xảy ra chiến tranh, mà các nước này sẽ tìm cách thỏa hiệp với nhau để bảo vệ lợi ích của mình, hoặc đẩy mâu thuẫn, xung đột sang “vùng đệm” - “nước thứ ba” để thể hiện “sức mạnh mềm”, “sức mạnh thông minh” nhằm kích động chạy đua vũ trang và buôn bán vũ khí. Do vậy, các cuộc xung đột hiện nay giữa Mỹ, Nga với lực lượng IS; hay giữa Mỹ, NATO với Nga… đang ngày càng “lai tạp” về bản chất, kết hợp các kỹ năng chiến đấu truyền thống và các yếu tố có liên quan trước đó với các đối tượng phi nhà nước. Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa chiến binh và dân thường, thậm chí là giữa bạo lực và phi bạo lực (chẳng hạn như chiến tranh mạng) đang ngày càng trở nên mong manh.

Khi quá trình này diễn ra và các công nghệ mới như vũ khí tự động và vũ khí sinh học trở nên dễ dàng sử dụng hơn, từng cá nhân và các nhóm nhỏ sẽ sở hữu khả năng gây ra những tổn thương hàng loạt không thua kém các quốc gia. Tuy vậy, những tiến bộ về công nghệ cũng sẽ tạo ra tiềm năng giúp làm giảm quy mô và tác động của bạo lực bằng cách phát triển các phương thức bảo vệ mới.

Không có công nghệ hay sự đột phá nào nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Chúng ta cần nắm lấy cơ hội, những thành quả của giai đoạn quá độ sang cuộc CMCN 4.0 và hướng nó tới một tương lai phục vụ cho những mục tiêu và giá trị chung của nhân loại. Để làm được điều này, chúng ta phải có tầm nhìn toàn diện và thống nhất mang tính toàn cầu về cách thức công nghệ tác động tới cuộc sống cũng như định hình môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và con người.

Những giá trị của tương lai

CMCN 4.0 sẽ thay đổi không chỉ những gì chúng ta làm mà cả ngay chính con người chúng ta về nhân cách như: bản sắc văn hóa; sự riêng tư; ý thức về sự sở hữu, bảo vệ và tăng cường sức khỏe; cách thức sử dụng thời gian cho công việc, giải trí, phát triển sự nghiệp; trau dồi kỹ năng; hình thành và củng cố các mối quan hệ xã hội…

Điều đó đặt ra câu hỏi liệu sự hội nhập tất yếu của công nghệ trong cuộc sống có thể làm giảm một số phẩm chất tốt đẹp của con người, chẳng hạn như lòng thương cảm và sự hợp tác hay không? Mối quan hệ của chúng ta với các trang “mạng xã hội” là một ví dụ điển hình. Sự kết nối thường xuyên liên tục với “Twister” “Facebook”… có thể cô lập chúng ta khỏi thế giới thực tại của cuộc sống.

Một trong những thách thức mang tính cá nhân lớn nhất mà các công nghệ thông tin mang lại là sự riêng tư. Thông tin về cá nhân sẽ dễ dàng tra cứu và tìm kiếm vì được kết nối với các hệ thống điện tử. Tương tự, các cuộc cách mạng diễn ra trong lĩnh vực công nghệ sinh học và trí thông minh nhân tạo giúp xác định giá trị của con người bằng cách đưa ra những chuẩn mực về tuổi thọ, sức khỏe, nhận thức và năng lực. Chúng buộc chúng ta phải định hình lại những ranh giới về đạo đức và phẩm hạnh.

Thái Văn LongViện Quan hệ quốc tế (HVCTQG Hồ Chí Minh)

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/phac-hoa-cuoc-song-tu-nhung-thay-doi-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-120066.html