Phải bám sát phương án phòng, chống thiên tai

Tính từ đầu năm đến ngày 26/7, trên địa bàn huyện U Minh có 8 nhà dân bị sập hoàn toàn và 13 nhà khác bị tốc mái (tại Ấp 5 và Ấp 8, xã Khánh Hòa; Ấp 8, xã Khánh Tiến), thiệt hại tài sản hơn 1,2 tỷ đồng.

Biển Tây, đoạn huyện U Minh, sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Sở NN&PTNT cung cấp.

Biển Tây, đoạn huyện U Minh, sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Sở NN&PTNT cung cấp.

Trên địa bàn huyện Ðầm Dơi cũng xảy ra mưa dông, gây nên nhiều vụ sạt lở đất nguy hiểm ven sông. Tại xã Thanh Tùng có 3 vụ sạt lở đất xảy ra ven tuyến Kênh Mới (ấp Phú Hiệp A) vào sáng 25/7, tổng chiều dài sạt lở hơn 90 m, ước tính thiệt hại 92 triệu đồng. Tại xã Ngọc Chánh xảy ra 2 vụ sạt lở ven tuyến Nông Trường (ấp Tân Hùng) vào đêm 25/7, với tổng chiều dài là 54 m, ước tính thiệt hại 60 triệu đồng. Tại xã Tân Dân cũng có 1 vụ sạt lở đất ngay tuyến sông Ðầm Dơi diễn ra vào ngày 25/7, với tổng chiều dài 10 m, ước tính thiệt hại 80 triệu đồng... Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ðầm Dơi thông tin, từ đầu năm đến ngày 1/8, trên địa bàn huyện xảy ra 82 vụ thiên tai, trong đó có 69 vụ sạt lở đất, 9 vụ lốc xoáy và 4 vụ hỏa hoạn; ước thiệt hại hơn 3,6 tỷ đồng.

Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ đầu năm đến nay thiên tai đã khiến 110 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng (sập 48 căn; hư hỏng, tốc mái 62 căn), 80 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài hơn 2.100 m (trong đó có 531 m lộ bê tông). Riêng tình trạng mưa lớn liên tục gây ngập úng làm thiệt hại 575 ha lúa hè thu. Còn giai đoạn hạn hán những tháng đầu năm cũng làm sạt lở, sụt lún 730 vị trí với tổng chiều dài hơn 19.000 m..., thiệt hại về tài sản đã hơn 35 tỷ đồng.

Vừa qua, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời mưa lớn kéo dài, nhiều thửa lúa hè thu bị ngập sâu, không thể khắc phục được. Tính đến ngày 6/8, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời có hơn 614 ha lúa hè thu bị ngập úng. Trong đó, diện tích lúa ngập úng bị thiệt hại 70% là gần 290 ha; số còn lại thiệt hại từ 30-70%. Xã Khánh Bình Ðông là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất, với gần 400 ha.

Ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, nhiều thửa ruộng ngập nặng do mưa lớn.

Ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, nhiều thửa ruộng ngập nặng do mưa lớn.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Dựa vào đặc điểm của những loại thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã xây dựng 5 phương án để ứng phó. Trong các phương án này đã quy định cụ thể chi tiết và giao cho từng cấp chuẩn bị và làm những gì. Tỉnh đã triển khai các phương án này đến huyện và đến xã. Mỗi huyện, mỗi xã phải lập thêm phương án phòng chống thiên tai rõ ràng, cụ thể, sao cho thích ứng với loại hình thường xuyên xảy ra. Với gió lớn, lốc xoáy, địa phương phải chủ động, khi có tình huống xảy ra phải thực hiện "4 tại chỗ", hỗ trợ người dân. Nếu có các hậu quả về sản xuất, phải chủ động phối hợp với tỉnh, với các đơn vị của Sở NN&PTNT để hỗ trợ và khôi phục sản xuất cho người dân”.

Nói về phương hướng khắc phục và bài học kinh nghiệm để tránh tình trạng này trong những đợt mưa to tiếp diễn, ông Phan Hoàng Vũ cho biết thêm: “Ðã qua, một số xã do mưa kéo dài dẫn đến ngập nặng, như xã Khánh Bình Ðông, Khánh Bình Tây của huyện Trần Văn Thời, các địa phương đã triển khai phương án khắc phục, chủ yếu là tiếp tục cấy giặm lại. Một số nơi ở Khánh Bình Tây, Khánh Bình Ðông, hiện nay rất khó khăn vì đất rất trũng nên không thể thoát nước triệt để, nếu thoát nước ở vùng này thì các vùng khác sẽ bị khô nước, cũng ảnh hưởng đến cây lúa. Hướng tới, chúng tôi đã kiến nghị với UBND tỉnh, với Trung ương hỗ trợ kinh phí để chia từng ô sản xuất nhỏ hơn để đặt các trạm bơm, máy bơm. Tùy theo địa hình để chúng ta có các giải pháp bơm, vừa tiết kiệm nước, vừa đảm bảo chống gây ngập úng cho một số diện tích cục bộ như thời gian qua”./.

Lam Khánh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phai-bam-sat-phuong-an-phong-chong-thien-tai-a33830.html