Phải bảo tồn giá trị di sản khi trùng tu

Khi đưa ra phương án trùng tu một di sản kiến trúc, việc giữ lại giá trị cốt lõi của công trình luôn là việc được ưu tiên.

Tại Tọa đàm “Giữ lại một di sản tưởng chừng không thể cứu vãn” diễn ra mới đây, tại Hà Nội, các nhà nghiên cứu đã cùng nhau tìm câu trả lời cho việc có nên hạ giải hay không một di sản kiến trúc được nhiều người quan tâm. Bởi, thực tế đã có nhiều phản ứng trái chiều sau khi không ít di tích văn hóa, lịch sử gần đây bị xâm hại, biến dạng sau khi trùng tu, tôn tạo.

Nhà thờ Bùi Chu (Nam Định) đang được tìm giải pháp bảo tồn do bị xuống cấp

Nhà thờ Bùi Chu (Nam Định) đang được tìm giải pháp bảo tồn do bị xuống cấp

Các chuyên gia đều cho rằng, việc đưa ra quyết định hạ giải hay không một di sản kiến trúc trong nhiều trường hợp là rất khó khăn, phức tạp, bởi nó cần có quá trình khảo sát vô cùng tỉ mỉ, cẩn trọng, có nghiệp vụ; phải cân nhắc kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật của người am hiểu chuyên môn và cả sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử cùng sự đồng thuận của chủ thể di sản.

KTS Lý Trực Dũng dẫn câu chuyện trùng tu một di sản kiến trúc thuần Việt - đình làng Trần Đăng 400 - 500 tuổi. Qua đó cho thấy một bài học kinh nghiệm quý báu trong quyết định trùng tu di sản mà ở đó, đôi khi việc xê xích từng centimet trong trùng tu cấu trúc di sản cũng ảnh hưởng tới số mệnh di sản. Cách đây 10 năm, khi trùng tu đình Trần Đăng, nhóm trùng tu của KTS Lý Trực Dũng đã thay thế một câu đầu nằm ngay đầu hồi của đình dài hơn 4m, nặng gần một tấn. Nếu phải hạ giải thì toàn bộ đầu đao với linh vật và gạch nóc hoa chanh bằng gốm, có niên đại khoảng 300 năm, tuyệt đẹp vô cùng quý giá này sẽ bị phá hủy; giá trị lịch sử và văn hóa của Đình Trần Đăng sẽ giảm sút, xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng nếu không hạ giải mà chẳng may xảy ra sự cố, mái đình đổ sụp thì người ta sẽ cho rằng điều này ảnh hưởng đến bản mệnh của làng. Băn khoăn, trăn trở, khảo sát rồi họp bàn, rồi lại khảo sát, cuối cùng nhóm chuyên gia lập phương án tỉ mỉ để đi đến quyết định thay câu đầu này mà không phải hạ giải hạng mục của công trình.

Những chuyên gia về bảo tồn di tích hàng đầu đều cho rằng, khi đưa ra phương án trùng tu một di sản kiến trúc, việc giữ lại giá trị cốt lõi của công trình luôn là việc được ưu tiên. Bởi, làm như vậy sẽ bảo tồn được tính nguyên gốc của di sản. Việc hạ giải, phục dựng một công trình di sản chỉ là bắt buộc khi công trình bị hư hỏng hoàn toàn do cháy hoặc động đất, hay tác động bên ngoài làm đổ sập.

Thời gian qua, những câu chuyện xót xa về trùng tu, tôn tạo, như chùa Trăm Gian, Chương Mỹ (2013), Chùa Hương, Mỹ Đức (2015), chùa Khúc Thủy, Thanh Oai (2017), sơn thếp tùy tiện đền Phù Đổng, Gia Lâm (2017), hay thậm chí biến mất như đình Lương Xá có 300 tuổi ở huyện Ứng Hòa là những bài học đắt giá trong công tác quản lý việc trùng tu, tôn tạo các di sản. Vừa qua, liên quan đến phương án trùng tu nhà thờ Bùi Chu, Viện Bảo tồn di tích đã có báo cáo với Bộ VHTT&DL 2 phương án. Trong đó, phương án 1 là trùng tu cục bộ. Theo đó, giữ nguyên quy mô và cấu trúc công trình, hạ giải từng phần. Chẳng hạn, hạ giải phần mái ngói, tận dụng tối đa các viên ngói còn tốt để tái sử dụng. Thay thế phần ngói thiếu khuyết bằng các viên ngói phục chế theo kích thước cũ; phục hồi hệ bờ nóc theo ảnh chụp năm 1950.

Quan điểm của Viện Bảo tồn di tích cho rằng, phương án này có thể bảo tồn tối đa dấu tích vật chất của công trình nhưng có hạn chế là thiếu bền vững, chỉ ổn định trong thời gian giới hạn nên cần duy tu, thậm chí tiếp tục sửa chữa hằng năm. Điều này cũng gây khó cho nhu cầu sử dụng đương đại. Chưa kể là cần kinh phí lớn và gây lãng phí đối với những phần việc về mộc đã thi công xong (trước đó nhà thờ đã chuẩn bị nhiều cấu kiện gỗ để phục vụ xây lại).

Phương án 2 trong việc bảo tồn nhà thờ Bùi Chu là hạ giải hoàn toàn. Theo đó, hạ giải toàn bộ công trình đến cả phần móng, nền cũ, sẽ bảo tồn những giá trị cốt lõi và yếu tố gốc quan trọng của các thời kỳ, tái sử dụng chân tảng, hoa văn kim loại đúc. Viện Bảo tồn di tích nhận định về phương án này: “Bền vững, ổn định lâu dài. Bảo tồn đặc điểm cơ bản và những giá trị cốt lõi đặc trưng. Đáp ứng nhu cầu đương đại và nguyện vọng của cộng đồng sử dụng. Kinh phí hợp lý, có tính khả thi và tránh lãng phí đối với của cải vật chất của giáo dân”.

Bài học của việc tôn tạo, trùng tu di sản đã có không ít, nhưng tại mỗi trường hợp cụ thể sẽ là những vướng mắc khác nhau. Và giữ lại di sản tưởng chừng như không thể cứu vãn, không chỉ là vấn đề của các di sản đã trùng tu như Trăm Gian, Khúc Thủy, Lương Xá... mà là câu chuyện đang rất bức thiết, cần được các cơ quan chức năng có phương án xử lý phù hợp.

Minh Thắng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/phai-bao-ton-gia-tri-di-san-khi-trung-tu-89721.html