Phải bắt đầu từ kênh, mương

Trong khi các kế hoạch lớn đang được vạch ra để "cứu" những dòng sông ô nhiễm của Hà Nội, thì một thực tế đang diễn ra là có hàng trăm con mương, kênh của TP đang ngày ngày phải đón nhận một lượng lớn nước thải, từ đó xả trực tiếp ra sông. Nếu không xử lý triệt để từ những "mạch máu đen" này, liệu những nỗ lực làm sạch sông có như "gạn đục khơi trong" ở phần ngọn?

Nỗi buồn sông Pheo

Xin bắt đầu vấn đề này bằng chính câu chuyện vừa diễn ra tại sông Pheo, đoạn chảy qua làng Đăm, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Ngay từ những ngày đầu tháng 3/2025, người dân và chính quyền địa phương đều hoang mang, lo lắng trước tình trạng ô nhiễm nặng nề của sông Pheo, vì không lâu sau đó, Lễ hội bơi Đăm – một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ diễn ra ngay trên dòng sông này. Đáng nói, một số buổi tập của các đội bơi đã diễn ra nhưng ngay lập tức phải tạm dừng vì nguồn nước sông quá ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thành viên các đội bơi. Rất may, sau đó, nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, sự phản ánh của các cơ quan báo chí và các đơn vị liên quan cùng chung tay, Lễ hội bơi Đăm cuối cùng cũng diễn ra suôn sẻ và thành công. Được biết, giải pháp được sử dụng là bổ cập nước sông Hồng vào để pha loãng nước sông Pheo, giảm nồng độ ô nhiễm trong thời gian lễ hội bơi diễn ra.

Mương nước đục ngàu, ô nhiễm này đổ thẳng vào kênh T1-2, từ đó đổ ra sông Pheo. Ảnh: Nguyễn Quý

Mương nước đục ngàu, ô nhiễm này đổ thẳng vào kênh T1-2, từ đó đổ ra sông Pheo. Ảnh: Nguyễn Quý

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu khiến sông Pheo bị ô nhiễm nặng là do nước thải sinh hoạt trong khu dân cư thuộc địa bàn các xã Tân Lập, Tân Hội; một phần các xã Đan Phượng, Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà và Liên Trung xả ra kênh tiêu T1-2 và T1-3 thuộc huyện Đan Phượng, từ đó chảy vào sông Pheo thuộc địa phận phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm. Cùng đó, là do các nguồn thải từ khu đô thị Tân Tây Đô, Cụm công nghiệp thị trấn Phùng, các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, Nhà máy nước sạch thị trấn Phùng, Nhà máy nước sạch Tân Hội, Nhà máy nước sạch xã Tân Lập… khiến nước sông càng ô nhiễm.

Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại kênh T1-2 khu vực tiếp giáp với điểm xả vào sông Pheo, tại địa phận xã Tân Lập, huyện Đan Phượng cũng cho thấy rõ điều đó. Cả một đoạn kênh nước đen kịt, bốc mùi hôi thối vô cùng khó chịu. Các đầu cống xả vào dòng kênh này đều thải ra thứ nước thải ô nhiễm nặng với nhiều màu sắc. Điều đáng nói, kênh T1-2 được ngăn cách với sông Pheo bằng một trạm bơm. Tuy nhiên, trạm bơm này chỉ đóng cửa xả được một thời gian lại phải mở để cho nước thải đổ ra sông Pheo, bởi nếu không mở cửa xả, nguồn nước ô nhiễm trong dòng kênh sẽ bị quá tải, tràn vào khu dân cư và đồng ruộng lân cận. Điều này cho thấy, một trong những thủ phạm “đầu độc” sông Pheo cũng chính là các kênh tiêu.

Câu chuyện của sông Pheo cũng là tình trạng chung đang diễn ra tại nhiều dòng sông khác của Hà Nội như sông Nhuệ, sông Đáy… Từng là biểu tượng của sự trong mát, trù phú của Thủ đô, những dòng sông này đang trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân TP vì tình trạng ô nhiễm của mình. Thay vì là nguồn nước trong lành nuôi dưỡng sự sống, chúng đang oằn mình gánh chịu lượng lớn chất thải chưa qua xử lý, trở thành những dòng chảy ô nhiễm, đen kịt và bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Muốn sông trong xanh, kênh mương phải sạch sẽ

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng ô nhiễm các con sông lớn, không chỉ nằm ở việc chúng phải nhận nước thải xả trực tiếp vào, mà còn bắt nguồn từ hệ thống kênh mương chằng chịt, vốn đóng vai trò là huyết mạch thoát nước của TP. Nhiều kênh mương trong số này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, trở thành những “cống lộ thiên” mang theo đủ loại chất thải đổ trực tiếp vào các dòng sông chính. Đã đến lúc, chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc và có những biện pháp giải quyết căn cơ đối với nguồn ô nhiễm này, bắt đầu từ việc làm sạch hệ thống kênh mương, trước khi nghĩ đến giải pháp vĩ mô hơn để cứu lấy những dòng sông ô nhiễm.

Nước sông Pheo nổi lên những mảng đục ngầu trong lúc các đội bơi tranh tài ở Lễ hội bơi Đăm 2025. Ảnh: Trường Huy

Nước sông Pheo nổi lên những mảng đục ngầu trong lúc các đội bơi tranh tài ở Lễ hội bơi Đăm 2025. Ảnh: Trường Huy

Hà Nội hiện có hơn 200km kênh, mương thoát nước, mỗi ngày xả gần 300.000 m³ nước thải, trong đó phần lớn chưa được xử lý. Cùng với tốc độ đô thị hóa, nhiều mương nước luôn trong tình trạng ngập ngụa rác thải, đang trở thành "điểm đen" về ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Thực tế, có một lượng nước thải sinh hoạt lớn từ các khu dân cư, các nhà máy hoặc cơ sở sản xuất tại làng nghề đổ ra các kênh, mương. Sau đó các kênh mương này đổ trực tiếp ra các dòng sông nội đô như sông Pheo, sông Nhuệ, sông Đáy… tại Hà Nội. Vì vậy, đây cũng được đánh giá là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm sông ngòi tại Hà Nội. Kênh mương không được quản lý tốt đã trở thành nguồn ô nhiễm chính cho sông ngòi. Nếu không xử lý tận gốc từ đây, mọi nỗ lực làm sạch sông chỉ là bề mặt, không bền vững.

Theo các chuyên gia, kênh mương đóng vai trò như “đầu vào” của hệ thống sông ngòi. Nếu không kiểm soát được ô nhiễm từ đây, mọi biện pháp cải tạo sông ngòi sẽ chỉ mang tính tạm thời. Việc làm sạch kênh mương không chỉ giúp giảm tải chất ô nhiễm đổ vào sông, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội rõ rệt. So với các dự án xử lý nước thải quy mô lớn hay cải tạo toàn bộ dòng sông, việc làm sạch kênh mương có chi phí thấp hơn, dễ triển khai hơn, và mang lại lợi ích tức thì cho các khu dân cư lân cận. Cải thiện chất lượng môi trường kênh mương đồng nghĩa với việc nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm nguy cơ bệnh tật liên quan đến nước bẩn – vấn đề đang ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Hà Nội mỗi năm.

GS.TS.NGND Đặng Thị Kim Chi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, để giảm tình trạng ô nhiễm kênh mương, cần giảm lượng nước thải phát sinh đổ vào các con kênh. Tương tự, để cải tạo chất lượng nước trong kênh, mương, cần phải giải quyết chất lượng nước từ đầu nguồn. “Nếu chúng ta kết hợp biện pháp ngăn chặn đầu nguồn và biện pháp kỹ thuật thì tôi tin rằng mùi sẽ hết và kênh, mương sẽ dần trở lại trong sạch. Tại địa phương từ tổ dân phố, phường cho đến các quận đều cần giám sát chặt chẽ những hành vi xả thải xuống kênh, mương để kịp thời có biện pháp xử phạt, làm gương cho mọi người” - GS.TS.NGNS Đặng Thị Kim Chi phân tích.

Về mặt quản lý, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý kênh mương hiệu quả hơn. Quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong việc giám sát và xử lý ô nhiễm cần được ban hành. Thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là một giải pháp để tạo nguồn lực đầu tư cho các dự án môi trường. Hệ thống quan trắc chất lượng nước tự động tại các kênh mương cũng cần được triển khai, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các nguồn ô nhiễm.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phai-bat-dau-tu-kenh-muong.683188.html