'Phải bay ngay đến Thái Lan' để khám phá những lễ hội độc nhất vô nhị
Với dân số hơn 69 triệu người, Thái Lan có những nét văn hóa rất đa dạng và độc đáo và một trong số đó chính là những lễ hội truyền thống thường niên.
Các lễ hội tại đây diễn ra vô cùng thú vị với nhiều hoạt động giải trí hấp dẫn, hứa hẹn đem đến cho du khách những trải nghiệm chưa từng có.
“Ướt đẫm” với lễ hội té nước Songkran
Lễ hội Songkran là một cuộc “thủy chiến” kéo dài 3 ngày trên khắp mọi miền của Thái Lan. Trong khung cảnh náo nhiệt với các điệu múa truyền thống, súng nước, ống nhựa, xô thùng… hay bất kì thứ gì có thể đựng nước đều có thể được sử dụng để trở thành “vũ khí” trong ngày hội này.
Mọi người sẽ “tưới nước” lẫn nhau bằng nước lạnh hoặc nước hoa quả.
Theo tiếng Phạn, "Songkran" có nghĩa là "sự chuyển dịch" hoặc "bắt đầu lại". Lễ hội này được cho là bắt nguồn từ Ấn Độ, nơi người ta tổ chức lễ hội mừng năm mới bằng cách té nước vào nhau để gột rửa những điều xui xẻo của năm cũ và cầu mong may mắn cho năm mới.
Tập tục té nước vào năm mới ở Thái Lan đã có từ lâu đời, tuy nhiên đến năm 1941 mới được Hoàng gia Thái Lan chính thức ấn định ngày tổ chức vào ngày đầu năm theo Phật lịch (tương ứng với ngày 13-15/4 theo dương lịch).
Không giống với ngày Tết cổ truyền của các nước khác, lễ hội Songkran Thái Lan mang tính cộng đồng nhằm thu hút sự tham gia của tất cả mọi người.
Theo thông báo từ chính phủ Thái Lan, Tết té nước Songkran năm 2024 sẽ kéo dài từ ngày 1-21/4. Quyết định này được đưa ra nhằm thúc đẩy ngành du lịch Thái Lan cũng như để Tết té nước Songkran thành một cơ hội giao lưu, kết bạn giữa người dân bản địa và các khách du lịch Thái Lan.
Bà Paetongtarn Shinawatra, chủ tịch Ủy ban Chiến lược quyền lực mềm quốc gia (NSPSC) cho biết: "Chúng tôi muốn biến Songkran thành một sự kiện mà mọi người phải bay ngay đến Thái Lan để tham dự".
Trải nghiệm văn hóa dân gian tại lễ hội tên lửa Bun Bang Fai
Diễn ra vào tháng 5 hàng năm, lễ hội Bun Bang Fai, hay còn gọi là lễ hội tên lửa, là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo của xứ chùa vàng. Lễ hội này thường được tổ chức ở tỉnh Yasothon, cách Bangkok khoảng 500 km về phía Đông Bắc.
Bun Bang Fai là dịp để người dân cầu mong một mùa gieo trồng thuận lợi, bội thu, đồng thời nhắc nhở mọi người trân trọng sự sống thiêng liêng và quý giá.
Điểm nhấn của lễ hội này là cuộc thi phóng những quả tên lửa tự chế, hay còn gọi là Bang Fai Ko trong ngày thứ ba của lễ hội. Các tên lửa này sẽ được trang trí cầu kỳ và cúng dường tại các đền thờ trước khi được phóng lên trời.
Ban tổ chức sẽ chấm điểm các đội chơi và phân thắng bại dựa trên độ cao, đường bay của tên lửa cùng các vệt khói đẹp. Chỉ có điều, các đội thua sẽ phải nhảy xuống một vũng bùn.
Ngoài việc phóng tên lửa, lễ hội Bun Bang Fai còn có các hoạt động văn hóa, âm nhạc, nhảy múa và thưởng thức ẩm thực địa phương. Lễ hội này thu hút đông đảo du khách đến từ khắp nơi, đặc biệt là những người muốn trải nghiệm văn hóa dân gian và ngắm nhìn cảnh tượng tuyệt vời của hàng trăm tên lửa lóe lên bầu trời.
“Giật mình” lễ hội ma xó
Nếu như Lễ hội Halloween của phương Tây diễn ra vào 31/10, lễ hội ma xó (hay Pee Ta Khon) tại Thái Lan thường được tổ chức vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 hàng năm và diễn ra trong khuôn viên của các ngôi đền thờ địa phương.
Hoạt động chính của lễ hội là màn diễu hành của những người tham dự trong trang phục ma xó. Trang phục này thường bao gồm mặt nạ, mũ mão và quần áo với nhiều hình thù kì dị, màu sắc sặc sỡ.
Nét độc đáo còn nằm ở chiếc mặt nạ quỷ được làm từ thân cây dừa, bao phủ bởi một lớp liễu gai, gạo nếp hấp. Từ “Pee” có nghĩa là ma và “Khon” có nghĩa là mặt nạ.
Lễ hội được tổ chức là dịp để người dân Thái Lan tỏ lòng biết ơn thần linh và cảm tạ những linh hồn đã bảo vệ, che chở cho cuộc sống của người dân. Pee Ta Khon không chỉ mang ý nghĩa về tâm linh, sự gắn kết của “hai thế giới” mà còn là truyền thống văn hóa từ lâu đời của Thái Lan.
Lung linh lễ hội nến
Lễ hội nến đánh dấu sự khởi đầu của mùa Phansa - mùa mưa, cũng là mùa an cư của các phật tử. Lễ hội này thường được tổ chức vào tháng 7 hàng năm tại tỉnh Ubon Ratchathani, miền Đông Bắc Thái Lan.
Ban đầu, người dân buộc những cây nến nhỏ lại với nhau thành một bó nến to và làm lễ rước đến chùa để cúng dường. Việc bó các cây nến này với nhau thể hiện sự đoàn kết của cả cộng đồng, có phần giống với câu chuyện bó đũa của Việt Nam ta.
Dần dần khi việc sản xuất nến trở nên phát triển hơn, người ta bắt đầu đổ sáp thành những khuôn nến lớn với các họa tiết trang trí đẹp mắt và bắt đầu tổ chức cuộc thi để tìm ra được một tác phẩm ấn tượng nhất.
Những tác phẩm dự thi sẽ được đưa ra diễu hành trên đường phố và trở thành sự kiện chính của lễ hội.
Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn và đa dạng hoạt động, bao gồm cả các hoạt động văn hóa truyền thống như biểu diễn âm nhạc, nhảy múa và các trò chơi dân gian cùng các nghi lễ tôn giáo như việc cúng dường tại các ngôi chùa và nguyện cầu cho mùa Phansa bình an.
Tiệc Khỉ Lopburi
Tiệc khỉ Lopburi là một trong những lễ hội lớn nhất ở Thái Lan, được tổ chức hàng năm tại tỉnh Lopburi. Chọn LopBuri là nơi tổ chức sự kiện này vì ở đây có hàng nghìn chú khỉ sống tự do. Chúng được lang thang khắp nơi, được cấp đồ ăn, thức uống và thoải mái chơi đùa với khách du lịch.
Người Thái coi khỉ là những người lính trung thành, dũng cảm nhất trong việc bảo vệ sự an toàn của Narai - vị thần được tôn kính nhất của đạo Hindu, cùng với đó là câu chuyện về Vua Khỉ Hanuman và đội quân của ông chiến thắng trận chiến chống lại chúa quỷ đã in sâu trong tâm trí của người dân Thái Lan.
Việc tổ chức bữa tiệc “siêu to khổng lồ” này vừa là dịp để người dân tôn vinh loài khỉ, vừa là một cách quảng bá và kích cầu du lịch.
Trong ngày lễ, các loại trái cây, đồ ăn và đồ uống đặc sản của địa phương được sắp xếp trên bàn thờ tại các ngôi đền và đền thờ khỉ.
Ước tính có đến khoảng 4 tấn hoa quả các loại được sử dụng trong lễ hội buffet này, bao gồm chuối, táo, nho, na, dưa dấu, táo, lê, dứa, thạch, mứt, rau củ cùng nhiều loại đồ uống khác nhau như nước hoa quả, coca, sữa, nước khoáng…