Phải cách chức, không thể giáng chức
Chiều 10-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các nội dung gây nhiều tranh luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Cán bộ vi phạm là cách chức
Theo dự thảo, cán bộ, công chức, viên chức mà có vi phạm là cách chức luôn, chứ không còn áp dụng hình thức “giáng chức” như hiện hành. Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường, nhiều ĐB lại bày tỏ sự “luyến tiếc” nếu xóa bỏ hình thức kỷ luật này và đề nghị xem xét giữ lại hình thức kỷ luật giáng chức như đang áp dụng. ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) cho rằng, giáng chức là đưa xuống chức vụ, cấp bậc thấp hơn. Ví dụ chức vụ trưởng phòng, khi vi phạm thì nên giáng xuống làm phó trưởng phòng, thay vì cách chức là mất hết chức vụ, phủ nhận hết công sức của công chức đó. ĐB Mong Văn Tình lập luận: “Giáng chức thì vẫn tận dụng được chất xám mà công chức đó có, cũng là tạo cơ hội để công chức đó sửa sai”. Đồng tình với đề nghị giữ lại hình thức kỷ luật giáng chức đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đưa ra lập luận “có thăng thì phải có giáng”, như thế mới phù hợp.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và nhiều ĐB lại ủng hộ đề xuất bỏ hình thức giáng chức như nêu trong dự thảo luật. Bởi hình thức này chỉ là hình thức, thời gian qua có áp dụng mà không nhiều, trong khi lại có nguy cơ tiếp tay cho nạn bao che cán bộ, công chức vi phạm. “Nếu chỉ giáng chức thì không đủ sức răn đe, chưa kể tình trạng nể nang, mà nếu chỉ kỷ luật bằng giáng chức thì cán bộ vi phạm đó cũng có thể được bổ nhiệm lại” - ĐB Hòa nêu ý kiến và đề nghị nên sửa lại dự thảo luật, nâng mức “cấm” từ 1 năm lên thành 2 năm mới bổ nhiệm lại (nếu có) với cán bộ, công chức đã bị cách chức, vì “mới 1 năm mà được bổ nhiệm lại thì chưa thuyết phục” .
Chung quan điểm với ĐB Phạm Văn Hòa, ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng, nếu quy định vậy có nghĩa là vẫn có thể xem xét bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm ở chức vụ khác cao hơn và như thế là trái Quy định số 105-QĐ/TW ngày 9-12-2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Nhất trí bỏ quy định kỷ luật giáng chức để thay bằng cách chức, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nêu lý do, vì 4 hình thức xử lý đảng viên là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ thì công chức giữ chức vụ lãnh đạo cũng phải bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc. “Nếu còn áp dụng giáng chức sẽ dẫn tới nể nang, né tránh, không đảm bảo tính nghiêm minh” - ĐB Phúc lên tiếng và cho rằng, chưa kể sẽ xung đột với việc bố trí vị trí việc làm, vì thực chất giáng chức là bổ nhiệm vào vị trí thấp hơn, trong khi các vị trí thấp hơn đã bố trí đủ số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Cách chức cán bộ vi phạm lúc đã nghỉ hưu, giải quyết hệ quả thế nào?
Các ĐB cũng thảo luận sôi nổi về việc lần đầu tiên “luật hóa” quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức vi phạm nhưng đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Nhiều ĐB đề nghị quy định rõ các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ của cán bộ, công chức, viên chức thì những hệ quả sẽ giải quyết như thế nào?
Theo ĐB Mong Văn Tình, về bản chất của xử lý cán bộ vi phạm đã nghỉ hưu là hồi tố, nhưng nếu chỉ xóa tư cách chức vụ thì chỉ là “xóa cái danh”, còn lợi ích, chế độ của người vi phạm không bị ảnh hưởng. ĐB Phạm Văn Hòa cũng nêu: “Có nhiều trường hợp nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm nhưng không xử lý được”. Vì vậy, ĐB Hòa nhất trí với việc luật hóa quy định xử lý cán bộ công chức vi phạm đã nghỉ hưu, nghỉ việc.
Tuy nhiên, theo các ĐB Mong Văn Tình, ĐB Phạm Văn Hòa thì điều quan trọng hơn là “nếu xóa tư cách của cán bộ vi phạm thì các văn bản, quyết định đã ký khi cán bộ đó còn đương chức sẽ không còn hiệu lực nữa. “Giá trị pháp lý của các văn bản, quyết định mà cán bộ đó đã ký sẽ như thế nào?” - ĐB Phạm Văn Hòa nêu câu hỏi và đề nghị, phải quy định rõ ràng hơn về vấn đề này. Theo ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) thì các văn bản, quyết định do cán bộ bị kỷ luật, xóa tư cách sẽ không còn giá trị pháp lý và sẽ ảnh hưởng tới những người chịu tác động của những văn bản, quyết định đó.
Tiếp thu, giải trình về các ý kiến của ĐB Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, nguyên tắc khi hồi tố là phải đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức và viên chức.
Về xử lý kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đây là quy định về xử lý hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức. Một số ĐB tán thành với đề nghị của Chính phủ là bỏ hình thức giáng chức và nhiều đại biểu có ý kiến là chúng ta vẫn giữ hình thức giáng chức theo mức độ vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, qua báo cáo về xử lý cán bộ hàng năm đến nay, Bộ Nội vụ chưa nhận được một hình thức nào xử lý giáng chức, chỉ có giáng cấp đối với lực lượng vũ trang. Vì thế, đề nghị các ĐB nghiên cứu thêm để đóng góp mang tính khả thi cao về hình thức giáng chức.
Về việc xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm trong thời gian còn đương chức khi đã nghỉ hưu. Dự thảo lần này đưa ra một điều khoản riêng áp dụng cho các đối tượng khác, không ghi đó là viên chức. Qua ý kiến phát biểu cũng có ý kiến đồng tình với việc những sai phạm trong thời gian còn công tác thì chúng ta phải xử lý, cũng có những ĐB cho rằng phạm vi như vậy thì quá rộng, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn. Luật quy định đối với cả viên chức nếu có vi phạm trong thời gian còn công tác thì khi nghỉ hưu vẫn xem xét, xử lý bình đẳng như nhau. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tính pháp lý của các hình thức xử lý kỷ luật sau khi đã thôi làm nhiệm vụ, nghỉ hưu” - ông Lê Vĩnh Tân cho biết.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phai-cach-chuc-khong-the-giang-chuc-598411.html