Phải chấm dứt ngay việc tấn công dân thường ở Dải Gaza

Vụ không kích đẫm máu của Israel vào khu vực dành cho người sơ tán ở thành phố Rafah nằm tại phía Nam Dải Gaza khiến 45 người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã thổi bùng lên sự phẫn nộ sâu sắc của cộng đồng quốc tế, đòi phải chấm dứt ngay lập tức việc tấn công vào thường dân Palestine.

Vụ không kích của Israel vào nơi lánh nạn của người dân Palestine ở thành phố Rafah đã làm hàng trăm người thương vong

Vụ không kích của Israel vào nơi lánh nạn của người dân Palestine ở thành phố Rafah đã làm hàng trăm người thương vong

Vi phạm trắng trợn các quy định của luật nhân đạo quốc tế

Cả thế giới đã bàng hoàng, phẫn nộ sau khi hay tin cuộc không kích trong đêm 26-5 của Israel vào khu phố Tel Al-Sultan của thành phố Rafah nằm ở phía Nam Dải Gaza, nơi hàng nghìn người Palestine đang lánh nạn sau khi sơ tán từ các khu vực khác của dải đất này khiến hàng trăm người thương vong. Vụ không kích trong đêm của Israel đã gây ra hỏa hoạn lớn, thiêu sống nhiều người Palesinte đang ở trong lều lánh nạn khiến ít nhất 45 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ cùng trẻ em. Theo cơ quan y tế ở Dải Gaza, vụ không kích đẫm máu đã khiến ít nhất 45 người thiệt mạng và 249 người khác bị thương, chủ yếu các nạn nhân thương vong là phụ nữ và trẻ em.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - người nhất quyết theo đuổi chiến dịch tấn công quy mô lớn vào Rafah bất chấp sự phản đối gay gắt của quốc tế - buộc phải lên tiếng thừa nhận rằng, vụ việc này là một “sự cố thảm họa”. Tuy nhiên, ông Benjamin Netanyahu vẫn có ý thanh minh khi nói rằng, phía Israel đã “sơ tán 1 triệu người dân có thể bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah” và “mặc dù đã nỗ lực nhưng thảm họa vẫn xảy ra”. Sau khi ông Benjamin Netanyahu cho biết, giới chức trách đang điều tra và sẽ đưa ra kết luận về vụ không kích, quân đội Israel thông báo đã chỉ đạo Cơ quan đánh giá và xác thực của Bộ Tổng tham mưu điều tra về vụ tấn công này. Theo thông báo, trước khi tiến hành vụ tấn công, lực lượng Israel đã “thực hiện một số bước để giảm nguy cơ gây hại dân thường”, trong đó có việc triển khai giám sát từ trên cao, khai hỏa chính xác của không quân và thông tin tình báo bổ sung. Thế nhưng, những thanh minh của Israel không hề xoa dịu được sự phẫn nộ sâu sắc của cộng đồng quốc tế. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã ngay lập tức lên án vụ không kích của Israel nhằm vào một khu lều trại của người Palestine lánh nạn tại thành phố Rafah, khiến hàng chục dân thường thiệt mạng. Người đứng đầu tổ chức hòa bình và an ninh lớn nhất hành tinh nhấn mạnh: “Hiện nay không có nơi nào ở Dải Gaza an toàn. Nỗi kinh hoàng này phải chấm dứt”.

Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk bày tỏ sự “bàng hoàng” trước vụ không kích của Israel, đồng thời cho biết “hình ảnh từ khu lều trại rất khủng khiếp”. Ông Volker Turk cũng hối thúc Israel tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) và chấm dứt ngay chiến dịch quân sự tại Rafah. Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết, những báo cáo về các cuộc tấn công nhằm vào dân thường đang tìm nơi trú ẩn ở Rafah là “kinh hoàng”. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nhấn mạnh, tình hình ở Gaza và Bờ Tây đang trở nên tồi tệ với các cuộc tấn công của Israel nhằm vào người Palestine và hoạt động viện trợ nhân đạo. Người đứng đầu cơ quan an ninh và đối ngoại của EU yêu cầu, Israel tuân thủ các phán quyết của ICJ và chấm dứt cuộc tấn công ở thành phố Rafah.

Các quốc gia Arab ở Trung Đông, các nước Hồi giáo lên án mạnh mẽ nhất vụ tấn công của Israel. Ai Cập lên án Israel, cáo buộc Israel “lại vi phạm trắng trợn các quy định của luật nhân đạo quốc tế”. Bộ Ngoại giao Ai Cập kêu gọi Israel tuân thủ các yêu cầu của ICJ liên quan tới việc lập tức dừng các hoạt động quân sự ở Rafah. Jordan thậm chí còn cáo buộc, Israel “phạm tội ác chiến tranh”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, nước này sẽ làm mọi điều có thể để buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải chịu trách nhiệm.

Nguy cơ đối mặt với cáo buộc hình sự của ICC

Vụ không kích của Israel vào nơi lánh nạn của người dân Palestine tại thành phố Rafah càng khiến thế giới thấy rõ hơn những tổn thất vô cùng nặng nề của người Palestine trong cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas. Thống kê tính tới đầu tháng 5 này cho thấy, đã có hơn 34.500 người Palestine thiệt mạng tại Dải Gaza và gần 78.000 người bị thương do các cuộc tấn công của quân đội Israel. Đặc biệt, theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn 13.000 trẻ em đã thiệt mạng vì các giao tranh tại Dải Gaza trong 6 tháng sau khi xung đột xảy ra, nhiều hơn tất cả các cuộc xung đột khác trên thế giới trong 1 thập kỷ qua. Bên cạnh đó, hơn 75.000 người bị thương và hơn 85% trong tổng số 2,3 triệu dân Palestine tại Dải Gaza, tức khoảng 1,9 triệu người, đã phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Về phía Israel, hàng ngàn binh lính và dân thường cũng đã thiệt mạng, trong khi hàng trăm con tin vẫn đang bị lực lượng Hamas giam giữ. Cùng với tổn thất về sinh mạng, các cuộc không kích, bắn phá của Israel đã tàn phá vô cùng nặng nề Dải Gaza.

Một báo cáo được Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 4 cho thấy, 62% nhà cửa tại Dải Gaza đã bị phá hủy, đẩy hơn 1 triệu người vào cảnh không nhà; 84% cơ sở y tế bị hư hại hoặc bị phá hủy; hệ thống giáo dục tại Dải Gaza sụp đổ hoàn toàn khi 56 trường học bị phá hủy, 219 trường bị hư hại, khiến khoảng 625.000 học sinh Palestine không thể đến trường. WB ước tính tổng thiệt hại cơ sở vật chất tại Dải Gaza là khoảng 18,5 tỷ USD, tương đương 97% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Dải Gaza và Bờ Tây cộng lại trong năm 2022. Sự xuống cấp và thiếu thốn trầm trọng các dịch vụ công (y tế, nước sạch, thực phẩm…) đẩy hàng triệu người dân Palestine tại Dải Gaza vào cảnh khốn cùng sau 6 tháng xung đột. Báo cáo mới nhất do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực Tây Á (ESCWA) công bố đầu tháng 5 này cảnh báo, sự phát triển của con người ở Dải Gaza có thể sẽ bị kéo lùi 44 năm nếu cuộc chiến hiện tại tiếp tục kéo dài sang tháng thứ 9 liên tiếp. UNDP và ESCWA ước tính chỉ sau 6 tháng xung đột, chỉ số phát triển con người (HDI) ở Dải Gaza sẽ giảm xuống 0,598, kéo lùi 33 năm về phát triển con người.

Tới mốc sau 7 tháng, chỉ số này sẽ tiếp tục giảm xuống 0,582, lùi lại 37 năm. Nếu xung đột kéo dài sang tháng thứ 9, 44 năm tiến bộ sẽ bị xóa bỏ, đưa Dải Gaza quay trở lại mức của năm 1980. Khi xung đột bước sang tháng thứ 7, tỷ lệ nghèo đói ở Palestine sẽ lên tới 58,4%, đẩy thêm gần 1,74 triệu người vào cảnh nghèo đói; nếu xung đột kéo dài 9 tháng, tỷ lệ nghèo đói ước tính nâng lên mức 60,7%, gấp 2,25 lần so với trước chiến tranh, đồng nghĩa với việc có thêm hơn 1,86 triệu người Palestine bị đẩy vào cảnh nghèo đói.

Nhằm “cứu” người dân Palestine và Dải Gaza, ICJ (Cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc) ngày 24-5 vừa qua đã ra phán quyết yêu cầu Israel ngừng các hoạt động quân sự ở thành phố Rafah. Đây được xem là phán quyết mang tính bước ngoặt có khả năng làm tăng thêm áp lực quốc tế đối với Israel sau hơn 7 tháng kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát ở Gaza hồi tháng 10-2023. Đáng chú ý, cũng do các vụ tấn công mang tính tàn phá ở Dải Gaza gây thiệt hại nặng nề về sinh mạng và tài sản, người đứng đầu chính quyền Israel là Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, cùng thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, chỉ huy lữ đoàn al-Qassam của Hamas Mohammed Deif và lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh hiện có nguy cơ đối mặt với lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Các lãnh đạo Israel và thủ lĩnh Hamas bị cáo buộc đã phạm “tội ác chiến tranh” và “tội ác chống lại nhân loại” liên quan tới cuộc tấn công ngày 7-10-2023 và xung đột tại Dải Gaza sau đó.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phai-cham-dut-ngay-viec-tan-cong-dan-thuong-o-dai-gaza-post577811.antd