Phải chăng cấu trúc đội hình của Manchester United đang có vấn đề?

Sau những trận thắng trước những đối thủ được đánh giá thấp hơn tại Ngoại hạng Anh, thì Manchester United đã “lộ nguyên hình” khi đối đầu với một đối thủ mạnh thực sự là Newcastle. Với một thế trận thua thiệt hoàn toàn, thì người ta phải đặt ra một dấu chấm hỏi đối với cấu trúc đội hình mà Erik ten Hag đang sử dụng tại câu lạc bộ này.

Mạng lưới chuyền bóng trong tận Newcastle và Manchester United.

Có thể nói trận đấu với Newcastle là một trận đấu thực sự tệ hại của thầy trò huấn luyện viên Erik ten Hag. Tại sao lại nói là tệ hại khi tỷ số trận đấu chỉ là tối thiểu? Đó là bởi 2 nguyên nhân, đầu tiên thì đây là trận đấu mà Manchester United bị “soi” khi có chuỗi 3 trận thắng liên tiếp tại Ngoại hạng Anh, giúp họ leo lên sát nhóm có suất dự cúp châu Âu mùa giải sau. Khi mà đối thủ 3 trận thắng này đều không được đánh giá cao, thì một đội được đánh giá là mạnh như Newcastle chính là “thuốc thử” tốt nhất để xem nửa đỏ thành Manchester là tiến bộ thực sự, hay là… ăn may.

Thứ hai đó là dù Manchester United chỉ thua với tỷ số tối thiểu, nhưng họ lại thua hoàn toàn về mặt thế trận, với cách thua có thể nói là đáng xấu hổ đối với một câu lạc bộ có truyền thống như họ. Không cần xem trực tiếp nửa đỏ thành Manchester đã bị Newcastle ép sân như thế nào trong cả trận đấu, chỉ cần xem qua thông số trận đấu là có thể hình dung khá rõ ràng. Đó là Newcastle dù chiếm 58% thời lượng bóng, một con số không nhiều, nhưng thầy trò huấn luyện viên Eddie Howe có 22 lần dứt điểm, 4 lần dứt điểm chính xác, số bàn thắng được kỳ vọng là 2.98, có 134 pha tấn công 90 pha tấn công nguy hiểm; so với 8 lần dứt điểm, 1 lần dứt điểm chính xác, số bàn thắng được kỳ vọng là 0.38, có 71 pha tấn công 36 pha tấn công nguy hiểm. Những con số cho thấy các cầu thủ Manchester United chỉ loanh quanh ở sân nhà là chính, rất khó có thể lên bóng tấn công.

Nếu đổ cho việc Manchester United đang có nhiều cầu thủ trong đội hình chính đang gặp chấn thương không thể thi đấu như Casemiro, Christian Eriksen, Jonny Evans, Lisandro Martinez, Mason Mount…; thì Newcastle cũng không hề thua kém khi huấn luyện viên Eddie Howe cũng không có sự phục vụ của hàng loạt cái tên như Sandro Tonali, Joe Willock, Sven Botman, Dan Burn, Sean Longstaff, Javier Manquillo… Với lực lượng có thể xem như là tương đồng, thì sự yếu kém sẽ đến từ chính bản thân cách chơi của đội bóng.

Nếu xem mạng lưới chuyền bóng (passing network) của Newcastle và Manchester United trong trận đấu này, chúng ta sẽ không khó để hiểu vấn đề của thầy trò huấn luyện viên Erik ten Hag đang nằm ở đâu. Eddie Howe thì đang xây dựng một hệ thống chuyền bóng đầy tính cân đối, khoa học, khoảng cách luân chuyển bóng không quá xa để hạn chế sai lầm, với sự phân phối bóng giữa 2 cánh và khu vực trung tâm là cân bằng, không lệch hẳn ở khu vực nào nhằm tạo thêm nhiều phương án tấn công. Trong khi đó Manchester United lại không làm được điều này.

Xem mạng lưới chuyền bóng của Manchester United chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra khoảng cách giữa các tuyến là quá xa, dẫn đến khoảng cách phối hợp nhóm giữa các cầu thủ cũng khá là xa cách, sự cân bằng giữa 2 cánh là khu vực trung tâm cũng không có khi có tới 3 cái tên “tụm lại” ở khu vực giữa sân, Alejandro Garnacho hầu như chỉ hoạt động độc lập trong khi cánh đối diện lại tập trung quân số nhiều hơn hẳn.

Điều này dẫn tới 2 tuyến chỉ có thể kết nối với nhau bằng những đường chuyền xa, các cầu thủ không thể kết nối tập thể mà chỉ có thể tổ chức nhóm 2 hoặc 3 cầu thủ tự hoạt động với nhau, kể từ đó họ dễ dàng bị phong tỏa, mất đi sự liên kết với nhau bằng những đường chuyền tầm ngắn mà phải dùng các đường chuyền tầm trung và xa là chính. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc Manchester United mất hẳn khu trung tuyến trước Newcastle, cũng như tổ chức tấn công thiếu hiệu quả.

Mạng lưới chuyền bóng của Tottenham dưới thời Ange Postecoglou.

Nếu nói thời gian dành cho Erik ten Hag là chưa đủ, thì phải xem lại khả năng vị huấn luyện viên này, bởi nếu nhìn sang Tottenham của Ange Postecoglou, người chỉ mới lên nắm câu lạc bộ từ đầu mùa giải mới 2023 - 2024, thì sẽ thấy mạng lưới chuyền bóng mà vị huấn luyện viên này xây dựng cho “Gà trống” thực sự là đáng nể. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tottenham từ một đội bóng phụ thuộc vào khả năng ghi bàn của Harry Kane, một đội bóng có lối chơi bóng dài thiên về phòng ngự phản công, đã lột xác trở thành một đội bóng có lối tấn công đẹp mắt với tính đồng đội cao, có khoảng cách đội hình giữa các cầu thủ đồng đều và khoa học hơn rất nhiều.

Không phải tự nhiên mà Tottenham có thể đá hòa 3 - 3 với Manchester City ngay tại sân Etihad, dù có không ít cầu thủ quan trong đang gặp chấn thương, và chắc chắn đó là công lao cùng tài thao lược của huấn luyện viên Ange Postecoglou. Còn về phía Manchester United, một đội hình thiếu sự gắn kết, dễ bị phong tỏa, dễ đoán trước và bắt bài các mảng miếng tấn công như vậy, rõ ràng chính bản thân Erik ten Hag phải chịu trước nhiệm, chứ không thể quy hết trách nhiệm cho cầu thủ, người chấp hành sơ đồ chiến thuật ở trên sân.

CAO DUY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/the-thao/the-thao-quoc-te/202312/phai-chang-cau-truc-doi-hinh-cua-manchester-united-dang-co-van-de-73a36b5/