Phải chuẩn bị phương án xử lý các tình huống lợi dụng việc đấu giá biển số ô tô để trục lợi

Chuyên gia pháp lý – Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, việc đấu giá biển số xe ô tô sẽ tránh được tiêu cực, trục lợi trong việc cấp biển số như hiện nay; đảm bảo được tính minh bạch trong việc quản lý Nhà nước về lĩnh vực này…

Biển số “đi theo người”

Bộ Công an đề xuất, sau khi trúng đấu giá biển số xe ô tô, thì biển số này sẽ “đi theo người”. Cụ thể, kể cả khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá vẫn được quyền giữ lại biển số xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình.

Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về “Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá”.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết này là quy định thí điểm việc cấp quyền lựa chọn theo nhu cầu sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, bao gồm: giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân (sau đây gọi tắt là người) trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.

Theo dự thảo, biển số được lựa chọn đấu giá là biển số trắng chữ đen, chưa được đăng ký, dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm.

Ảnh minh họa.

Không đưa ra đấu giá biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Người được tham gia đấu giá là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và được tham gia cuộc đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở (đối với tổ chức, doanh nghiệp) hoặc nơi đăng ký thường trú (đối với cá nhân). Cơ quan tổ chức đấu giá là công an cấp tỉnh theo phân cấp đăng ký quản lý phương tiện.

Về hình thức đấu giá, Bộ Công an giao công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá trực tuyến.

Việc xác định giá khởi điểm được quy định cụ thể: Vùng 1 (gồm Hà Nội, TP.HCM): Giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá (đơn vị tính là Việt Nam đồng) = Mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương x 2. Theo đó, tại hai địa phương Hà Nội và TP.HCM sẽ có mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng cho một biển số.

Vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): Giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá (đơn vị tính là Việt Nam đồng) = Mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương x 10.

Đó là những nội dung đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Quyền được chuyển nhượng biển số cho người khác nếu không còn nhu cầu

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận xung quanh vấn đề này, chuyên gia pháp lý – Luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Ở Việt Nam thì mới nhưng ở nhiều nước trên thế giới thì họ đã đấu giá biển số ô tô từ lâu rồi. Tôi cho rằng, đây là xu hướng và là một chủ trương đúng, mang lại nhiều lợi ích”.

Lập luận quan điểm của mình, Luật sư Bùi Đình Ứng đưa ra các lý do như: Việc đấu giá biển số ô tô sẽ đáp ứng được mong muốn của người sử dụng phương tiện khi thích biển số nào đó; quy định này cũng tăng thu được cho ngân sách Nhà nước; tránh được tiêu cực, trục lợi trong việc cấp biển số như hiện nay; đảm bảo được tính minh bạch trong việc quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.

Chuyên gia pháp lý, luật sư Bùi Đình Ứng.

Theo luật sư Bùi Đình Ứng, người trúng đấu giá có quyền sở hữu biển số của mình suốt đời, nhưng không nên hiểu theo cách cứng nhắc như vậy mà cần quy định họ có quyền được chuyển nhượng cho người khác nếu không còn nhu cầu. Hãy coi biển số là một dạng tài sản mà họ sở hữu. Nếu quy định như vậy vừa tránh lãng phí biển và khi chuyển nhượng cho nhau phải lập hợp đồng công chứng, Nhà nước được thu thuế khi chuyển nhượng.

“Nhà nước lại tăng ngân sách khi thu thuế chuyển nhượng; mức thuế áp tỷ lệ như thuế chuyển nhượng tài sản hiện nay là phù hợp”, vị chuyên gia nói.

Phải chuẩn bị phương án xử lý các tình huống lợi dụng việc đấu giá để trục lợi

Cũng theo ông Ứng: “Thậm chí, không chỉ quy định biển số trúng đấu giá mới là sở hữu suốt đời, mà có thể nghiên cứu cả biển số không đấu giá cũng thuộc sở hữu của cá nhân. Khi họ chuyển nhượng xe thì không kèm cả biển số. Họ mua xe khác thì biển cũ của họ được sử dụng đăng ký cho xe mới mua. Như vậy, khi nào Nhà nước muốn hạn chế xe cá nhân thì chỉ cần đưa ra quy định mỗi năm cấp ra bao nhiêu biển số là sẽ thực hiện được.

Ở một số nước họ đã áp dụng phương thức này. Tức là anh phải có biển trước rồi mới mua xe. Chứ không phải cứ mua xe thì đương nhiên phải cấp biển”.

“Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc đấu giá biển số xe vẫn còn là vấn đề mới nên phải xây dựng được quy trình, quy định trong việc đấu giá để đảm bảo tính công khai, công bằng, minh bạch... Người muốn đấu giá phải đặt cọc một số tiền tương đối, đủ để thấy bị thiệt hại đáng kể nếu bỏ kết quả khi trúng đấu giá. Phải chuẩn bị những phương án xử lý các tình huống lợi dụng việc đấu giá để trục lợi. Ví dụ, có thể sẽ phát sinh nhiều người đăng ký đấu giá không nhằm mục đích sở hữu biển số xe mà chỉ đăng ký đấu giá nhằm gây khó khăn cho người có nhu cầu thực để hưởng lợi…”, vị chuyên gia pháp lý lưu ý.

Luật sư Bùi Đình Ứng phân tích thêm: Nếu mua biển rồi mới mua xe sẽ nảy sinh việc đầu cơ biển số; và có thể xảy ra tình trạng mua biển số để bán kiếm lời chứ không có tiền để mua xe… Để tránh được tình trạng này sẽ phải có những điều kiện cần và đủ để đăng ký cấp biển số (bản chất là mua biển số). Chúng ta cần học tập thêm kinh nghiệm của một số nước đang áp dụng phương thức này để dần dần đưa vào cho phù hợp với thực tiễn của nước ta.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phai-chuan-bi-phuong-an-xu-ly-cac-tinh-huong-loi-dung-viec-dau-gia-bien-so-o-to-de-truc-loi-post191654.html