Phải cố gắng không để cho ai nhiễm CĐHH bị đứng ngoài chính sách

Gần 40 năm sau chiến tranh, nhưng hàng triệu người Việt Nam vẫn đang sống trong nỗi đau bệnh tật do hậu quả của chất độc hóa học gây ra. Đau đớn hơn khi họ lại phải chứng kiến các thế hệ tiếp theo cũng bị ảnh hưởng nặng nề của thứ chất độc chết người này. Chính sach đối với các nạn nhân còn nhiều vướng mắc. VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An về vấn đề này.

Những chia sẻ nỗi đau với nạn nhân bị nhiễm CĐHH- Ảnh internet.

Những chia sẻ nỗi đau với nạn nhân bị nhiễm CĐHH- Ảnh internet.

Thưa ông, trước khi đi vào vấn đề cụ thể, xin ông cho bạn đọc VietTimes biết tổng quan về tình hình người bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay như thế nào?

-Thực hiện Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/2/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm CĐHH trong chiến tranh ở Việt Nam, Chính quyền các cấp ở Nghệ An đã triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời.

Từ năm 2000 đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận và giải quyết chế độ cho 20.095 trường hợp người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm CĐHH. Tính đến cuối năm 2019, tỉnh Nghệ An đang quản lý và chi trả trợ cấp hàng tháng cho 15.120 trường hợp.

"Việc tiếp nhận và giải quyết chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH trên địa bàn luôn được quan tâm, thực hiện thường xuyên" - ông Đoàn Hồng Vũ.

Từ năm 2017 đến năm 2019, Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận, giải quyết bao nhiêu hồ sơ đề nghị trợ cấp cho nạn nhân CĐHH? Trong đó đã có bao nhiêu trường hợp được công nhận và thụ hưởng chính sách người bị nhiễm loại chất độc này? Bao nhiêu hồ sơ chưa được xem xét và công nhận? Lý do vì sao?

-Từ năm 2017 đến năm 2019, Sở đã tiếp nhận, thẩm định 816 lượt hồ sơ. Kết quả cụ thể như sau: Có 683 trường hợp được Sở LĐTB&XH giới thiệu đến hội đồng giám y khoa Nghệ An để khám giám định; 33 trường hợp không đủ điều kiện giới thiệu do không có giấy tờ gốc chứng minh tham gia vùng miền bị rải CĐHH, hoặc hồ sơ bệnh tật chưa đúng với quy định. Sở đã trả hồ sơ lại cho cá nhân kê khai để bổ sung hồ sơ, để được tiếp nhận khi đủ điều kiện.

Trong tổng số 683 người được giới thiệu đi khám giám định bệnh tật liên quan phơi nhiễm CĐHH có 629 trường hợp được khám giám định và ban hành biên bản kết luận; 54 trường hợp không khám giám định với các lý do như bệnh tật không đúng với quy định trong danh mục bệnh tật liên quan phơi nhiễm CĐHH. Một số trường hợp sau khi được Hội đồng Giám định Y khoa (HĐGĐYK) thông báo mời đi khám, giám định không đến khám, hoặc đến và trực tiếp đề nghị không thực hiện việc khám, giám định.

Trao quà cho CCB Ngô Công Quý, xóm Giáp Ngói xã Long Thành (Yên Thành, Nghệ An)- Ảnh của NTV.

Trong tổng số 629 trường hợp đã có biên bản kết luận của HĐGĐYK thì có 495 trường hợp đủ điều kiện và được Sở LĐTB&XH ban hành quyết định giải quyết chế độ trợ cấp theo quy định; 134 trường hợp được HĐGĐYK kết luận không mắc mệnh tật liên quan phơi nhiễm CĐHH, không đủ điều kiện để giải quyết trợ cấp. Sở đã thông tin cho đối tượng được rõ về kết quả thực hiện.

Ông có thể cho biết những khó khăn, bất cập hiện nay khiến cho một số hồ sơ đề nghị công nhận được hưởng trợ cấp CĐHH không thể, hoặc chậm được giải quyết?

-Trước hết, xin khẳng định là việc tiếp nhận và giải quyết chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH trên địa bàn luôn được quan tâm, thực hiện thường xuyên. Thế nhưng, vẫn còn nhiều lý do dẫn đến các khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp nhận và giải quyết chế độ chính sách. Ví dụ: Có những người tham gia hoạt động kháng chiến, phục vụ kháng chiến tại vùng Mỹ rải CĐHH trong chiến tranh, nhưng hiện nay họ không mắc bệnh tật liên quan phơi nhiễm CĐHH.

Còn đối với những trường hợp mới phát bệnh, hoặc trong quá trình đi thăm khám, điều trị ở bệnh viện mới phát hiện mắc bệnh theo quy định về danh mục bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm CĐHH, nhưng hồ sơ, giấy tờ, tài liệu có tính pháp lý chứng minh tham gia kháng chiến tại vùng Mỹ rải chất độc hóa học thì không còn lưu trữ. Chính vì vậy, không thể công nhận và giải quyết chế độ cho họ được.

Bên cạnh đó, có một số văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa cụ thể hóa. Ví dụ quy định đối với người có tham gia hoạt động kháng chiến, có con đẻ đã được xác nhận, giải quyết trợ cấp chế độ trợ cấp con đẻ bị phơi nhiễm CĐHH trước thời điểm Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, nhưng bản thân họ (người trực tiếp) không mắc một trong các bệnh theo danh mục bệnh tật liên quan phơi nhiễm CĐHH, thì chưa có căn cứ, quy định để giải quyết chế độ trợ cấp.

Dưới góc độ chuyên môn, cũng như quá trình tiếp cận với thực tế phải giải quyết, ông có kiến nghị gì để việc giải quyết hồ sơ đề nghị trợ cấp CĐHH được thuận lợi, tránh tình trạng người bị nhiễm CĐHH không được hưởng chính sách?

-Phải cố gắng không để cho ai bị nhiễm CĐHH bị đứng ngoài chính sách.Vì vậy, chúng tôi nghĩ các cơ quan tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nên chăng nghiên cứu, thực hiện chế độ cho những trường hợp người hoạt động kháng chiến ở vùng Mỹ sử dụng CĐHH trong chiến tranh.

Các đối tượng nêu trên tuy không mắc một trong các bệnh trong danh mục bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm CĐHH hoặc mắc bệnh nhưng chưa đến mức độ nặng theo quy định hiện hành, nhưng họ sinh ra những người con bị dị dạng, dị tật bẩm sinh và con của họ đã được giải quyết chế độ trợ cấp CĐHH trước khi Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ có hiệu lực thi hành thì cũng được hưởng một chế độ ưu đãi nào đó cho đối tượng này. Có như vậy công tác giải quyết hồ sơ đề nghị trợ cấp chất độc da cam sẽ hợp tình, hợp lý hơn.

Hội Nạn nhân chất độc Da cam thành phố Vinh hỗ trợ chữa bệnh cho nạn nhân- Ảnh của VOV.

Để được hưởng chế độ trợ cấp phơi nhiễm CĐHH, ông có thể giải đáp thêm cho bạn đọc của Báo Viêttimes hiểu rõ hơn về điều kiện, hồ sơ, trình tự như thế nào?

-Điều kiện để được tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm CĐHH được quy định tại Điều 39 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, cụ thể:

1. Đã tham gia kháng chiến từ ngày 01/8/1961, đến 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường B, C, K.

2. Do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp bệnh tật sau:

a) Mắc bệnh theo danh mục bệnh tật do Bộ Y tế quy định làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên;

b) Vô sinh;

c) Sinh con dị dạng, dị tật theo danh mục dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định.

Hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gồm:

1. Bản khai và các Giấy tờ gốc theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 và Khoản 1, Điều 5, Thông tư 16/2014 ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Những người làm hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH có thể trực tiếp đến Sở LĐTB&XH tỉnh, phòng LĐTB&XH quận, huyện hoặc UBND cấp xã để được hướng dẫn cụ thể.

Còn Quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ được thực hiện theo Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH, cụ thể có các bước sau:

Bước 1: Cá nhân lập bản khai kèm theo hồ sơ theo quy định trực tiếp nạp hồ sơ tại UBND phường, xã nơi cư trú.

Bước 2: UBND phường, xã trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được bản khai, có trách nhiệm xác nhận các yếu tố trong bản khai. Chuyển Phòng LĐTB&XH quận, huyện.

Bước 3: Phòng LĐTB&XH quận, huyện trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách người đủ điều kiện kèm giấy tờ quy định gửi Sở LĐTB&XH tỉnh.

Bước 4: Sở LĐTB&XH trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra và giới thiệu ra Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh.

Bước 5: Sau khi Hội đồng giám định y khoa khám giám định, biên bản giám định sẽ được chuyển Sở Y tế kèm hồ sơ để cấp giấy chứng nhận bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học.

Bước 6: Sở Y tế trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận bệnh tật do nhiễm CĐHH chuyển Sở LĐTB&XH.

Bước 7: Sở LĐTB&XH tỉnh, TP trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, có trách nhiệm ra quyết định trợ cấp, phụ cấp đối với những trường hợp đủ điều kiện.

Còn những điều gì chưa rõ, chúng tôi xin mời người làm hồ sơ đề nghị công nhận chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH đến Sở, phòng LĐTB&XH cấp huyện hoặc UBND cấp xã để được hướng dẫn một cách cụ thể hơn!

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

Quỳnh Trang (thực hiện)

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/phai-co-gang-khong-de-cho-ai-nhiem-cdhh-bi-dung-ngoai-chinh-sach-386710.html