Phải đánh giá thực chất, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Ngày 19/1, Bộ Tư pháp phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo Tham vấn dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh: việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải đi vào thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu từ cuộc sống - Ảnh: VGP/LS

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh: việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải đi vào thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu từ cuộc sống - Ảnh: VGP/LS

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh; Phó trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu Jesus Lavina và Phó trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman đồng Chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, ở Việt Nam, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là nhiệm vụ đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành pháp luật, là cầu nối để truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Trước những yêu cầu mới đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung và công tác PBGDPL nói riêng, để đáp ứng chủ trương của Đảng cũng như yêu cầu thực tiễn đặt ra, một trong các nhiệm vụ quan trọng trong đổi mới công tác PBGDPL là đổi mới đánh giá công tác này theo hướng: "ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác PBGDPL".

Nhằm xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL có tính khoa học, khách quan, toàn diện, chặt chẽ, khả thi, khắc phục những bất cập, góp phần đưa công tác này ngày càng đi vào thực chất, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 phê duyệt Đề án "Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL" (Đề án).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, một trong những đòi hỏi từ thực tiễn là việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải đi vào thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu từ cuộc sống và nhu cầu tìm hiểu, thụ hưởng pháp luật của người dân.

Thượng tôn pháp luật phải là chuẩn mực ứng xử trong xã hội, điều này đã được cả hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực thực thi với pháp luật ngày càng hoàn thiện, trở thành văn hóa ứng xử trong xã hội. Điều này đòi hỏi phảiđẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật trên tinh thần "muốn có Nhà nước pháp quyền phải có công dân pháp quyền".

Do vậy, phải tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và tạo thuận lợi để người dân chủ động tiếp cận và tiếp nhận các thông tin pháp luật, thực hiện truyền thông ngay từ ngay xây dựng chính sách, tạo sự đồng thuận và sự tham gia của người dân vào xây dựng pháp luật.

Ông Jesus Lavina, Phó trưởng ban hợp tác phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, chỉ khi có kiến thức và luật pháp đầy đủ thì người dân mới có thể bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Muốn vậy, phải có sự đo lường và đánh giá tính hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân thực chất và hiệu quả chứ không phải là hình thức.

Phó trưởng Đại diện UNDP Patrick Haverman nêu rõ, việc phổ biến thông tin pháp lý là điều kiện tiên quyết để trao quyền hợp pháp cho công dân. Muốn vậy, phải xây dựng Bộ chỉ số nhằm theo dõi, đánh giá các tiêu chí mới được phát triển từ 2022 đến nay, cách thực hiện các tiêu chí này như thế nào sao cho hiệu quả nhất?

Xây dựng Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDP cần sự tham gia của chuyên gia, nhà quản lý và người dân - Ảnh: VGP/LS

Xây dựng Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDP cần sự tham gia của chuyên gia, nhà quản lý và người dân - Ảnh: VGP/LS

Theo đó, Đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo lộ trình thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2026, trong đó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí chung về đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng dự thảo Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL theo hướng kết hợp đánh giá quá trình quản lý nhà nước, tổ chức hoạt động PBGDPL và đánh giá về sự thay đổi trong nhận thức, ý thức pháp luật của đối tượng được PBGDPL.

Trên cơ sở Khung tiêu chí chung, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương thí điểm thực hiện Đề án sẽ xây dựng Tiêu chí cụ thể phù hợp với đặc thù của cơ quan, địa phương để thực hiện việc đánh giá thí điểm.

Trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, trợ giúp viên pháp lý, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu..., hầu hết các lực lượng trong xã hội đều được huy động tham gia công tác này. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng biên phòng, cảnh sát biển đã được huy động nhằm phát huy tối đa việc PBGDPL cho người dân. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp còn đang nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này, đó là "trợ lý ảo".

Vì vậy, xây dựng Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL được xác định là một nhiệm vụ khó, đòi hỏi cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng, huy động sự tham gia đóng góp ý của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhà khoa học, người làm thực tiễn công tác này.

Tại Hội thảo, một số đại biểu cho rằng về hình thức, dự thảo bảo đảm đúng quy định xây dựng, ban hành văn bản; bố cục rõ ràng, logic; về nội dung, nhiều tiêu chí đều đảm bảo tính khả thi: tiêu chí về mức độ hoàn thành trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn nội dung, hình thức PBGDPL trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành trong năm công tác; tiêu chí về mức độ đáp ứng nguồn lực kinh phí thực hiện các hoạt động PBGDPL theo kế hoạch PBGDPL năm đã được phê duyệt; tiêu chí về mức độ thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL; tiêu chí về mức độ phản hồi của đối tượng thụ hưởng hoạt động PBGDPL trực tiếp.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng cần bổ sung các nội dung phù hợp với mục tiêu, đối tượng đánh giá; bổ sung quy định về cách thức đánh giá đối với việc đánh giá kết quả đầu vào và đầu ra; nghiên cứu bổ sung quy định về thời điểm thực hiện đánh giá; bổ sung quy định về nguồn dữ liệu phục vụ việc đánh giá.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/phai-danh-gia-thuc-chat-hieu-qua-cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-102240119144905983.htm