Phải định hướng cho trẻ em khi 'online' với những Clip độc hại
Trong thời đại 'bùng nổ' thông tin, các bậc phụ huynh cần lưu ý xem tại sao những thông tin nhảm nhí trên mạng lại hấp dẫn trẻ thơ đến thế, liệu mình đã thực sự quan tâm đến con chưa?
Tràn lan thông tin độc hại trên mạng
Những năm gần đây, hàng loạt các kênh YouTube khác như Tam Mao TV, Hưng Vlog, Bà Tân Vlog hay các giang hồ mạng như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dũng Trọc... cũng tạo ra những video nhảm nhí, thậm chí độc hại nhằm mục đích câu like, câu view, kiếm tiền từ quảng cáo.
Cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành xử phạt, gỡ bỏ nhiều nội dung phản cảm cấm tuyên truyền nội dung vô bổ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên bằng những ngôn từ tục tĩu.
Hiểu được tâm lí trẻ em rất tò mò khám phá những điều xung quanh và thích bắt chước làm theo nên nhiều YouTuber đã tạo ra hàng loạt clip phát tán trên các kênh, nổi cộm như “Ăn xương rồng trừng trị sao đỏ Xanh lanh chanh,” “Ăn Ipad trong lớp troll Xanh lanh chanh xấu tính,” “Làm giả bột giặt từ sữa bột,” "Uống nước rửa bát”, “Ăn xà bông, uống sữa tắm”… Theo đó, những YouTuber đã hướng dẫn làm giả xà bông và sữa tắm bằng sữa và chocolate trắng. Sau đó, một người ăn xà bông và sữa tắm (được làm từ sữa và chocolate) trước mặt bạn mình, rồi lừa người kia ăn xà bông và sữa tắm thật.
Khi xem có các clip này chắc hẳn là phụ huynh ai cũng cảm thấy bực tức và lên án chỉ trích kênh này vì họ cho rằng những video trên rất dễ khiến trẻ nhỏ học và làm theo, gây nguy hiểm. Trước những ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng, hai nhân vật chính của kênh đã đăng tải một clip xin lỗi và giải thích rằng các video đều hướng đến các bạn nhỏ trên 13 tuổi.
Tuy nhiên, lời giải thích này không thuyết phục được dư luận bởi trẻ nhỏ vẫn có thể truy cập vào những nội dung này khi xem cùng anh chị, hơn nữa tuổi 13 vẫn là lứa tuổi “nghịch dại,” sẽ bắt chước theo những hình ảnh trong video để trêu chọc bạn bè.
Nhiều nội dung có xuất xứ từ nước ngoài cũng khiến những nhân vật hoạt hình bị biến dạng theo hướng tiêu cực. Như Heo Peppa (Peppa Pig) là một trong những nhân vật hoạt hình rất phổ biến, nhưng ngoài những bộ phim chính thức do Công ty Canada Entertainment One Ltd., nhà phân phối phim điện ảnh và truyền hình làm ra thì trên mạng xã hội, đặc biệt là trên YouTube còn có hàng triệu phiên bản video “chế” mang tên nhân vật hoạt hình này. Trong đó có cả những video Heo Peppa chứa nội dung kinh dị, bạo lực.
Đáng lo ngại là những video chế cũng thu hút lượt xem không kém các video chính thống khi đạt tới hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt xem. Tương tự, trên các kênh này cũng xuất hiện nhan nhản những nhân vật hoạt hình nổi tiếng đã bị bóp méo, biến dạng như hình ảnh công chúa Elsa mang bầu, mặc đồ bikini, hôn Spiderman..., thu hút lượt xem rất cao.
Không phải đến bây giờ mới xuất hiện nhiều kênh You Tube hay chương trình được gọi là “độc hại” tràn lan trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc loại bỏ hết “độc hại” còn rất nhiều thách thức, bất cập. Bởi lẽ hạ được kênh này thì kênh và chương trình khác lại mọc lên
Gần đây YouTuber Thơ Nguyễn tung clip “xin vía búp bê để học giỏi” (đoạn clip ghi lại cảnh nói chuyện với búp bê để xin vía học giỏi cho các em học sinh) làm dư luận bức xúc. Bởi với lời giới thiệu là kênh giải trí dành cho các bạn nhỏ, có nội dung chính về đồ chơi, hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản, làm đồ chơi handmade,… kênh YouTube Thơ Nguyễn có giao diện vui nhộn và có vẻ an toàn với trẻ em. Đã nhiều phụ huynh để con mình theo dõi kênh này thường xuyên.
Được biết kênh YouTube Thơ Nguyễn có hơn 8,7 triệu người theo dõi này và ngoài những clip giải trí, vẫn còn có những nội dung phản cảm, nhảm nhí thậm chí gây nguy hiểm như “thử nghiệm đun nóng lon nước ngọt,” tắm trong bồn đầy thạch jelly,” “ăn mỳ tôm từ bộ đồ chơi đường trượt nước” hay “cho đá khô vào chai nước kín.”
Những thông tin nhảm nhí, độc hại nêu trên đã và đang trở thành những thông tin độc hại đang lan tràn trên mạng xã hội.
Phải làm gì để chống lại “độc hại” trên mạng?
Thực tế cho thấy mối nguy hại có thật bắt nguồn từ những trò vui ảo và cũng chính vì thế mà không gian mạng trở thành cái chợ hỗn loạn, đòi hỏi người sử dụng phải có nhận thức, có trình độ và bộ lọc tốt, để tiếp thu những nội dung có ích và tẩy chay những thông tin độc hại. Tuy nhiên trẻ em, trẻ vị thành niên có tâm lý tò mò, hiếu động, dễ chạy theo trào lưu, là nhóm khán giả có nguy cơ cao tiếp nhận thông tin mà chưa có nhận thức đúng đắn. Các em dễ bị tác động, học theo và có những suy nghĩ lệch lạc.
Minh chứng cho điều này là đã có vụ việc đau lòng bắt nguồn từ những gì trẻ em học được trong thế giới ảo. Năm 2020, một học sinh cuối cấp 2 ở Hải Dương bị đa chấn thương sau khi tự chế thuốc nổ do học theo video trên Youtube. Một bé 5 tuổi tử vong do học theo trò thắt cổ trên mạng. Trò nghịch dại này còn khiến một bé 7 tuổi khác suýt chết, may mắn được gia đình phát hiện. Không khó để tìm những clip hướng dẫn làm thuốc nổ, thuốc súng, thuốc mê… trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa trên thanh tìm kiếm là người dùng sẽ nhận được hàng nghìn kết quả liên quan.
Các bậc phụ huynh hiện nay cho con sử dụng các thiết bị thông minh quá sớm và quá tự do, điều đó có hại cho sức khỏe và tâm lý của trẻ. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 xuất hiện, mọi hoạt động dần chuyển hướng online và mạng xã hội đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các con học trực tuyến, bố mẹ họp online, các đồ dùng thiết yếu, thực phẩm đều có thể đặt hàng trên mạng và được giao tại nhà..
Thực tế cuộc sống số là những thứ cần thiết cho xã hội trong điều kiện phải cách ly xã hội do dịch covid-19. Chúng ta không thể để con em mình không biết dùng smartphone, dùng mạng xã hội và ngơ ngác trong một xã hội 4.0. Với tính tò mò của tuổi mới lớn, những đứa trẻ sẽ tự tìm cách để tiếp xúc với công nghệ số. Và tự bản thân sẽ tiếp cận với những clip mang tính “ độc hai” trên mạng.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng cần sự chung tay của cả cộng đồng để giáo dục cho con trẻ biết thông tin nào là xấu, thông tin nào là có lợi. “Trước tiên, chúng ta phải tăng cường kỹ năng cho các bậc phụ huynh để rèn cho trẻ con. Việc dùng kỹ thuật để kiểm soát con chỉ được một thời gian thôi. Nếu kiểm soát chặt quá lại ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ-con cái. Giải pháp khuyến nghị là cha mẹ phải đồng hành với con để con chia sẻ những vấn đề gặp phải trên không gian mạng” …
Điều quan trọng, phải tìm ra những giải pháp ngăn chặn từ gốc rễ. Điều này có nghĩa là các chủ kênh mạng xã hội cần có cam kết về nội dung để nâng cao trách nhiệm với xã hội, đồng thời các bậc phụ huynh cũng phải nhìn nhận lại vai trò của mình trong quản lý và giáo dục con cái, cũng như luôn đồng hành cùng con để hiểu, chia sẻ với con. Đó chính là liều “vaccine” miễn dịch với những clip độc hại trên mạng.