Phải đóng tiền dùng phần mềm MozaBook, phụ huynh THCS Lê Lợi, Quận 3 bức xúc

Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lê Lợi, Quận 3 giải thích về các khoản thu mà nhà trường dự kiến thực hiện.

Dự kiến thu tiền điện máy lạnh 35.000 đồng/học sinh/tháng

Phụ huynh Trường trung học cơ sở Lê Lợi, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh vừa chuyển ý kiến bức xúc về Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cho biết rằng nhà trường đang lấy ý kiến của phụ huynh về việc đóng tiền điện cho máy lạnh trong lớp học.

Phản ánh của phụ huynh cho biết, vào năm ngoái, lớp 6 con của vị phụ huynh này chỉ phải đóng tiền quỹ lớp. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm của lớp sẽ trích từ 2 đến 3 triệu đồng tiền điện máy lạnh cho một học kỳ (từ tháng 9 năm trước đến tháng 1 năm sau).

Tuy nhiên, năm học này, nhà trường lại đang lấy ý kiến của phụ huynh để đóng 35.000 đồng/học sinh/tháng tiền điện để sử dụng máy lạnh.

Một lớp học khoảng 38 học sinh, thì nhân lên số tiền học sinh sẽ đóng là 1.300.000 đồng cho một lớp học, và 5 tháng của học kỳ 1 sẽ có được số tiền 6.500.000 đồng.

Trường trung học cơ sở Lê Lợi, Quận 3 (ảnh minh họa: V.D)

Trường trung học cơ sở Lê Lợi, Quận 3 (ảnh minh họa: V.D)

Ngoài ra, phụ huynh còn được lấy ý kiến về khoản thu tiền dịch vụ tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (chỉ thu ở các lớp 7/1, 7/3. 6/1, 6/2, 6/3 và 6/4), với số tiền là 95.000 đồng/học sinh/tháng.

Phụ huynh nói rằng, họ đã phải chịu quá nhiều gánh nặng về tiền học, đủ các loại tiền thì nay lại thêm một khoản tiền điện máy lạnh

Mỗi lớp dôi ra thêm vài triệu, thì một trường học có vài chục lớp thì số tiền đó sẽ rơi vào túi của ai?

Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lê Lợi nói gì?

Ngày 30/10/2023, cô Dương Hữu Nghĩa – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lê Lợi, Quận 3 đã lên tiếng giải thích về các khoản thu mà phụ huynh thắc mắc.

Cô Dương Hữu Nghĩa cho biết, năm ngoái, nhà trường thực hiện việc thu tiền điện máy lạnh theo thực tế chỉ số của đồng hồ điện, nhân lên số tiền rồi chia bình quân cho mỗi học sinh.

Thông thường, nhà trường hết khoảng 60 triệu đồng tiền điện, trong đó khối văn phòng chỉ hết khoảng 20 triệu đồng, còn lại là tiền điện ở các lớp học.

Nếu tiền điện tính theo đồng hồ thì sẽ có lớp ít và lớp nhiều, nên nếu chia bình quân cho số học sinh, thì mỗi em sẽ đóng 35.000 đồng nếu học bán trú, và 30.000 đồng nếu học hai buổi.

Theo cô Dương Hữu Nghĩa, ở mỗi lớp học đều có đồng hồ điện riêng, Nhà trường sẽ tính toán xem, với số tiền 35.000 đồng tiền điện mỗi tháng học sinh đóng có đủ để trả tiền điện hay không.

Nếu không thì nhà trường sẽ thay đổi lại phương án, là thu tiền điện theo chỉ số ghi trên đồng hồ điện, rồi chia ra bình quân cho học sinh từng lớp.

Thế nhưng, cô Dương Hữu Nghĩa nói rằng, nếu thu theo chỉ số đồng hồ điện, thì giáo viên chủ nhiệm sẽ rất vất vả, do học kỳ 1 họp phụ huynh thì không vấn đề gì, nhưng họp ở học kỳ 2 hay cuối năm, phụ huynh đi họp ít hơn.

Giáo viên chủ nhiệm lúc đó lại phải đi đòi tiền điện máy lạnh, mà giáo viên không thu đủ thì lớp lại lâm vào tình trạng nợ tiền điện.

Nếu thu một cục thì giáo viên chủ nhiệm của các lớp sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Thế nhưng, tất cả các khoản thu này trường đặt ra là dự kiến, vẫn còn chờ kết quả trình lên lãnh đạo Quận 3 duyệt, chấp thuận.

Khoản thu Dịch vụ tiện ích, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, là khoản thu học sinh sử dụng phần mềm MozaBook, một phần mềm học liệu số.

Học sinh có thể coi tư liệu các bài giảng, kèm theo việc sử dụng màn hình cảm ứng.

Nếu phụ huynh của trường tất cả đồng thuận, tự nguyện tham gia thì làm (chỉ có 6 lớp tham gia), không thì thôi, vì khoản thu này cũng có nằm trong Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/phai-dong-tien-dung-phan-mem-mozabook-phu-huynh-thcs-le-loi-quan-3-buc-xuc-post238905.gd