Phải hành động rốt ráo

Trước hiện trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao của thị trường lao động trong nước, Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp NGUYỄN HỒNG MINH (ảnh bên) đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động nói chung và công nhân trong các khu công nghiệp (KCN) nói riêng.

- Đang có tình trạng nhiều doanh nghiệp thiếu lao động để mở rộng sản xuất. Theo ông, điều đó có phải bắt nguồn từ công tác dạy nghề, và là thách thức trong đào tạo lao động chất lượng cao?

- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) có đặc trưng cơ bản nhất là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data), công nghệ rô-bốt... bối cảnh này cũng đặt ra những vấn đề về đào tạo nhân lực, lao động nói chung, lao động cung ứng cho các KCN, các doanh nghiệp (DN) nói riêng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, giải pháp chung cơ bản nhất về kỹ năng cho người lao động là, ngoài trang bị vững về chuyên môn, tay nghề, có khả năng làm chủ máy, khoa học công nghệ, thì cần trang bị năm nhóm năng lực cơ bản sau: nhóm năng lực nhận biết; nhóm năng lực thích nghi; nhóm kỹ năng con người với con người; nhóm năng lực làm việc và giá trị; nhóm năng lực học để học tiếp. Riêng ở Việt Nam, do đặc thù tỷ lệ người lao động với kỹ năng giản đơn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 60%) với ứng dụng khoa học công nghệ thấp dẫn đến năng suất lao động thấp.

Thực tế đó đặt ra yêu cầu về đào tạo nguồn lao động nói chung cần phải thay đổi theo để đáp ứng. Chúng ta phải thực hiện hai giải pháp phát triển kỹ năng nghề cho hai nhóm người lao động, đó là:

Nhóm người lao động giải quyết những thách thức và vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng hiện nay như tỷ lệ lao động nông thôn, nông nghiệp kỹ năng thấp còn cao, kế hoạch chuyển đổi mô hình kinh tế phát triển bền vững của Chính phủ ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long…

Nhóm người lao động tiên phong có khả năng nhanh chóng tận dụng những cơ hội và thế mạnh của CMCN 4.0 để đột phá vươn tầm quốc tế, vượt lên những thách thức mới với đội ngũ lao động có kỹ năng trình độ đẳng cấp quốc tế trong các lĩnh vực có ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, làm tiên phong thúc đẩy đưa đất nước đi lên trở thành quốc gia khởi nghiệp.

- Tại kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019, đã có 27 nghề mới được trình diễn. Điều đó cho thấy người lao động Việt Nam trong các đơn vị, DN tại các KCN ở ta còn một khoảng cách không nhỏ với thị trường lao động thế giới. Ông có đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Tại kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 tại TP Kazan (Nga) năm 2019 vừa qua, đã xuất hiện sự trình diễn của hàng loạt kỹ năng mới (future skill) do các DN, các nhà khoa học mang đến, thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia. Đây phần lớn là những kỹ năng của thời kỳ CMCN 4.0 như internet vạn vật (IoT), vận hành vật thể bay không người lái, công nghệ lượng tử, thực tế ảo... Những kỹ năng mới và của nghề tương lai này thực tế đã có trong thực tiễn sản xuất tại các DN, ngành công nghiệp, tuy nhiên chưa phải nghề phổ biến mà mới xuất hiện tại các DN lớn, tại các nước phát triển.

Do vậy, hiện các cơ sở đào tạo vẫn chưa đáp ứng kịp về mô hình thích hợp, các điều kiện đào tạo khác về giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình... Đây là một thách thức lớn nếu chúng ta chưa quan tâm đến đào tạo chuẩn bị cho tương lai (5 đến 10 hoặc 20 năm tới) với yêu cầu lớn về người lao động cả về số lượng và trình độ kỹ năng. Đây cũng là thông điệp trực quan mạnh mẽ của tổ chức Kỹ năng nghề quốc tế (World Skills International) cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) còn đang tụt hậu và có khoảng cách không nhỏ so nhu cầu kỹ năng tương lai trong thời gian tới.

Tôi xin chia sẻ thêm, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,2% của Xin-ga-po; 18,4% của Ma-lai-xi-a; 36,2% của Thái-lan; 43% của In-đô-nê-xi-a và bằng 55% của Phi-li-pin. Điều đó khiến chúng ta phải hành động rốt ráo nâng cao năng suất lao động để bắt kịp với sự phát triển chung. Mà điều đó phụ thuộc vào nguồn lao động trên cả nước.

- Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có những giải pháp gì để chuẩn bị nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng cho các đơn vị, DN, KCN?

- Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đúc rút kinh nghiệm, đánh giá và có một số giải pháp nhằm chuẩn bị đội ngũ lao động có kỹ năng tương lai trong thời gian tới gồm một số giải pháp cơ bản, xuyên suốt có sự tham gia của các chủ thể, đối tác liên quan là DN, cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, nhà giáo dục. Cụ thể, trên cơ sở các quy định về pháp luật GDNN, pháp luật về việc làm và các khuyến cáo của các chuyên gia trong nước và quốc tế, quá trình đào tạo người lao động cần chú trọng trang bị các kỹ năng, kiến thức nền tảng (foundation) và cơ bản (back to the basic), một số kỹ năng thuộc các nhóm trong thời kỳ CMCN 4.0: nhóm kỹ năng nhận biết; nhóm kỹ năng thích nghi; nhóm kỹ năng làm việc và giá trị; nhóm kỹ năng con người với con người và nhóm kỹ năng học để học tiếp.

Các nhóm kỹ năng cơ bản trên đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành, các hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp lồng ghép và đưa vào nhóm năng lực cơ bản trong các bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của các nghề mới được xây dựng và công bố theo quy định của Luật Việc làm 2013. Trên cơ sở các bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia với năng lực cơ bản này sẽ được cụ thể hóa thành các bộ công cụ (bộ đề thi) đánh giá, cấp chứng chỉ và công nhận, thừa nhận kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, giúp các DN có nguồn lao động dồi dào có chất lượng được chuẩn hóa, phù hợp nhu cầu hiện tại và tương lai. Mặt khác, các cơ sở GDNN, các cơ sở giáo dục có căn cứ là các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề này để phát triển các chuẩn đào tạo, các bộ chương trình đào tạo có chất lượng bám theo được sự biến đổi nghề nghiệp, đòi hỏi của DN trong các KCN trong tương lai 10 hoặc 20 năm tới, tại thị trường lao động của Việt Nam cũng như xu hướng của hội nhập quốc tế.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Ảnh: HẢI NAM

Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Ảnh: HẢI NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/43269602-phai-hanh-dong-rot-rao.html