Phải kéo giảm giá vàng
Từ ngày 19/4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 7 phiên đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường. Loại vàng miếng đấu thầu là vàng SJC, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất, hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá.
Trong 7 phiên, có 4 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng, 3 phiên còn lại không thành công do không có đủ số lượng thành viên đặt cọc và bỏ thầu.
Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 23/4, có 2 thành viên trúng thầu với khối lượng là 3.400 lượng vàng miếng SJC. Tại phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 8/5, có 3 thành viên trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng vàng miếng SJC. Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 14/5 có 8 thành viên trúng thầu với khối lượng 8.100 lượng. Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 16/5, 11 thành viên đã trúng thầu với khối lượng 12.300 lượng. Giá trúng thầu cao nhất là 88,92 triệu đồng/lượng.
Từ lâu, vàng trở thành món hàng đầu cơ hứa hẹn lợi nhuận cao, thậm chí đi vào đời sống người dân như một loại phương tiện thanh toán. Hơn 10 năm trước, Nghị định 24 ra đời khi đó nhất quán thương hiệu vàng SJC vốn được thị trường ưa chuộng, chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch, được xác lập làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Nghị định 24 cũng xác lập việc độc quyền kinh doanh vàng miếng thương hiệu SJC thuộc về Ngân hàng Nhà nước. Doanh nghiệp SJC là đơn vị gia công theo các đơn đặt hàng của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, Nghị định 24 ra đời trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đối diện với lạm phát cao, hoạt động huy động vàng, cho vay vàng trên bảng cân đối của ngân hàng thương mại xảy ra hết sức phổ biến. Chính vì thế, khi Nghị định 24 ra đời, hiện tượng vàng hóa, gửi vàng của dân trong các ngân hàng đã không còn. Bởi Ngân hàng Nhà nước đã không cho phép sự tồn tại của vàng trên bảng cân đối của các ngân hàng thương mại, kể cả hoạt động huy động và cho vay.
Thế nhưng, do thời gian qua, đặc biệt là trong khoảng 6 tháng vừa qua, thị trường vàng quốc tế đã có sự gia tăng mạnh về giá, bởi nhiều lý do như tình hình chính trị thế giới chính sách tiền tệ, lạm phát. Giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế có lúc chênh lệch lên đến 20 triệu đồng/lượng. Đây là lý do vì sao Chính phủ liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có những quyết sách để thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.
Có nhiều quan điểm khác nhau về việc sử dụng công cụ nào, giải pháp nào để kéo giá vàng xuống? Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là “thị trường khan vàng sẽ cho đấu thầu bán ra và là người ra giá. Chính điều này đã khiến các “nhà vàng” không vui vì giá vàng khởi điểm đấu thầu chỉ kém tí chút so với giá vàng đang bán ra với quan điểm: Giá vàng trong nước phải liên thông theo giá vàng thế giới, chứ không có kiểu “một mình một chợ” hoặc chênh cao, hoặc tăng giảm trái chiều.
Ngân hàng Nhà nước không “rộng cửa” nhập vàng hay cho doanh nghiệp nhập vì lo ngại làm tăng cầu ngoại tệ, vô hình trung tạo áp lực lên tỷ giá VND/USD. Từ đó làm căng thẳng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia (hiện tại, một năm Việt Nam mới nhập số vàng trị giá khoảng 3 tỷ USD trong khi dự trữ ngoại hối của chúng ta trên 100 tỷ USD). Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nhu cầu mua bán, dự trữ bình thường của doanh nghiệp người dân, coi vàng như một hàng hóa vẫn không được thực thi. Nếu cứ “ngăn sông cấm chợ” không có nhập khẩu vàng thì không bao giờ có chuyện giá vàng được kéo xuống.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phai-keo-giam-gia-vang-170952.html