Phải làm sao khi lối đi chung bỗng dưng bị rào?

Việc sử dụng lối đi chung do các bên tự do thỏa thuận, tuy nhiên phải đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Trong trường hợp các bên không thể tự hòa giải được thì có thể nhờ UBND cấp xã/phường nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Bạn đọc Cấn Ngọc Quân (Hà Nội) hỏi: Nhà tôi ở sâu trong một con ngõ nhỏ trên phố cổ Hà Nội. Con ngõ là lối đi của gia đình tôi đã 30 năm nay. Đến nay hàng xóm rào ngõ vì cho rằng lối đi này nằm trong phần đất nhà họ khiến chúng tôi không có lối đi. Gia đình tôi phải làm thế nào?

Luật sư Hà Thị Khuyên, (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) trả lời:

Pháp luật quy định rõ ràng về quyền về lối đi qua của người dân. Cụ thể: Tại khoản 2, Điều 254, Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: “Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Do vậy, việc sử dụng lối đi chung do các bên tự do thỏa thuận, tuy nhiên phải đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên.

Trong vụ việc trên, con ngõ là lối đi của gia đình ông/bà đã 30 năm nay, đến nay hàng xóm rào ngõ vì cho rằng lối đi này nằm trong phần đất nhà họ khiến gia đình ông/bà không có lối đi gây khó khăn cho việc đi lại cũng như sinh hoạt của gia đình, đặc biệt đây là lối đi duy nhất. Gia đình ông/bà có thể giải quyết theo hướng thỏa thuận, hòa giải theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai 2013. Trong trường hợp các bên không thể tự hòa giải được thì có thể nhờ UBND cấp xã/phường nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND cấp xã/ phường thì gia đình ông/ bà có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp quận/huyện và UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về lối đi chung. Nếu việc bị rào ngõ có gây ra thiệt hại và chứng minh được thiệt hại đó thì gia đình ông/bà cũng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết việc bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra.

Việt An

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/phai-lam-sao-khi-loi-di-chung-bong-dung-bi-rao-405426.html